Theo GS.TS Trần Nghi, Đại học Quốc gia Hà Nội, kết quả công bố hiện trạng môi trường biển bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế của Bộ TN&MT hôm 22/8 có thể coi là bước một trong quá trình đánh giá hiện trạng biển. “Tôi chờ đợi kết quả nghiên cứu bước 2. Lúc đấy mới có thể kết luận khi nào môi trường biển 4 tỉnh miền Trung thực sự trong sạch, hải sản đánh bắt có thể ăn được và du lịch ven biển trở lại bình thường. Với công bố này, tôi coi đây chưa phải là kết thúc những vấn đề cần nghiên cứu để trả lời các thắc mắc của người dân một cách thỏa đáng”, GS Nghi nói.
Theo ông, muốn biết được thời gian nào, ngày tháng nào biển trở lại như xưa phải tiếp tục lấy mẫu và đánh giá. GS Nghi cho rằng, không cần phải đánh giá, mở rộng vùng phân tích quan trắc như trước đây mà nên tập trung vào vùng nhạy cảm như ba vùng xoáy tích tụ độc tố tại Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường biển cho rằng, sau lễ công bố hôm 22/8, Bộ TN&MT cần tiến hành khoanh vùng về không gian, những điểm nóng hay chưa nóng về môi trường cũng như đề xuất những khu vực được ưu tiên bảo vệ, khu vực nào được ưu tiên đánh bắt.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hợp, Đại học Huế, kết luận của Dự án điều tra, đánh giá mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường biển do sự cố môi trường gây ra tại 4 tỉnh ven biển miền Trung cho rằng, hàm lượng các độc tố trong nước biển, trầm tích đang giảm dần. Câu hỏi quan trọng là giảm đến đâu. Theo PGS Hợp, phải có sự so sánh với bức tranh của quá khứ.
Ngoài ra, theo ông Hợp, kết luận của Bộ Y tế là hàm lượng một số chất độc trong hải sản giảm dần thời gian gần đây là kết luận chung chung, khó hiểu. Nếu nói giảm thì phải làm rõ giảm bao nhiêu. So với hải sản ở những vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam thì thế nào. “Phải chăng Bộ Y tế thận trọng quá”, PGS Hợp đặt vấn đề.