Lo ngại hiệu ứng ngược
Ngay sau khi có thông tin trên, dư luận đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến hiệu quả của quyết định này. Trong đó, một số ý kiến cho rằng, nên để du lịch Hà Nội “hữu xạ tự nhiên hương”, phát triển tốt tiềm năng du lịch thì khách du lịch sẽ tự tìm đến. Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, và Nhi đồng của Quốc hội, nếu cứ quảng cáo lung linh, rồi đến nơi không được như hình ảnh thì rất dễ gây thất vọng, tác dụng ngược. “Ban đầu Hà Nội nên tự thân xây dựng hình ảnh đẹp, người dân hiếu khách thì sẽ hơn bất cứ quảng cáo nào”, GS Thuyết nhận định.
Theo dự báo của Sở Du lịch Hà Nội, dự kiến, trong năm 2016, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt trên 20 triệu lượt, tăng 10,7% so với năm 2015. Nhìn lại quãng đường du lịch của Hà Nội trong năm qua, mặc dù đạt tăng trưởng ấn tượng nhưng 6 điều du khách sợ khi đến Việt Nam được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ ra vẫn còn nguyên, đó là: Làm giá, chặt chém; giao thông lộn xộn; ăn cắp vặt; vệ sinh an toàn thực phẩm; thiếu ý thức bảo vệ môi trường; thái độ thiếu tôn trọng du khách. Đây là những trở lực không nhỏ khiến nhiều người lo ngại quảng bá khi chưa sẵn sàng sẽ gây hiệu ứng ngược.
Một số công ty lữ hành đồng quan điểm cho rằng, Hà Nội có lợi thế về tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc, phong phú. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn thiếu các sản phẩm du lịch để giữ chân du khách. Việc xây dựng sản phẩm đa dạng, đặc trưng nhằm tăng sức hấp dẫn của du lịch Hà Nội là điều các nhà quản lý du lịch phải thực hiện trước khi nghĩ đến các giải pháp quảng bá, truyền thông.
Cú hích cần thiết cho du lịch Hà Nội
Tại tọa đàm “Xây dựng khung chiến lược truyền thông ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2017 - 2020” do Bộ VH-TT&DL tổ chức trong tháng 12/2016, TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) nhận định: Các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam trên các phương tiện truyền thông nước ngoài còn nhiều hạn chế so với nhiều đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Thông tin về du lịch Việt Nam còn thiếu và yếu. Ở các nước như Thái Lan, Singapore,… còn có sử dụng hình thức e-marketing, quảng bá trên mạng xã hội, phần mềm di động… trong khi Việt Nam chưa có.
Theo bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, trước đây Bộ VH-TT&DL đã từng quảng bá hình ảnh Việt Nam trên kênh CNN và BBC trong 3 tháng liên tục. Kết quả thu được rất khả quan. “Việc quảng bá hình ảnh Hà Nội qua kênh CNN sẽ góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô với thế giới, tăng tỷ lệ khách đến với Hà Nội và cả Việt Nam”, bà Nghệ nhận định.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội khẳng định: CNN là một trong những mạng truyền hình cáp có sức ảnh hưởng nhất nước Mỹ, với mạng lưới phủ sóng thông tin trên toàn thế giới. Còn Thủ đô Hà Nội là trái tim của Việt Nam, là trung tâm văn hóa - kinh tế - du lịch lớn của cả nước. Do vậy, quảng bá thủ đô Hà Nội trên một kênh thông tin lớn, có sự nhanh nhạy và sức sáng tạo lớn như CNN sẽ mang lại những lợi ích đặc biệt, giúp đưa hình ảnh về lịch sử, văn hóa, con người, vẻ đẹp độc đáo của Hà Nội - Việt Nam ra thế giới. Ông Hồng cho biết thêm, việc quảng bá hình ảnh trên CNN là một trong những nỗ lực của thành phố trong việc tìm kiếm thị trường khách du lịch mới và vun đắp thêm hình ảnh tươi đẹp không chỉ của Hà Nội, mà về đất nước, con người Việt Nam. “Ngoài ra, hợp tác với CNN sẽ là một kênh để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư tiềm năng trên thế giới vào lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch tại Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung”, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội khẳng định.
Đối với những lo ngại về chất lượng du lịch tại Hà Nội, lãnh đạo Sở Du lịch cho biết, trong năm vừa qua, số lượng khách lưu trú đã tăng vọt do những hành động quyết liệt, cụ thể để thu hút khách du lịch của thành phố, như: Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm; trồng thêm 1 triệu cây xanh trên toàn thành phố trong 5 năm tới; xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng, cơ giới hóa việc vệ sinh đường phố,... “Tôi tin rằng, những giải pháp đột phá đang và đã triển khai sẽ tạo điều kiện cho phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới”, ông Hồng tin tưởng.
Chi 2 triệu USD ngân sách để đầu tư quảng bá du lịch là một con số khá lớn nếu so với ngân sách đầu tư cho xúc tiến du lịch của Tổng cục Du lịch năm 2015 là 2,5 triệu USD. Tuy nhiên, con số này chỉ bằng 1/10 so với các nước xác định du lịch là ngành kinh tế trọng tâm trong khu vực, như Thái Lan, du lịch nằm trong trọng điểm đầu tư với mức chi trung bình trên 67 triệu USD/năm.