Huy động công nhân, máy xúc vớt cá
Những ngày gần đây, người dân tại xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) liên tiếp ghi nhận tình trạng cá nuôi lồng trên sông Thái Bình chết hàng loạt, nổi trắng mặt sông.
Anh Chiến (ở thôn Cập Thượng, xã Tiền Tiến) cho biết gia đình có 14 lồng nuôi cá chép thương phẩm 1-3kg/con. Ngày nào gia đình cũng phải vớt cá chết nổi trên mặt nước. Ước tính sơ bộ, gia đình anh đã thiệt hại 6-7 tấn cá, trị giá hơn 300 triệu đồng.
Tương tự, nhiều hàng xóm gia đình anh Chiến nuôi cá lồng cũng gặp tình trạng tương tự, cá chết nổi kín mặt lồng. Nhiều hộ huy động cả gia đình vớt cá nhưng không xuể do cá chết quá nhiều, không kịp vớt ảnh hưởng tới cá còn lại trong lồng.
Cá chết hàng loạt tại các ô lồng nuôi thủy sản trên sông Thái Bình, thuộc địa phận xã Tiền Tiến (TP Hải Dương). Ảnh: PV/BHD |
Một người dân xã Tiền Tiến cho biết, các hộ dân lúc đầu vớt cá rồi đem xử lý chôn lấp tránh ô nhiễm nguồn nước và không khí. Tuy nhiên, sau đó lượng cá chết quá nhiều, một số người đã vớt cá thả ra sông. Do nước sông chảy chậm, cá lưu đọng tại các khu vực lặng nước, nhiều bèo và thời tiết nắng đã gây ra mùi hôi thối, ô nhiễm nguồn nước.
Trong sáng 7/4, trên sông Sặt đoạn chảy qua TP Hải Dương xuất hiện nhiều xác cá chết, chủ yếu là cá chép lớn (3-7kg), cá lăng, cá diêu hồng... Cá chết trải dọc sông Sặt bốc mùi hôi thối. Theo người dân địa phương, có thể xác cá từ các lồng nuôi cá trên sông Thái Bình chết hàng loạt trôi dạt vào sông Sặt dẫn đến hiện tượng này.
Trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước và không khí, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, ngày 7/4 lực lượng môi trường thành phố Hải Dương huy động công nhân, máy xúc tới vớt cá rồi mang đi chôn nhằm hạn chế tình trạng bốc mùi hôi thối trong khu dân cư.
Công nhân môi trường vớt cá chết trắng trên sông Sặt, đoạn chảy qua TP Hải Dương. Ảnh: H.N |
Hơn 300 tấn cá chết, thiệt hại hàng chục tỷ đồng
Đại diện Sở NN&PTNT Hải Dương cho biết, tình trạng cá chết tại xã Tiền Tiến xuất hiện khoảng một tuần nay. Sở đã phối hợp với Cục Thủy sản và Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Bộ NN&PTNT) xuống kiểm tra.
Bước đầu, đoàn công tác lấy mẫu nước trong lồng, mẫu nước sông để kiểm tra. Qua đó bước đầu xác định, khu vực cá chết nhiều cho thấy nồng độ oxy hòa tan trong nước rất thấp, nồng độ khí độc cao dẫn đến thiếu oxy.
Các chuyên gia cũng nhận định, vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường nên cá yếu sẽ bị chết rải rác ở ô lồng có mật độ cá cao. Đoàn công tác cũng khuyến cáo bà con khi thời tiết thay đổi cần giảm cho ăn hoặc dừng cho ăn, tăng cường sục oxy xuống ô lồng nuôi.
Khi có hiện tượng cá chết, cần nhanh chóng vớt lên rồi mang đi chôn lấp tránh ô nhiễm nguồn nước, làm lây lan dịch bệnh.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở NN&PTNT Hải Dương, toàn tỉnh có khoảng hơn 300 tấn cá nuôi lồng bị chết, ước tính thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng. Riêng xã Tiền Tiến có 52 hộ nuôi với khoảng 700 ô lồng.
Lực lượng chức năng thành phố Hải Dương huy động máy xúc vớt và đem cá chôn hạn chế tình trạng ô nhiễm khu dân cư. |
Sở NN&PTNT Hải Dương cũng đề nghị UBND các huyện, thành, thị và các đơn vị liên quan tập trung triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản.
Các hộ nuôi cần theo dõi sát dự báo thời tiết để ứng phó với những thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột, thường xuyên quan sát nước vùng nuôi và cá nuôi. Khi thấy nước đục, cá kém ăn hoặc bơi chậm, nổi lên mặt nước cần có biện pháp xử lý kịp thời, tăng cường oxy và đảo nước.
Khi mực nước trên sông giảm, các hộ nuôi cần hạ thấp lồng nuôi để bảo đảm độ sâu luôn ở mức 2,5m-3m nhằm giảm sự tác động của nhiệt độ cao, đồng thời thực hiện sát khuẩn để phòng bệnh.
Khi có hiện tượng cá nổi đầu do thiếu oxy vào ban đêm và sáng sớm, người dân cần sử dụng máy bơm nước, máy quạt nước vào ban đêm, đặc biệt từ 22 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau để tăng hàm lượng oxy hòa tan.