Hủy bay đến châu Âu: Hàng hóa ùn tắc tại sân bay

Hủy bay đến châu Âu: Hàng hóa ùn tắc tại sân bay
Nhiều mặt hàng trái cây, may mặc, giày dép, cá cảnh... xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường châu Âu bằng đường hàng không đã bị ứ đọng tại sân bay do ảnh hưởng từ việc hủy các chuyến bay đến khu vực này.
Hủy bay đến châu Âu: Hàng hóa ùn tắc tại sân bay ảnh 1

Nhiều mặt hàng xuất qua châu Âu đang phải nằm kho tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: LÊ NAM

Ngoài ứ đọng hàng hóa, nhiều doanh nghiệp VN cũng đang đứng ngồi không yên khi không thể đến khu vực này tham gia Hội chợ thủy sản Brussels (Bỉ) sắp diễn ra.

Nhiều tấn hàng nằm kho

Một chuyên viên tính toán có khoảng 20 kiện hàng với gần 30 tấn hàng hóa đang nằm trong kho này đã được bọc, gói, ràng buộc kỹ lưỡng, thủ tục cũng hoàn thành chỉ chờ xuất khẩu. Ông Thanh cho biết đây chỉ là một phần hàng hóa bị kẹt lại mấy ngày qua do các hãng hàng không có đường bay từ TP.HCM sang châu Âu như Vietnam Airlines, Cargo Lux, Lufthansa, Air France-KLM, Thai Airways... không thể thực hiện chuyến bay.

Nguy cơ... lỡ cơ hội

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong nước đang khá lo lắng trước khả năng không thể đến tham gia Hội chợ thủy sản Brussels khai mạc ngày 27-4. Đây là hội chợ thủy sản lớn nhất trên thế giới và các hợp đồng tại đây là định hướng giá thủy hải sản trong các tháng tiếp theo, nên các doanh nghiệp xuất khẩu không muốn bỏ lỡ cơ hội này để tìm kiếm khách hàng và ký hợp đồng. Ông Nguyễn Tuấn Anh, tổng giám đốc Công ty CP NTACO (An Giang), cho biết thường các doanh nghiệp đặt vé vào ngày 25 nhưng không biết đến lúc đó đường bay đã thông suốt hay chưa. Một số đơn vị xuất khẩu thủy sản khác cho hay họ phải gửi hàng mẫu tới hội chợ trước khai mạc 1-2 tuần nên việc máy bay hủy chuyến làm lỡ kế hoạch.

Theo ông Thanh, những công ty giao nhận đã ngưng không nhận hàng xuất khẩu sang châu Âu và đang làm thủ tục để lấy hàng ra khỏi kho. Một chuyên viên đội xuất khẩu hàng hóa TCS cho biết sáng 19-4, hai hãng hàng không Cargo Lux, Air France-KLM đã gửi fax thông báo không tiếp nhận hàng đi châu Âu trong những ngày 19 và 20-4 do tình hình các sân bay ở châu Âu vẫn đang đóng cửa.

Anh T.H.H., phụ trách vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không của Công ty giao nhận TH, cho biết hiện nay công ty đã từ chối các đơn hàng gửi đi thị trường châu Âu vì những chuyến bay tới khu vực này đều bị hoãn. Hầu hết đơn hàng đi châu Âu đến Đức, Pháp, Anh, chủ yếu là mặt hàng quần áo, giày dép.

Theo kế hoạch, ngày 22-4 sẽ có lô hàng 1 tấn quần áo xuất sang thị trường Munich (Đức) và 2 tấn quần áo tiếp theo vào ngày 24-4 nhưng hiện mọi thứ vẫn trong tình trạng chờ đợi. Trước khi xảy ra sự cố, mỗi ngày công ty vận chuyển 4-5 tấn hàng hóa qua khu vực châu Âu. “Đây là tình cảnh chung của các công ty giao nhận hiện nay. Tuy không có thiệt hại nào nhưng đã gây ra những sự xáo trộn” - anh H. cho biết.

Anh L., một đại lý chuyên nhận vận chuyển giày dép, quần áo của các doanh nghiệp xuất khẩu VN, cho biết hiện đại lý của anh đang tồn khoảng 4.000m3 hàng hóa ở TCS. Tính trung bình mỗi tuần đại lý của anh chuyển đi ít nhất 1.000m3 hàng hóa sang các nước Ý, Đức, Tây Ban Nha, Pháp...nhưng hiện nay các hãng hàng không này không hoạt động, lượng hàng tồn sẽ ngày càng nhiều. “Đó là chưa kể còn rất nhiều hàng của khách hàng mà chúng tôi chưa đưa ra từ nhà máy hoặc bị trả về do không xuất khẩu được” - anh L. cho biết.

Trái cây tươi cũng bị ảnh hưởng

Hàng trái cây tươi xuất khẩu sang châu Âu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ khi xảy ra sự cố hủy các chuyến bay đến châu Âu (16-4) đến nay, nhiều lô hàng gồm thanh long, chôm chôm tươi của Công ty TNHH Rồng Đỏ (TP.HCM) bị ách tắc tại sân bay do không thể vận chuyển sang châu Âu.

Ông Mai Xuân Thìn, giám đốc kinh doanh Công ty Rồng Đỏ, cho biết các chuyến bay bị hủy nên nhiều đơn hàng không thể chuyển đi. Do trái cây tươi không để được lâu nên công ty phải tìm cách giải phóng lô hàng. Thay vì xuất khẩu với giá cao, công ty phải dỡ hàng bán trong nước với giá rẻ hơn nhiều. Tuy nhiên, lượng hàng xuất của công ty sang châu Âu bằng máy bay không nhiều nên thiệt hại không lớn.

“Chỉ thiệt cho khách hàng vì họ đang cần hàng bán mà mình không thể chuyển qua được” - ông Thìn cho biết.

Theo ông Vũ Hải Thanh, các đại lý giao nhận hàng đang đề nghị TCS hỗ trợ tiền lưu kho hàng hóa vì sự cố này và hàng hóa tồn đọng ngày càng nhiều mà diện tích dự trữ kho hạn chế.

Chỉ tính riêng lượng hàng hóa đến ba sân bay ở Paris, Frankfurt và Matxcơva trung bình mỗi ngày kho TCS có không dưới 20 tấn hàng hóa. Lượng hàng hóa xuất khẩu đi châu Âu chiếm 30-35% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu 100-120 tấn/ngày của TCS. Trong đó, hàng xuất khẩu sang châu Âu bằng đường hàng không chủ yếu là quần áo, giày dép, hoa quả, cá cảnh, cá ngừ...

                                             Theo L.NAM - TR.MẠNH - N.BÌNH
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG