Huyền thoại về một niềm tin sống - Kỳ 2

Huyền thoại về một niềm tin sống - Kỳ 2
TP - Cuộc đời Phương Liên thay đổi kể từ khi chị học tiếng Nhật và sau đó trở thành một giáo viên dạy tiếng Nhật nổi tiếng. Cơ duyên đó bắt đầu và gắn liền với bài hát “Hãy dừng chiến xa” do nữ ca sĩ Yokoi Kumiko, người Nhật hát nhằm phản đối chiến tranh VN.

>> Kỳ I: Viết thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng để... xin việc

Kỳ II: Bài hát làm thay đổi cuộc đời

Huyền thoại về một niềm tin sống - Kỳ 2 ảnh 1

Chị Phương Liên và ca sĩ Kumiko cùng hát bài “Hãy dừng chiến xa” tại Huế ngày 3/4/2007.

Bài hát đó chị tình cờ nghe được trên Đài trong một căn hầm sơ tán năm chị 15 tuổi.

Hơn 30 năm sau, đầu tháng 4/2007, một cuộc gặp gỡ thấm đẫm nước mắt hạnh phúc giữa chị và ca sĩ Yokoi Kumiko đã diễn ra tại Huế...

Trở thành giáo viên dạy tiếng Nhật

Việc chị Phương Liên mê tiếng Nhật, quyết tâm học tiếng Nhật và bây giờ trở thành một giáo viên dạy tiếng Nhật là một câu chuyện rất... ly kỳ và cảm động.

Số là năm 1972, lúc chị đang nằm tránh bom dưới một căn hầm lúc đi sơ tán, chị mở radio và tình cờ nghe trên sóng của Đài phát thanh Hà Nội, phát đi một bài hát phản đối chiến tranh, do một nữ ca sĩ người Nhật vừa đệm đàn guitar vừa hát.

Phải gần 30 năm sau, khi biết tiếng Nhật, chị Phương Liên mới biết đó là bài “Hãy dừng chiến xa”, nội dung đại ý: “Những chiến xa không được đi. Không thể băng qua thành phố này. Không được hướng mũi súng vào những trẻ em Việt Nam vô tội...”.

Tuy nhiên, chị lại bị ám ảnh bởi những giai điệu của bài hát và giọng ca khỏe khoắn, hùng hồn của  cô ca sĩ mà chị không biết tên là gì, bao nhiêu tuổi?

Ngay lúc đó và mãi cho đến sau này, lòng chị luôn thôi thúc bởi các câu hỏi người ca sĩ hát bài hát trên là ai, cô ta là người như thế nào, bài hát ra đời trong hoàn cảnh ra sao. Chính sự thôi thúc và ám ảnh đó đã dẫn dắt chị đến với việc muốn học tiếng Nhật và tìm hiểu về văn hóa, con người Nhật Bản. 

Thế nhưng, tham vọng học tiếng Nhật của chị ngay lập tức bị giáng một đòn mạnh bởi một lý do tương tự như hồi đi học đại học và xin việc. Năm 1993, lúc ấy ở Huế hầu như chưa có ai học và biết tiếng Nhật.

Có một lớp dạy tiếng Nhật đầu tiên do các giáo viên người Nhật mở ở Huế với thời gian 2 năm, chị đăng ký thi vào học nhưng người ta lại... không cho chị thi vì lý do chị là một người tàn tật.

“Trong lúc mình gần như đổ gục vì tuyệt vọng thì một hôm, không biết nghe ai nói về hoàn cảnh, cũng như việc mình không được học tiếng Nhật vì tàn tật mà các giáo viên dạy tiếng Nhật đã tìm về tận nhà mình để dạy tiếng Nhật ngay tại... nhà của mình. Bù lại, mình dạy tiếng Việt cho họ” - Chị kể.

Chỉ sau hai năm với năng khiếu ngoại ngữ bẩm sinh cộng với sự kiên trì, chị đã thông thạo được tiếng Nhật. Kể đến đây, mắt chị bỗng dưng sáng lên đầy tự hào: “Lúc đó ở Huế người biết tiếng Nhật chỉ đếm trên đầu ngón tay nên hàng ngày có rất nhiều người tìm đến mình nhờ viết thư, dịch tài liệu và nhờ bày nói những câu xã giao đơn giản.

Lúc đầu, mình chỉ giúp không lấy tiền coi như vừa làm việc vừa nâng cao kiến thức. Dần dần, người tìm đến mình nhờ “giúp đỡ” ngày càng đông, nhiều người gợi ý mình nên mở một lớp dạy tiếng Nhật ở nhà. Mình thấy... có lý, rứa là mở lớp và dạy cho đến bây giờ”.  

Hơn mười năm qua, đã có hàng ngàn học trò đến học các lớp tiếng Nhật trong căn phòng rộng hơn 10m2 ở số 75 đường Bến Nghé, thành phố Huế. Học trò tiếng Nhật của chị đủ mọi thành phần, lứa tuổi, từ cán bộ, bác sĩ, sinh viên, những tu nghiệp sinh, người khuyết tật...

Tôi đã đến nhiều lần, và lần nào cũng lặng im nhìn các học trò của chị chăm chú lắng nghe cô giáo ngồi trên xe lăn di chuyển trong căn phòng nhỏ giảng bài với những cảm xúc rất khó tả.

Cũng từ căn phòng nhỏ này, học sinh tiếng Nhật của chị hôm nay có mặt khắp thế giới. Chị kể hôm rồi qua Nhật Bản chị cũng gặp các học sinh của mình. Chị khoe: “Các em vòng tay chào cô mà mình thấy hạnh phúc không thể nói nên lời”.

Hiện tại, không chỉ dạy tiếng Nhật, chị còn là Ủy viên của Hội Ái hữu Nhật - Việt. Thông qua dạy tiếng và dịch sách tiếng Việt sang Nhật, chị đã góp phần rất lớn vào việc truyền bá văn hóa Việt Nam đến xứ sở hoa anh đào. Không ít các nhà nghiên cứu văn hóa, du khách là người Nhật Bản, khi đến Huế họ đều tìm đến chị để thăm hỏi và giao lưu.

Nhiều lần chị được mời sang Nhật Bản để nói chuyện về văn hóa Việt Nam. Những lúc ấy, chị rất tự hào vì đã góp phần giới thiệu, quảng bá về một Việt Nam thanh bình, hấp dẫn trong con mắt của bao bạn bè quốc tế.

Cuộc gặp gỡ đẫm nước mắt hạnh phúc

Huyền thoại về một niềm tin sống - Kỳ 2 ảnh 2
Ca sĩ Kumiko hát bài “Hãy dừng chiến xa” tại trận địa pháo Quảng Bình năm 1973 (ảnh tư liệu của ca sĩ Kumiko).

Trở lại câu chuyện về nữ ca sĩ người Nhật và bài hát “Hãy dừng chiến xa”. Kể từ khi biết tiếng Nhật và hiểu được nội dung bài hát, gặp bất cứ một người Nhật nào, chị đều hỏi thăm họ là có biết bài hát trên không, có biết cô ca sĩ hát bài hát đó không, nhưng tuyệt nhiên không ai biết.

Trong chuyến đi Nhật gần đây nhất, tháng 11/2005, chị lại tiếp tục hỏi thăm tin tức về cô ca sĩ chưa một lần được gặp mặt, biết tên, nhưng chị vẫn chưa có câu trả lời. Nhưng gần đây nhất, ông Itotesuji - Giáo sư trường Đại học Ibaraki (Nhật Bản) tình cờ biết được câu chuyện của chị nên đã giúp chị tìm thông tin về cô ca sĩ.

Và ông đã tìm thấy, đó là ca sĩ Yokoi Kumiko, năm nay đã 63 tuổi, hiện đang sống ở Nhật Bản và thời gian qua đã qua Việt Nam rất nhiều lần để giúp đỡ các trẻ em bị chất độc da cam (!). “Mừng như bắt được vàng, ngay lập tức mình gửi thư điện tử cho bà  Kumiko để kể về đời mình, kể về cơ duyên với bài hát “Hãy dừng chiến xa” và rất nhiều thứ khác.

Sau mấy hôm, bất ngờ bà Kumiko hồi âm cho mình rất xúc động và hẹn gặp nhau tại Huế vào ngày 3/5/2007, tại hội trường làng trẻ em Hòa Bình, thành phố Huế”.

Tôi chưa bao giờ chứng kiện một cuộc gặp gỡ nào lại kỳ lạ và xúc động đến vậy. Ca sĩ Kumiko còn rất trẻ trung và xinh đẹp so với tuổi 63 của mình. Đặc biệt, lần này bà đến Huế không chỉ một mình mà còn với thêm... 35 người hâm mộ đủ mọi thành phần, cả già lẫn trẻ (!).

