Huyền thoại nơi bến bờ

Huyền thoại nơi bến bờ
50 năm đã trôi qua kể từ ngày đường Hồ Chí Minh trên biển được thành lập, có biết bao con người, biết bao câu chuyện huyền thoại về con đường này đã đi vào bài học lịch sử cho thế hệ trẻ chúng tôi.

Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển:

Huyền thoại nơi bến bờ

50 năm đã trôi qua kể từ ngày đường Hồ Chí Minh trên biển được thành lập, có biết bao con người, biết bao câu chuyện huyền thoại về con đường này đã đi vào bài học lịch sử cho thế hệ trẻ chúng tôi.

Bên cạnh những chiến tích được dệt nên từ muôn trùng giông tố khơi xa, huyền thoại ấy lại cũng được tô đậm thêm bằng những câu chuyện gian khó, cảm động của những người tiếp nhận hàng trên những bến bờ quê hương…

Đoàn hành trình dâng hương tại bến Lộc An (Bà Rịa – Vũng Tàu)
Đoàn hành trình dâng hương tại bến Lộc An (Bà Rịa – Vũng Tàu).
 

Thấm thoắt, chuyến hành trình Theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển của chúng tôi đã bước vào chặng cuối cùng. Con tàu HQ 996 đã đưa đoàn đại biểu vượt muôn trùng sóng gió biển đông cập những bến bờ lịch sử. Mang theo cảm xúc dào dạt buổi chia tay trên bến K20, những bước chân trẻ trung của chúng tôi đã hăm hở lên đường, háo hức khám phá những câu chuyện trên những bến cảng ẩn chứa bao trầm tích huyền thoại.

Ở bến bờ nào dù sầm uất hay hẻo lánh, chúng tôi đều được bà con nhân dân cùng thanh niên địa phương đón tiếp rất nồng hậu và đều được tiếp cận những nhân chứng lịch sử đặc biệt. Từ những cuộc gặp gỡ đó, chúng tôi hiểu rằng chính những người năm xưa đứng ra thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hàng hóa, vũ khí đã góp phần to lớn để có được huyền thoại trên cung đường đạn lửa, bão tố.

Có lẽ sau khi cập bến Vũng Rô (Phú Yên) không ai là không ấn tượng sâu sắc về câu chuyện được kể lại bởi CCB đoàn tàu không số Hồ Đắc Thạnh. Tối mồng một Tết Ất Tỵ, khi tàu 41 cập bến Vũng Rô an toàn thì cán bộ, chiến sỹ của tàu cùng lực lượng tại bến tiến hành bốc dỡ hàng. Chiếc cầu tạm bằng cây không đủ sức cho số đông người đi lại, nên đa số anh chị em dân công phải dầm mình dưới nước chuyển hàng. Không chỉ tiếp nhận vũ khí, thuốc men, quần áo từ tàu lên, bà con nhân dân địa phương còn nhường cơm sẻ áo cho bộ đội miền Bắc.

Hàng trên bờ xuống là khoai, sắn, bánh chưng, rượu, thịt đồng bào gửi tặng và hàng chục bao cát Vũng Rô để giữ ổn định cho tàu phòng khi ra khơi gặp bão giông. Trong rưng rưng hồi tưởng, ông Thạnh kể: “Công việc xếp dỡ hàng vừa xong, từ trong đêm tối có cô gái cầm trong tay một gói nhỏ được bọc cẩn thận bằng chiếc khăn tay trao cho tôi, giọng run run: “Bà con quê hương Phú Yên xin gửi theo tàu các anh nắm đất Vũng Rô…” .

Bùi ngùi, xúc động, cầm nắm đất Vũng Rô trong tay, tôi như muốn ôm cả đất trời quê hương Phú Yên vào lòng với tình cảm trân trọng, thiêng liêng...”. Chính những tình cảm thân thương trìu mến của đồng bào miền Nam đã tạo động lực cho những chiến sỹ đoàn tàu không số vượt qua mọi hiểm nguy, gian khó, dũng cảm băng mình trong lửa đạn chiến tranh, về đi trong gầm gào sóng biển, hoàn thành nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam.

