“Kẻ tu giữa chợ”

“Kẻ tu giữa chợ”
TPCN - Lúc thì trên chiếc xe đạp Thống nhất cũ nát, chiếc xe của những năm 60 thế kỷ truớc, nhưng chắc chủ nhân của nó đã hơn 10 năm nay không đủ kinh phí để “duy tu bảo dưỡng”.
“Kẻ tu giữa chợ” ảnh 1
Chân dung ông Hoàng Bình Trọng với cuốn “Bí mật một khu rừng” tái bản lần 4 (2006)          

Nên trông nó càng thảm hại hơn tuổi đời mà nó vốn có, lúc thì đầu trần cuốc bộ trên đôi dép lê với bộ cánh của thời bao cấp cũ sờn, người đàn ông ấy đã không còn xa lạ với những bà, những chị hàng rau dưa và cá vụn ở chợ Đồng Hới.

Ông như chiếc đồng hồ, chính xác và tuân thủ nghiêm ngặt cái lộ trình đi về của mình từ cơ quan đến chợ và trở về cái phòng nhỏ cấp... 5, ở nhờ gần Trung tâm Văn hoá tỉnh. Giữa đô thị phồn hoa, mọi ngưòi chẳng biết ông là ai, mà ông cũng chẳng muốn họ biết mình là ai.

Ông sống trong một thế giới của  riêng mình, âm thầm và lặng lẽ. Nhiều lần tôi bắt gặp ông ở trên cái lộ trình đi về khắc nghiệt ấy và có cái cảm giác thế giới xung quanh chẳng còn mấy ý nghĩa đối với ông.

Không lẽ cái thế giới nội tâm của ông đã mãi mãi “cửa đóng, then cài”? Tiểu thuyết đầu tay “Bí mật một khu rừng” của ông (vang dội trong nước  với 4 lần tái bản và được NXB Thiếu nhi Matxcơva xuất bản), không lẽ đó chính là tuyên ngôn của ông tự viết cho mình.

Muốn hiểu ông, chắc phải như những người kỹ sư địa chất trong tiểu thuyết kia, kỳ công lắm mới tìm ra được những vỉa quặng quý ẩn mình nằm sâu trong lòng đất. Tôi quyết định đi tìm những vỉa quặng đó trong ông: Nhà văn, Nhà báo, Nhà ngôn ngữ học Hoàng Bình Trọng.

* * *

Một buổi trưa mùa hè năm 1992, Trạm Kiểm lâm Quảng Sơn (Quảng Trạch-Quảng Bình) đã bắt giữ một toán “lâm tặc” đông đến mươi người, gồm cả phụ nữ, thanh thiếu niên và có cả một... ông già.

Toán “lâm tặc” này vừa chui ra từ cánh rừng trước mặt và trên vai họ là những gánh củi xâu (loại củi cành nhánh nhỏ). Sự việc đã rồi, đành phải áp dụng hình thức xử phạt để răn đe. Nhưng phạt họ bằng cái gì? Tiền không. Vật thế chấp cũng không.

Kiểm lâm đành chọn cách giữ một người ở lại làm con  tin, còn cho mọi người về nhà lấy tiền lên nộp phạt. Ai sẽ ở lại làm con tin? Bàn bạc mãi rồi cả nhóm “lâm tặc” thống nhất để ông già kia ngồi lại. Họ nghĩ, nếu kiểm lâm có làm khó thì chắc không nỡ làm khó một ông già...

Ông già ngồi bó gối thơ thẩn nhìn ra ngoài không hẳn buồn mà cũng chẳng vui. Rồi cũng đến bữa cơm. Các cán bộ Kiểm lâm  mời một câu lịch sự.

Chẳng cần phải đợi đến lần mời thứ 2, ông già đã ngồi vào mâm và tự nhiên cầm lấy bát đũa ăn... như ở nhà. Bát thứ nhất, bát thứ hai và hết bát thứ ba, ông buông đũa, cũng là lúc nồi hết cơm.

Các kiểm lâm nhìn nhau. Nguy, nếu giữ ông lại đến hết buổi chiều thì  phải chạy chợ xa mua gạo là cái chắc. Như chẳng hề băn khoăn đến cái sự lo lắng kia, ông thản nhiên uống nước và lại bó gối nhìn mông lung. Trưa vùng sơn cước buồn tê.

Các kiểm lâm viên trên võng đung đưa giết thời gian bằng những bài thơ Bút Tre... bịa. Họ ghép vần, nối chữ và cứ thế cười đùa. Nhưng cũng chẳng được mấy câu thì họ hết vốn.

Ông già ngồi nghe và tủm tỉm cười cho đến lúc này mới tuôn ra ào những bài thơ Bút Tre...xịn để góp vui. Các cán bộ kiểm lâm trố mắt hỏi: Sao cụ thuộc nhiều thơ Bút Tre thế? Ông già: Tôi đã từng mấy chục năm sống trên quê hương ông Bút Tre.

