Hữu duyên cùng gốm cổ

0:00 / 0:00
0:00
“... Những cái được gọi là di sản văn hóa tùy thuộc về quá khứ của một dĩ vãng không bao giờ trở lại nhưng nó vẫn sống bởi vì những cái chúng ta làm hôm nay trong đời sống vật chất cũng như trong đời sống tinh thần là tiếp tục của cái hôm qua” ( trích Đại Việt sử ký toàn thư ).

Gốm là một trong những nghề mang đậm tính truyền thống của nhân dân Việt Nam, là phát hiện của con người trong quá trình lao động và sản xuất. Gốm là sản phẩm chứa đựng sự giao hòa của ngũ hành, được tái tạo bởi tinh thần và bàn tay khéo léo của các nghệ nhân.

Hữu duyên cùng gốm cổ ảnh 1

Bản viết tay của GS. Trần Quốc Vượng giới thiệu về bộ sưu tập cổ vật của tác giả

Vào những ngày cuối năm 2021, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã cho ra mắt bạn đọc cuốn sách mang tên “Hữu duyên cùng gốm cổ” của tác giả Phạm Dũng. Đây là cuốn sách tham khảo đặc biệt, có giá trị văn hóa, lịch sử... sâu sắc về gốm cổ. Cuốn sách ra đời đáp ứng niềm mong mỏi của đông đảo bạn đọc yêu thích và quan tâm về Gốm trong lúc thị trường cổ vật ở Việt Nam đang sôi động trở lại.

Hữu duyên cùng gốm cổ phản ánh cái nhìn về gốm Việt Nam trong suốt quá trình say mê sưu tầm của tác giả, đồng thời đưa bạn đọc cùng tìm hiểu, khám phá về nguồn gốc, đặc điểm của gốm cổ Việt Nam từ thế kỷ thứ nhất (Bắc thuộc, Lý – Trần, Lê – Mạc, Nguyễn) đến cuối thế kỷ 19. Thông qua những hoa văn, họa tiết, màu men, dấu vết và những đặc điểm kỹ thuật của gốm trong từng thời kì (từ gốm đất nung, gốm sành nâu, gốm men ngọc, men nâu, men xanh hay gốm hoa lam...), tác giả đã chỉ ra những giá trị hội tụ trong cổ vật gốm nói riêng và cổ vật nói chung như: giá trị lịch sử; giá trị văn hóa, giá trị kỹ thuật, giá trị mỹ thuật, giá trị thông tin và cuối cùng là giá trị kinh tế...

Hữu duyên cùng gốm cổ ảnh 2

Bìa cuốn sách

Gốm vừa là “đồ”, vừa là “nghề”, mang đậm dấu vết thời gian, truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trong truyền thuyết, sự xuất hiện của đồ gốm như một điều bí hiểm, linh thiêng “Đồ gốm là loại chất bột nằm sâu trong lòng đất, ở những nơi linh thiêng có ma quỷ canh giữ. Muốn khai thác được phải chọn ngày lành tháng tốt. Lên tới mặt đất, nhờ ánh sáng chói lọi của mặt trời soi rọi chất bột đó mới biến thành gốm...” nhưng thực ra đó chỉ là truyền thuyết ly kỳ để tăng cái phần quan trọng của kỹ nghệ làm gốm xa xưa, để khoe ra cái “đồ” chứa đựng sự giao thoa của ngũ hành....

Trải qua hàng nghìn năm, nghề gốm lúc thịnh, lúc suy, song các thế hệ người làm gốm vẫn gìn giữ, phát triển và thổi hồn vào từng sản phẩm gốm Việt. Mỗi sản phẩm gốm không chỉ thể hiện bàn tay khéo léo, sự tinh tế, sáng tạo của người thợ mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa riêng biệt của người dân Việt Nam được lưu giữ trong từng sản phẩm.

Giống như nhiều hoạt động của văn hóa khác, gốm luôn tìm ra hướng đi riêng cho mình, độc đáo trên nhiều khía cạnh mà gốm có thể diễn đạt qua chất liệu, hình dáng, màu sắc men, trang trí hoa văn. Với tất cả những yếu tố trên, gốm đã khẳng định mình khiêm nhường, dễ mến nhưng lại mang vẻ sang trọng rất Việt Nam.

Ngoài nội dung chính được đề cập ở ba chủ đề: Gốm Việt Nam; Theo chân khảo cổ tìm nguồn gốc Gốm; Gốm Bát Tràng từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19, tác giả dành hẳn một mục riêng Một số thuật ngữ sưu tập cổ vật ở cuối sách để chú thích cho những thuật ngữ chuyên ngành trong tác phẩm của mình, giúp bạn đọc có thể tiếp cận một cách dễ hiểu và gần gũi, chân thật nhất với Gốm.

Gốm cổ có cũ kĩ, có xa xưa, có trầm lặng, nhưng lại đẫm thần thái của đất, mang cái hồn của người đã làm say lòng biết bao thế hệ yêu lịch sử và truyền lại cho những thế hệ sau này tinh thần gìn giữ là phát triển để Gốm sẽ bền mãi với thời gian.

Dưới ngòi bút tài hoa của tác giả, Hữu duyên cùng gốm cổ sẽ làm thỏa mãn bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu và yêu thích về gốm cổ.

MỚI - NÓNG