Kết nối xe buýt với metro Nhổn - ga Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
TP - Để phục vụ tuyến đường sắt đô thị (metro) Nhổn - ga Hà Nội vận hành vào quý II/2023, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng (HPTC), Sở GTVT Hà Nội đang lên phương án điều chỉnh, kết nối mạng lưới buýt với metro.

Theo tiến độ, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có kế hoạch vận hành đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy vào quý II/2023. Để hành khách dễ dàng tiếp cận với metro, HPTC đang khảo sát, xây dựng phương án điều chỉnh lộ trình mạng lưới các tuyến buýt theo hướng bố trí lại hành trình, các điểm dừng đỗ gần các ga tàu đã xây dựng trên dọc các tuyến đường Cầu Giấy - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu - Cầu Diễn - Minh Khai. HPTC cho biết, dọc các tuyến đường trên hiện có 31 tuyến buýt đang hoạt động, có thể điều chỉnh, bố trí sắp xếp lại các điểm dừng đỗ để hành khách dễ dàng kết nối với tuyến đường sắt trên cao Nhổn - Cầu Giấy. “Trong số này, có 28 tuyến trợ giá và 3 tuyến không trợ giá. Qua khảo sát, lưu lượng khách có nhu cầu đi lại bằng xe buýt hàng ngày khoảng hơn 118.000 lượt người có nhu cầu đi lại bằng loại hình vận tải hành khách công cộng”, đại diện HPTC thông tin.

Kết nối xe buýt với metro Nhổn - ga Hà Nội ảnh 1

Có gần 50 tuyến trong mạng lưới buýt được sắp xếp kết nối với metro Nhổn - ga Hà Nội.

HPTC cho biết, theo kế hoạch đã được Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cung cấp, tuyến Nhổn - Hà Nội có thiết kế mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, mỗi toa chở được 230 hành khách, mỗi chuyến chở được 920 hành khách. Hoạt động tần suất giờ cao điểm 7,5 phút/chuyến (bình quân vào giờ cao điểm có 8 chuyến/giờ/hướng vào ga đón, trả khách). “Như vậy, năng lực vận chuyển của tuyến đường sắt đô thị số 3 tối đa đạt mức 7.360 hành khách/giờ/hướng”, HPTC đánh giá. Để phục vụ hành khách, đại diện HPTC cho rằng, điểm dừng xe buýt dọc tuyến sẽ phải bố trí lại, bổ sung thêm theo hướng gần với các ga để tạo điều kiện kết nối khách đi xe buýt với đường sắt đô thị.

Khoảng 15 - 20% người dân đi metro

Theo phương án đang được HPTC xây dựng, ngoài 31 tuyến hoạt động, thành phố có kế hoạch điều chỉnh, mở mới 12 tuyến buýt kết nối hành khách cho đường sắt đô thị. Trong số này có 3 tuyến được điều chỉnh (gồm tuyến 39, 96, CNG07) và 9 tuyến được mở mới. Sau khi hoàn thiện phương án, năng lực trung chuyển, kết nối hành khách và giải tỏa của xe buýt tại các điểm đầu cuối, tại các ga dọc tuyến, dự báo sẽ có khoảng 15 - 20% người dân trên dọc QL32 đoạn từ Cầu Giấy đi Nhổn sẽ chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Mạng lưới vận tải hành khách công cộng dọc trục QL32 từ Cầu Giấy đi Nhổn cũng được hoàn thiện theo hướng đồng bộ.

Ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, đơn vị đã nghiên cứu tổ chức giao thông và sẵn sàng điều chỉnh lộ trình các tuyến buýt theo phương án của HPTC khi đoạn trên cao Nhổn - ga Hà Nội đi vào hoạt động. Theo ông Bảo, trong giai đoạn 1 vận hành đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị số 3, Sở GTVT Hà Nội tập trung điều chỉnh, bố trí hợp lý hành trình, các điểm dừng đỗ của 31 tuyến buýt đang hoạt động; giai đoạn tiếp theo sẽ triển khai mở mới các tuyến buýt thành phố đã có kế hoạch để phục vụ kết nối hành khách với đường sắt đô thị.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lập An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.