Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ
Đó là đề xuất của Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà với Đoàn các nhà tài trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) do ông Henrik Vistisen, Cố vấn chính sách cấp cao Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch làm Trưởng đoàn.
Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng nhau trao đổi về một số vấn đề cùng quan tâm như: Cách thức đầu tư sao cho hiệu quả của ILO đối với các chương trình của Việt Nam; các hoạt động hợp tác kỹ thuật giữa hai bên; quan điểm và sự ủng hộ của các đối tác xã hội, chính quyền địa phương đối với các hoạt động triển khai; lộ trình phê chuẩn các công ước quốc tế.
Ông Henrik Vistisen, Cố vấn chính sách cấp cao Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch chúc mừng Việt Nam đã thực hiện cải cách mạnh mẽ trong việc cải thiện quan hệ lao động hài hòa, phát triển thị trường lao động và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động.
Trong bối cảnh mới già hóa dân số và nền công nghiệp 4.0, Thứ trưởng đề xuất ILO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam cải cách BHXH, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, nâng cao năng lực cho các đối tác ba bên, gắn kết tiền lương quốc gia với thị trường lao động, gắn kết cung cầu lao động, đào tạo kỹ năng nghề mới, bảo vệ nhóm yếu thế, hướng tới việc làm thỏa đáng và bền vững cho tất cả mọi người
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đánh giá cao sự hợp tác của ILO trong việc hỗ trợ Việt Nam hình thành và xây dựng chính sách pháp luật như Bộ luật Lao động, BHXH, an toàn lao động, an sinh xã hội… Với ILO Việt Nam, Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ, cùng đồng hành, sẻ chia, hỗ trợ nhau rất tích cực trong công việc, đặc biệt trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Trong bối cảnh mới già hóa dân số và nền công nghiệp 4.0, Thứ trưởng đề xuất ILO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam cải cách BHXH, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, nâng cao năng lực cho các đối tác ba bên, gắn kết tiền lương quốc gia với thị trường lao động, gắn kết cung cầu lao động, đào tạo kỹ năng nghề mới, bảo vệ nhóm yếu thế, hướng tới việc làm thỏa đáng và bền vững cho tất cả mọi người.
Nâng cao hiệu quả an sinh xã hội thời đại 4.0
Chia sẻ tại Hội nghị ASSA 36 được tổ chức tại Brunei giữa tháng 9 vừa qua, ông Markus Ruck, chuyên gia về An sinh xã hội của Tổ chức lao động quốc tế - ILO nhận định, việc xây dựng hệ thống chính sách an sinh xã hội tất yếu phải có những thay đổi cải cách nhất định, theo các nguyên tắc cơ bản như: Mở rộng các quyền lợi hưởng và đảm bảo người dân có thể dễ dàng tham gia và được hưởng quyền lợi; bảo đảm nguyên tắc đóng – hưởng một cách tương đối; tính linh hoạt chuyển đổi, phù hợp với thị trường việc làm thường xuyên có biến động; bình đẳng giới; tính minh bạch và khả năng quản trị tốt.
Theo khuyến nghị của Tổ chức lao động quốc tế - ILO được đưa ra từ năm 2012, việc thiết lập sàn An sinh xã hội càng trở nên quan trọng, đòi hỏi hoạch định chiến lược phát triển diện bao phủ theo cả chiều rộng và chiều sâu. ILO cũng nhấn mạnh việc kết hợp một cách đồng bộ, hiệu quả chính sách An sinh xã hội với các chính sách khác; kết hợp quản lý dân cư và quản lý việc làm trong quản lý An sinh xã hội để đạt được hiệu quả tối ưu.
Trước sự thay đổi nhanh chóng về quan hệ lao động, xu hướng tự động hóa, ILO cũng đưa ra những khuyến nghị về vấn đề điều chỉnh cách tính thuế cũng đang được nhiều quốc gia tính đến. Đây là yêu cầu tất yếu để đảm bảo duy trì nguồn thu từ đó có kinh phí hỗ trợ thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho người dân.
Một số vấn đề đang được đặt ra như: tính thuế với robot làm việc thay con người hoặc với các công nghệ mang tính tự động hóa; tính thuế dựa trên lượng khí thải độc hại với môi trường… Việc thực hiện các quy định này cũng không hẳn dễ dàng, hiệu quả đem lại vẫn còn là một dấu hỏi trong bối cảnh toàn cầu hóa. Các nhà đầu tư dễ dàng lựa chọn quốc gia có ưu đãi về thuế để xây dựng nhà máy, tương tự như với việc lựa chọn quốc gia có nhân công giá rẻ như trước kia.
Bức tranh toàn cảnh về việc làm cùng những dự báo tương lai về an sinh xã hội nhìn chung khá phức tạp. Khó có một khuyến nghị nào chính xác tuyệt đối cho mỗi quốc gia. Tuy nhiên, điểm chung có thể nhận thấy là: sự cần thiết phải nâng cao hiệu quả chính sách an sinh xã hội để bảo vệ tích cực hơn cho người lao động trong một thị trường lao động ngày càng có nhiều biến động; hiệu quả được là phải mở rộng cả chiều rộng – diện bao phủ và chiều sâu: các chế độ hưởng bảo đảm an sinh bền vững cho người lao động.