Thế bây giờ cụ ở đâu? Ông già: Tôi đang sống ở xã Quảng Hoà (Quảng Trạch). Một vị kiểm lâm xem chừng hiểu biết Quảng Hoà, hỏi xác minh: Cụ ở Quảng Hoà thế có biết Nhà văn Hoàng Bình Trọng không? Người viết cuốn tiểu thuyết “Bí mật một khu rừng” ấy?.

Rồi anh ta lật gối lấy ra một cuốn sách cũ nhàu, dễ đã được chuyền tay nhau đọc cả mấy mươi lần. Ông già: Có, có biết. Ông ấy bây giờ khổ lắm, có viết lách gì được nữa. Câu chuyện cứ thế về làng, về xã cũng đã đến lúc xế chiều...

Phía ngoài cổng trạm Kiển lâm xuất hiện một người phụ nữ quần ống thấp ống cao, le te đi vào. Thấy ông già vẫn cứ đang mặn chuyện. Người phụ nữ: Anh Hoàng Bình Trọng ơi là anh Hoàng Bình Trọng, anh còn ngồi đó mà vui chuyện được à, em mang tiền lên nộp phạt đây.

Về thôi, con chưa có chi ăn. Ông và các cán bộ kiểm lâm giật mình. Ông giật mình vì  bị lộ tẩy khi nói dối họ. Còn họ ngỡ ngàng khi biết ông già kia là nhà văn Hoàng Bình Trọng mà tác phẩm của ông đã giúp họ vượt qua cái buồn cái lạnh của vùng sơn cước này.

* * *

Ngồi cùng với ông trong cái phòng bé tí, nó vốn là cái chái nhà cấp 4 của Tạp chí Nhật Lệ. Không biết cái con sông Nhật Lệ, mà có người gọi là “nghịch giang” vì nó duy nhất trong toàn quốc có hướng chảy ra Bắc, vận vào Tạp chí lấy tên của nó hay sao ấy mà, cái “mệnh” của tạp chí này cũng lao đao lận đận.

17 năm sau ngày tái lập tỉnh, bao nhiêu cơ quan, đoàn thể có trụ sở khang trang, nhiều đơn vị có những hai lần trụ sở, ấy thế mà chỉ có Tạp chí Nhật Lệ “giành” kỷ lục thuê trụ sở đến... 4 lần.

Và hẳn nhiên, bây giờ Tạp chí vẫn cứ phải tá túc nhờ trụ sở Hội Nhà báo tỉnh. Nhà văn Hoàng Bình Trọng tá túc trong sự tá túc nhờ ấy. Cái giường một rộng chừng tám tấc, không thể quay ngang, chỉ có một tư thế nằm nép dọc tường.

Bức tường đã nhiều năm qua không được sơn quét lại nhằng nhịt những số điện thoại của bạn bè và Toà soạn của nhiều tạp chí và báo Văn nghệ trong toàn quốc. Bức tường phía đầu giường đầy những câu đối và thơ họa của bạn văn chương đầy ngẫu hứng.

Chiếc gối cáu bẩn mỏng tang và chiếc chăn chiên, theo như ông nói, thì nó được cấp đâu từ đầu năm 80 của thế kỷ trước. Phía cuối giường là một chiếc bếp dầu cũ kỹ, một chiếc chậu nhỏ và hai chiếc soong nhôm đen nhẻm cùng một can nhựa 5 lít đựng nước.

Ông Trọng bảo: Với tôi như thế là đủ. Một soong nấu cơm, một soong kho thức ăn mặn. Chiếc chậu có hai chức năng, vừa giặt giũ rửa mặt, vừa cho nước vào bảo quản thức ăn qua đêm đỡ kiến và gián.

Dưới gầm giường  có chừng 5 thùng gò bằng tôn. Loại thùng-vali của một thế hệ học sinh xưa mỗi khi nhập học. Có lẽ cái đáng giá nhất được ông bảo quản thận trọng bằng cách nằm đè lên nó, đó là các giải thưởng Văn học cùng các tác phẩm đã xuất bản và những bản thảo “kiếm cơm” của ông.

Không hút thuốc, không uống rượu, không nghiện trà... và một bà vợ vò võ ở quê, mỗi tháng ông nhảy xe đò 50 km về thăm một lần. Ông cứ thế lặng lẽ sống, mặc cho thiên hạ và thế gian thêu dệt quanh ông bao điều xấu tốt, dữ lành.

Có lẽ trong cái buổi chiều đầu đông có ngọn heo may chớm lạnh như cái buổi chiều hôm nay, con người ta dễ có nhu cầu tâm sự. Với ông Hoàng Bình Trọng dẫu có là đá cũng khó tránh được cái nhu cầu tự thân này.

Sắp bước vào cái tuổi “xưa nay hiếm” bao đắng cay, chát mặn “ái ố hỉ nộ...” của cuộc đời ông đã từng qua và giờ ngồi với lớp hậu sinh là tôi đây, ông nói về cuộc đời mình từng giọt, từng giọt như mái rạ quê nghèo sũng nước sau mưa tí tách buồn xuyên đất.

* * *

Tốt nghiệp Đại học Mỏ, ông trở thành kỹ sư địa chất, lãnh đạo một đoàn đông đến 600 người rong ruổi khắp các cánh rừng Tây Bắc, Đông Bắc Việt Bắc, Trường Sơn tìm khoáng sản cho Tổ Quốc.

Mấy năm lăn lộn trong rừng thẳm, cái vốn cho ông có tiểu thuyết đầu tay “Bí mật một khu rừng” (in năm 1973). Rồi ông cũng có cái ngày được thanh thản làm thầy ở trường Trung học Mỏ Địa chất Phúc Yên.

Nhưng, chẳng được bao lâu ông lại theo dòng người “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” cầm súng vượt Trường Sơn đánh giặc. Lào, đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ đã in dấu chân ông. Đất nước lặng yên tiếng súng, ông trở về trường cũ.

Những tháng năm vượt rừng tìm quặng cùng những tháng ngày trận mạc đã mang đến cho ông một khát vọng viết. Như lời tự bạch của ông trong cuốn Nhà văn hiện đại thì:...” Hồi còn đi học tôi rất có năng khiếu về toán...

Sau này, qua quá trình làm một kỹ sư địa chất tung hoành khắp các nẻo đường rừng Việt Bắc, Tây Bắc, Trường Sơn, lại làm lính đánh giặc trên chiến trường Lào, miền Nam, tôi bỗng biết làm văn, làm thơ...

”Những tác phẩm của ông cứ thế được in ra và có chỗ đứng trên văn đàn. Và sau một thời gian không dài, năm 1979, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Ông bảo, ngày đó Hội Viên Hội Nhà văn đang còn hiếm lắm. Và cũng như ông tự sự, cái “mác” Hội viên Hội Nhà văn của ông đã lọt vào tầm ngắm của Hội VHNT Vĩnh Phú khi chuẩn bị thành lập Tạp chí Đất Tổ. Ông được mời làm Thư ký Toà soạn Tạp chí này năm 1986.

Cầm chịch một Tạp chí tên tuổi thời đó, coi như là oai lắm rồi, nhưng cái nỗi niềm quê hương bùng dậy trong ông vào những ngày “tỉnh dài, huyện rộng, xã to” rục rịch trở về địa giới cũ.

Nhiều vị trong Hội VHNT tỉnh Quảng Bình thời đó muốn có ông để manh nha thành lập tờ Nhật Lệ bây giờ. Có vị lãnh đạo to của  tỉnh ngày đó đồng ý bằng miệng rằng ông về là nhận vào biên chế tạp chí Nhật Lệ ngay. Ông hồn nhiên ngỡ tỉnh nhà đã rải thảm cho mình hồi cố hương.

Nhưng không đơn giản như vậy. Hào hứng xin về với một tập hồ sơ cá nhân và hơn 1 triệu đồng tiền về 176, Hoàng Bình Trọng không thể  ngờ chính mình lại trói mình vào cái vòng lận đận đầy hệ lụy “khi đi mắc núi, trở lại mắc sông” này.

Hơn 3 năm trời đi đi, về về Quảng Bình -Vĩnh Phú, Hà Nội- TP HCM, tận dụng mọi mối  quan hệ quen biết và cuối cùng đành làm anh tiều phu như tôi đã từng nghe ông tự bạch ở đầu bài viết này. Nhớ cái nghề viết đến đau đáu, ông nhờ các bạn văn tác động để được làm một nhân viên hợp đồng ở Tạp chí Nhật Lệ với đồng lương 350.000 đồng.

Để tồn tại và kiếm sống nuôi đứa con trai độc nhất ăn học, ông làm thơ, viết truyện, dịch văn... gửi khắp các tạp chí địa phương và Trung ương. Nhiều bản thảo đã bị trả lại vì người ta tưởng ông “đạo văn”.

Nhiều người đến Tạp chí Nhật Lệ gửi bản thảo cho ông biên tập cứ nghi nghi, ngại ngại rồi lấy lại bản thảo chờ gặp cho được Tổng Biên tập.

Họ không thể gửi đứa con tinh thần của mình cho một ông “nông dân chay” với áo quần cũ nhàu, đầu tóc bù xù biên tập...Rồi đần dần một Hoàng Bình Trọng tài hoa cũng được khẳng định trên mảnh đất quê hương...