CCB Hồ Đắc Thạnh (người ngoài cùng bên trái) kể lại câu chuyện “nắm đất Vũng Rô”
CCB Hồ Đắc Thạnh (người ngoài cùng bên trái) kể lại câu chuyện “nắm đất Vũng Rô”.
 

Không chỉ riêng ở Phú Yên, trong những năm tháng đau thương của dân tộc, từ bến sông Gianh, đến Sa Kỳ, Lộc An hay Thạnh Phong, Vàm Lũng… đâu đâu các thủy thủ cũng nhận được tình cảm trìu mến, thân thương của quân giải phóng và bà con bản địa. Sau khi chuyển hàng, nếu chưa phải xuất bến, bao giờ các chiến sỹ tàu không số cũng được bà con đùm bọc, nhường cơm sẻ áo, lo lắng chỗ ngủ để bồi dưỡng sức khỏe, chuẩn bị cho chuyến đi tiếp theo.

Qua những câu chuyện của các CCB đoàn tàu không số, chúng tôi càng khắc sâu trong tâm hồn mình những tình cảm đẹp đẽ của những cô giao liên miền Nam. Chính họ đã tiếp thêm sức mạnh cho những cánh tay chèo chống con tàu vững vàng đi trong mưa bom, bão đạn và sóng gió biển khơi.

Bà con Bến Tre nồng nhiệt đón đoàn hành trình
Bà con Bến Tre nồng nhiệt đón đoàn hành trình.
 

Trong chuyến trở lại Thạnh Phong (Bến Tre) lần này, CCB Phạm Văn Phí mặc dù không nhớ rõ địa điểm Rạch Dừa mà tàu của mình đã cập bến đổ hàng ở đâu nhưng vẫn nhớ như in nét mặt cô Năm Nụ khi tiếp cận được các thủy thủ sau 3 tháng chờ đợi trên bến, vẫn rưng rưng khi nhớ lại tháng ngày cô hết mình chăm sóc bữa ăn giấc ngủ cho thủy thủ và vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc khi nhớ đến hình ảnh Năm Nụ chạy theo con nước tiễn các anh bộ đội ra khơi trở lại miền Bắc.

Ông cũng tỏ ý muốn tìm gặp lại người con gái miền Nam dịu dàng năm cũ nhưng thật tiếc là mọi thông tin về cô giao liên Năm Nụ đã không đến được với ban tổ chức. Dẫu vậy, với CCB Phạm Văn Phí, được gặp lại hình ảnh cô gái năm nào qua bóng dáng các chị, các em trong bộ quần áo bà ba, khăn rằn quàng vai cũng là một niềm an ủi lớn...

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ ấy, tại các bến ở Thạnh Phong và Vàm Lũng (Cà Mau) còn là nơi diễn ra nhiều trận chiến ác liệt, anh dũng của cán bộ, chiến sĩ vận tải Đoàn tàu không số và quân dân địa phương với máy bay, tàu chiến, các cuộc hành quân qui mô lớn của địch để bảo vệ tàu và hàng. Các trận chiến đấu đó là những bài học cách mạng sâu sắc và sự gắn bó của tình quân dân, của mối tình Bắc – Nam gắn bó keo sơn.

CCB Lê Văn Bình Phẩm
CCB Lê Văn Bình Phẩm.
 

Giữa những cuộc tiếp xúc gặp gỡ với bà con tại các bến cảng, tôi đã may mắn vô tình gặp được những người lính năm xưa làm nhiệm vụ nhận hàng chi viện. Ông Võ Văn Cầu – CCB đơn vị HB 18 (tiếp nhận hàng tại Sa Kỳ) nay đã bước vào tuổi xưa nay hiếm nhưng những ký ức chiến tranh năm nào vẫn còn nguyên vẹn.