Gặp nhau, cả hai người phụ nữ đều... chào nhau bằng tiếng khóc vì quá sung sướng và hạnh phúc. Chị Liên nói trong nức nở: “Đây là một giấc mơ. Bài hát và tiếng hát của bà đã làm thay đổi cuộc đời tôi, dù tôi chỉ được nghe nó một lần cách đây đã hơn 30 năm và mãi đến gần đây tôi mới hiểu được nội dung”.

Bà Kumiko lấy khăn mùi soa chùi lên mắt: “Khi nhận được thư điện tử của chị Liên, tôi có một cảm giác hạnh phúc mà trong sự nghiệp 37 năm ca hát của mình tôi chưa bao giờ có được. Trong sự nghiệp ca hát của mình, tôi cũng chưa bao giờ gặp một người hâm mộ nào đặc biệt như thế này. Tôi nghĩ là trên thế giới, chắc không có ca sĩ nào được may mắn và hạnh phúc như tôi...”.

Sau màn chào hỏi đầy nước mắt hạnh phúc, xen lẫn giữa những hồi ức và hiện tại, bà Kumiko lại ôm đàn để rồi những giai điệu của “Hãy dừng chiến xa” lại được cất lên ở đất nước Việt Nam sau hơn 30 năm “lưu lạc”. Cả hội trường im phăng phắc bởi tiếng hát của bà Kumiko làm người nghe như đang sống cùng sự hào hùng và bi thương của những ngày “phản chiến”.

Buổi sáng hôm ấy, “Hãy dừng chiến xa” không biết bao nhiêu lần được cất lên cùng với “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Họ - hai người phụ nữ cùng những người hâm mộ và hàng chục học trò của chị Liên đã nói, đã ôm nhau hát và... ôm nhau khóc.

Lặng nhìn họ hát, họ khóc, tôi đã hiểu được phần nào sự ám ảnh mà chị Liên đã mắc phải khi lần đầu tiên nghe bà Kumiko hát. Tôi đã phần nào hiểu thế nào là một bài hát có thể làm thay đổi cả phận người...

Mãi cho đến ngày 3/5/2007, khi gặp được ca sĩ Kumiko, chị Liên mới biết được tường tận hoàn cảnh ra đời của bài hát cũng như số phận của nó. Bà Kumiko kể: “Bài hát trên ra đời vào năm 1972.

Thời điểm ấy, những người dân vùng Sagami Harashi, tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) quê hương bà đã ngồi trước những chiếc xe tăng M84 của quân đội Mỹ tại một căn cứ quân sự ở đây hơn 100 ngày để ngăn cản không cho người Mỹ vận chuyển xe tăng đến Việt Nam.

Bài hát “Hãy dừng chiến xa” được ra đời và vang lên lần đầu tiên vào những ngày tháng đó”. Thời điểm năm 1972, bà Kumiko lúc đó mới 29 tuổi. Là một ca sĩ yêu chuộng hòa bình và cảm thông tận đáy lòng với những mất mát, đau thương mà người dân Việt Nam đang chịu đựng.

Cuối năm 1973, bà đã tự nguyện vượt hàng ngàn cây số từ Nhật Bản đến miền Bắc Việt Nam trong vòng 2 tuần để biểu diễn nhiều ca khúc phản đối chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, trong đó có bài “Hãy dừng chiến xa” để phục vụ nhân dân và chiến sĩ ở rạp Hồng Hà, Bệnh viện Bạch Mai, trận địa pháo Quảng Bình...

Riêng bài hát “Hãy dừng chiến xa” sau đó được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Hà Nội thu âm và phát lại rất nhiều lần trên sóng phát thanh ngày ấy. Từ Việt Nam trở về, bà Kumiko đã biểu diễn bài hát này ở khắp đất nước Nhật Bản và nhiều nước khác. Tình cảm của bà dành cho người dân Việt Nam đã không còn giới hạn ở sự phản đối chiến tranh, mà đã trở thành một điều gì đó rất thiêng liêng và sâu nặng.

Sau chiến tranh, đây đã là lần thứ 10 bà đến thăm và giúp đỡ những trẻ em bị nhiễm chất độc da cam ở Việt Nam. Năm 2005, bà được Chủ tịch nước ta trao tặng Huân chương Hữu nghị Quốc tế.

“Chiến tranh đã đi qua 34 năm rồi nhưng bóng dáng của nó vẫn còn thấp thoáng đâu đó qua những đứa trẻ bị nhiễm độc. Tôi rất yêu đất nước Việt Nam và mong muốn được tiếp tục làm một điều gì đó có nghĩa” - Bà Kumiko nói.   

MỚI - NÓNG