Trong cái rét muộn của một ngày đầu xuân 2004, Câu lạc bộ Hán Nôm của tỉnh có cái lễ khai bút đầu Xuân và cho chữ cho những ai còn yêu cái chữ tượng hình thâm thuý này.

Người ta thấy một nông dân vẫn cứ “khoác lì chiếc áo độ thu tàn”, chẳng áo dài khăn đóng, nhưng vẫn ngồi xếp bằng ở chiếu cho chữ.

Tò mò, nhiều người đến thử xin ông chữ. Ông cầm bút và lướt chữ trên tấm giấy điều như rồng bay phượng múa. Mọi người trố mắt nhìn không tin nổi đó là... chữ Hán được viết ra từ bàn tay của lão nông này.

Và những người yêu chữ Hán kia, cũng không thể nào tin được, cái lão nông vừa cho chữ Hán đó có thể nói tiếng Pháp như người Pháp, nói tiếng Nga như người Nga và nói tiếng Trung Quốc như người... Bắc Kinh. Lão nông Hoàng Bình Trọng cứ thế ủ mình, lặng lẽ sống.

Tôi được coi như là người gặp may khi ông mở “Khu rừng bí mật” dưới gậm giường cho xem “kho” giải thưởng cất kỹ trong cái thùng tôn-vali: Giải nhì 25 năm văn học thiếu nhi của Hội nhà văn Việt Nam (1982), (sau giải Nhất “Búp sen xanh” của Sơn Tùng), cho tiểu thuyết “Những tấm lòng yêu thương”.

Ba giải nhất các năm 1985,1989,1994 của Hội VHNT  Vĩnh Phú cho các tiểu thuyết “Bí mật một khu rừng” “Vầng trăng cuộc đời” và “Cuộc săn đuổi vàng”; Giải 3 của Nhà XB Kim Đồng (1978) cho cuốn “Quanh chỗ anh nằm”; Giải nhì của Hội VHNT Quảng Bình cho tiểu thuyết “Quê hương”...

Hơn 10 tiểu thuyết và cũng hơn ngần ấy tập truyện ngắn, truyện vừa, thơ, truyện dịch mới thấy sức sáng tạo của “lão nông” Hoàng Bình Trọng thật sung mãn và tiềm tàng. 350 ngàn, 450 ngàn, 750 ngàn và bây giờ lương hợp đồng của ông đã lên đến 1 triệu đồng, ông vẫn thế. Vẫn cái lộ trình khắc nghiệt đi về.

Vẫn cái bếp dầu và 2 cái soong nhôm “chiến lược”. Vẫn cái giường đơn và tấm chăn chiên mỏng dính. Vẫn đều đặn gửi tiền về nhà, chỉ giữ lại cho mình 450 ngàn đồng chi tiêu hàng tháng. Và vẫn “dùng ké” điện cơ quan để thăm thẳm từng đêm miệt mài viết.

Vẫn thế, một Hoàng Bình Trọng tinh tế và sắc sảo đào sâu cuộc sống xung quanh, nhưng ông lại phòng ngự từ xa để cuộc sống xung quanh khó chen vào cái thế giới riêng đầy bí ẩn của mình.

MỚI - NÓNG
Phát huy sức trẻ Hà Nam trong khởi nghiệp, lập nghiệp và xây dựng nông thôn mới
Phát huy sức trẻ Hà Nam trong khởi nghiệp, lập nghiệp và xây dựng nông thôn mới
TPO - Sáng 3/7, trong khuôn khổ phiên làm việc thứ nhất Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam tỉnh Hà Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029, đã diễn ra 3 diễn đàn thảo luận về các chủ đề: Tôi yêu Tổ quốc tôi; Thanh niên Hà Nam khởi nghiệp, lập nghiệp và chuyển đổi số; Công tác xây dựng tổ chức Hội LHTN Việt Nam vững mạnh và đoàn kết, tập hợp thanh niên.
Huyện Bình Chánh có tân Phó Chủ tịch
Huyện Bình Chánh có tân Phó Chủ tịch
TPO - HĐND huyện Bình Chánh (TPHCM) khóa XI đã bầu ông Lê Như Hải Long, Huyện ủy viên Huyện ủy Bình Chánh, nguyên Trưởng phòng Khoa giáo – Văn xã, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Lên phương án thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư từ 1/10
Lên phương án thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư từ 1/10
TPO - Theo lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam - Bộ Giao thông vận tải, cục đang tính toán các phương án thu phí trên các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, trong đó sẽ thuê hoặc nhượng quyền cho tư nhân vận hành thu phí. Tuy nhiên, các bước đi sẽ được tiến hành thận trọng, tránh tác động quá lớn đến chỉ số giá tiêu dùng và chi phí logistics.