Được gặp lại những người thủy thủ năm xưa sau mấy chục năm trời chia cách, gương mặt nhuốm màu sương gió và đậm nước thời gian của ông bỗng trở nên tươi sáng hơn. Ông cho biết: “Tôi nhận nhiệm vụ đón hàng ở đây từ năm 1966 – 1967, ngày ấy, thời gian trôi thật nặng nề.

Chẳng phải chuyến hàng nào cũng thành công và mỗi lần được giao nhiệm vụ chúng tôi lại cùng nhau cầu nguyện cho các anh cập bến bình an. Độ ấy, vì nhiệm vụ kháng chiến, sau khi tiếp nhận hàng là chúng tôi phải di chuyển luôn nên cơ hội được trò chuyện với các anh rất ít, chiến tranh khốc liệt nên cũng chẳng bao giờ mơ tới ngày hội ngộ. Vì thế, giờ gặp lại các anh ngay trên bến này đối với tôi cũng là một điều kỳ diệu của cuộc sống”.

Cùng chung nỗi xúc động với ông Cầu, CCB của trung đoàn 962 - Lê Văn Bình Phẩm (hiện sống ở ấp Thạnh Lợi – Thạnh Phong – Bến Tre) rưng rưng nói: “Ngày ấy, nhận nhiệm vụ tiếp nhận hàng hóa từ đoàn tàu không số tại cửa Khâu Băng (Thạnh Phong) tôi và đồng đội còn phải xây dựng căn cứ, tìm cách bảo vệ tàu và đưa tàu ra an toàn.

Tôi đã có mặt trong 23 chuyến hàng cập cửa Khâu Băng nhưng do tính chất đặc biệt phải nhận hàng trong đêm tối nên chẳng mấy khi được nhìn rõ mặt các đồng chí từ miền Bắc vào, thậm chí đến không kịp hỏi tên nhau”. Những nỗi niềm giản dị ấy được giấu kín nhường chỗ cho tinh thần trách nhiệm với nhiệm vụ được giao.

Thế nên hôm nay, gặp các CCB đoàn tàu không số tại Thạnh Phong, với ông Phẩm ai cũng là đồng chí, đồng đội cũ, với ai ông cũng rưng rưng muốn ôm xiết vào lòng. Quả thật, nếu không gặp ông, không lắng nghe ông thì tôi cũng chẳng thể biết được những tâm tư sâu kín của những người lính làm nhiệm vụ đặc biệt trong muôn vàn nhiệm vụ của con đường Hồ Chí Minh trên biển. Tôi chợt hiểu rằng, chính họ là tác giả những trang huyền thoại trong muôn vàn câu chuyện huyền thoại của con đường Hồ Chí Minh trên biển thần kỳ.

Rời các bến cảng, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình theo dấu tích con đường mang tên Bác giữa biển khơi mênh mông. Và hẳn rằng, cùng với những câu chuyện lịch sử sâu sắc ở các bến bờ, trong tâm hồn chúng tôi ai cũng có thêm những hình ảnh xúc động. Ấy là hình ảnh các em nhỏ Quảng Bình đứng đợi đoàn giữa mưa lạnh run run, ấy là các cô, các chị Bến Tre mặc áo bà ba đứng xếp hàng suốt bờ kênh dài 2km đón chào sự trở lại của các CCB và đoàn chúng tôi, ấy là hình ảnh đưa tiễn vấn vương của tuổi trẻ Thạnh Phong trong ánh đuốc dừa gợi nhớ một thời chiến tranh....Và hơn thế nữa là muôn vàn câu chuyện nhuốm màu huyền thoại cứ lung linh, chan chứa trong tâm trí chúng tôi…

Theo Anh Hoài
Báo Hà Tĩnh

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG