Kế hoạch khủng khiếp nếu Mỹ tấn công Triều Tiên

Tàu ngầm Mỹ USS Cheyenne cập cảng Busan, Hàn Quốc hồi tháng 6/2017. Ảnh: UPI
Tàu ngầm Mỹ USS Cheyenne cập cảng Busan, Hàn Quốc hồi tháng 6/2017. Ảnh: UPI
TPO - Nếu các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng không đạt hiệu quả và lệnh trừng phạt Triều Tiên không có tác dụng, các biện pháp sử dụng vũ lực đã được đặt lên bàn của các nhà hoạch định chính sách Mỹ.

Các nhà quan sát Bình Nhưỡng từ lâu đã bác khả năng Washington áp dụng hành động quân sự để phản đối chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Tuy nhiên, sau khi Bình Nhưỡng phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng vươn tới tiểu bang Alaska của Mỹ, kịch bản Washington can thiệp quân sự vào Bán đảo Triều Tiên cũng đã được đề cập trong những ngày gần đây.

Đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ, thời gian đó đang ngày càng tới gần khi mà giải pháp hòa bình đang bế tắc hơn bao giờ hết.

Giới phân tích cho rằng, tuy Triều Tiên thử thành công vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa, nhưng chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên chưa đủ tinh vi để có thể sản xuất đầu đạn hạt nhân thu nhỏ.

 Cơ hội cho giải pháp ngoại giao

Là "hàng xóm" của Triều Tiên và là đối tác kinh tế lớn nhất, Trung Quốc muốn xây dựng thoả thuận đa phương, mà theo đó nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ đồng ý ngừng chương trình vũ khí của nước này. Đổi lại, Mỹ sẽ ngừng các cuộc diễn tập quân sự với Hàn Quốc, chấm dứt các biện pháp trừng phạt kinh tế, mở rộng quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng và cuối cùng rút lực lượng vũ trang ra khỏi Bán đảo Triều Tiên.

Các cơ hội không nhiều nhưng không phải không có. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mạnh mẽ lên án thỏa thuận tương tự năm 2015 với Iran.

Bài học lịch sử gần đây ở Iraq và Libya đã chỉ ra thực tế rằng, những chính quyền khoe khoang khả năng vũ khí hạt nhân đều có thể bị lật đổ bởi lực lượng truyền thống.

Nếu các biện pháp trừng phạt không hiệu quả

Mỹ có thể sẽ thắt chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm ép buộc chính quyền Kim Jong-un từ bỏ việc phát triển vũ khí hạt nhân. Nhưng để thành công, cuộc cách ly kinh tế này sẽ đòi hỏi sự tham gia đầy đủ của Trung Quốc.

Thế nhưng Trung Quốc đã nhiều lần cho thấy họ không hề muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc. Bởi lẽ, sự sụp đổ hoàn toàn nền kinh tế Triều Tiên cũng sẽ ảnh hưởng tới Trung Quốc. Điều này đe dọa sự hỗn loạn ở biên giới Trung - Triều với dòng người tị nạn Triều Tiên đổ sang Trung Quốc.

Ngoài ra, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng không muốn hợp tác với chính quyền Mỹ trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung. Hành động này nhằm trả đũa những nỗ lực gần đây của Washington trong việc gây sức ép lên Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông và thỏa thuận bán vũ khí cho Đài Loan (Trung Quốc).

Có rất ít cơ hội để các biện pháp trừng phạt đạt được kết quả theo mong muốn của Washington. Điều này có nghĩa, vào một thời điểm nào đó, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ sẽ phải chấp nhận việc Triều Tiên triển khai các tên lửa hạt nhân có thể tấn công lãnh thổ Mỹ.

Mỹ sẽ thực hiện các cuộc không kích?

Nếu cả hai nỗ lực ngoại giao và trừng phạt kinh tế đều không mang lại kết quả, và nếu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên ngày càng tồi tệ, các nhà hoạch định chính sách Mỹ có thể phải đối mặt với nguy cơ Anchorage, một thành phố 300.000 dân ở tiểu bang Alaska, có thể đối mặt với cuộc tấn công của tên lửa Triều Tiên.

Nếu các nhà hoạch định Mỹ đánh giá mối đe dọa này là chính đáng, thì hành động quân sự của Washington chống lại chính quyền Bình Nhưỡng sẽ không còn là điều viển vông.

Giới phân tích tin rằng, bất kỳ cuộc tấn công nào, dù tiêu cực, cũng có thể phá hủy chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng và làm suy giảm khả năng trả thù bằng vũ khí thông thường hoặc hóa học của Triều Tiên chống lại Hàn Quốc hoặc Nhật Bản.

Theo dự đoán của các chuyên gia, Mỹ không thể vượt qua vĩ tuyến 18 bằng lực lượng mặt đất. Thay vào đó, Mỹ sẽ phải thực hiện các cuộc không kích trên cả ba hướng.

Thứ nhất, máy bay ném bom tàng hình của Không quân Mỹ sẽ đánh sập các cơ sở hạt nhân dưới mặt đất của Triều Tiên bằng "các viên đạn phóng xạ khổng lồ".

 Tương tự, các quả bom động đất (đã từng được sử dụng hiệu quả chống lại Đức trong năm cuối của Thế chiến thứ hai) sẽ được thiết kế lớn hơn nhiều để phá hủy các mục tiêu sâu dưới lòng đất bằng các sóng xung kích địa chấn.

Thứ hai, Mỹ sử dụng tên lửa hành trình phóng các đầu đạn từ tàu ngầm vào các trung tâm chỉ huy, truyền thông và phòng thủ không gian của Triều Tiên.

Thứ ba, cuộc tổng tấn công bao gồm cả tên lửa hành trình, các lực lượng máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ, bao gồm máy bay ném bom B-52... nhắm vào lực lượng pháo binh của Triều Tiên được bố trí dọc theo biên giới phía Nam.

Nếu can thiệp quân sự, Mỹ sẽ phải huy động khoảng 150 máy bay chiến đấu và các tàu ngầm, tàu chiến tấn công và 2.000 tên lửa hành trình.

Như vậy, để thực hiện cuộc tấn công này sẽ là thách thức không nhỏ đối với Washington. Việc lập kế hoạch, huấn luyện và tập luyện sẽ mất nhiều tháng. Và khó khăn hơn cả là để tập hợp được lực lượng hùng mạnh như vậy, quân đội Mỹ phải được tập trung bí mật, không cho Triều Tiên và Trung Quốc biết trước. Và thực tế cho thấy, kế hoạch khổng lồ trên không thể qua mặt được lực lượng tình báo Trung Quốc.

Theo South China Morning Post
MỚI - NÓNG