Những tay súng nổi dậy thuộc của cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni đã tiến vào tỉnh Diyala thuộc miền đông, gần với Iran và thủ đô Baghdad, rồi chiếm thành phố Mosul và Ikrit ở phía bắc.
Tự xưng là Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISIS), quân nổi dậy đe dọa tiến vào Baghdad và các khu vực miền nam do cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite chiếm đa số mà quân nổi dậy gọi là “những kẻ ngoại đạo”.
Nỗi sợ hãi lực lượng ISIS càng tăng lên trước các báo cáo cho rằng, những cựu thành viên của đảng Baath trung thành với cựu Tổng thống Saddam Hussein đang tham gia cùng đội quân thánh chiến.
Cộng đồng người Kurd lợi dụng tình hình hỗn loạn đã mở rộng lãnh thổ của họ bằng cách chiếm quyền kiểm soát thành phố dầu mỏ Kirkuk và một số khu vực bên ngoài địa bàn của mình, Reuters đưa tin ngày 13/6.
Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng, đang cân nhắc mọi lựa chọn, không loại trừ hành động quân sự. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney sau đó nói rằng, ý của Tổng thống Obama là không loại trừ khả năng không kích. “Chúng tôi không dự liệu khả năng đưa bộ binh vào”, ông Carney nói. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, Mỹ sẽ rất miễn cưỡng nếu phải quay lại Iraq hoặc ủng hộ một phe nào đó nếu nước này xảy ra nội chiến.
Quân nổi dậy vừa tung ra clip rùng rợn ghi lại cảnh bọn chúng gõ cửa nhà một sĩ quan cảnh sát. Khi mở cửa, người này bị chúng bịt mắt, còng tay rồi cắt cổ ngay trong phòng ngủ. Đoạn clip dài 61 phút do ISIS đưa lên mạng nhằm khủng bố tâm lý lực lượng quân đội và cảnh sát Iraq với tinh thần từ lâu đã xuống thấp.
Theo các nhà quan sát, nỗi sợ hãi đó là một trong những nguyên nhân sụp đổ nhanh kinh ngạc của lực lượng an ninh Iraq khi quân nổi dậy tiến vào đánh chiếm Mosul và Tikrit trong tuần qua. Tại các địa bàn này, binh lính và cảnh sát hầu như chỉ bỏ chạy, thậm chí còn cởi bỏ cả đồng phục và phó mặc các kho vũ khí hạng nặng rơi vào tay lực lượng thánh chiến.
Sau khi Mỹ đã chi nhiều tỷ đô la để huấn luyện các lực lượng vũ trang Iraq suốt thời gian quân Mỹ hiện diện tại đây từ năm 2003 đến 2011, lực lượng cảnh sát và quân đội gồm 1 triệu thành viên vẫn bị chia rẽ bởi bất mãn giáo phái, tham nhũng và thiếu chuyên nghiệp. Rất nhiều thành viên của lực lượng vũ trang không sẵn sàng chiến đấu và hy sinh vì chính phủ do người Shiite chiếm đa số.
Liên Hợp Quốc cho biết vài trăm người đã bị giết hại. Các tay súng nổi dậy còn hành hình dân thường ở Mosul, trong đó có vụ 17 người dân bị hành quyết trên một con phố. BBC dẫn lời Phát ngôn viên về vấn đề nhân quyền của Liên Hợp Quốc Rupert Colville hôm qua nói rằng, tổ chức này đã thẩm tra các báo cáo về vụ hành hình 17 dân thường làm việc cho cảnh sát và 12 lính Iraq. Trong số này có 4 phụ nữ đã tự vẫn sau khi bị cưỡng hiếp. Ông Colville nói rằng, chính quyền Iraq cũng có hành động thái quá, với vụ ném pháo vào khu vực dân cư hôm 6 và 8/6.
Cơ quan Tị nạn Liên Hợp Quốc cho biết, chính quyền địa phương ước tính khoảng 300.000 người rời khỏi Mosul chỉ trong vài ngày qua. Trước đó đã có 500.000 người bị mất nhà cửa trong cuộc xung đột ở tỉnh Anbar.