Năm 2018, phim kinh dị Bird Box (Tựa Việt: Lồng chim) từng là hiện tượng trên nền tảng phát trực tuyến Netflix. Dù không chiếu rạp, tác phẩm vẫn gây sốt, trở thành một trong những phim ăn khách nhất của hãng.
5 năm sau, nhà sản xuất giới thiệu dự án ngoại truyện (spin-off) mang tên Bird Box Barcelona (Tựa Việt: Lồng chim Barcelona). Song, tác phẩm không giữ được sức hút của phần đầu vì ê-kíp hoàn toàn thay đổi nhưng nội dung lại ít đột phá.
Trở lại thế giới hậu tận thế chết chóc
Tác phẩm đưa người xem trở lại thế giới hậu tận thế ở phần đầu. Lần này, bối cảnh dịch chuyển từ Mỹ đến Barcelona (Tây Ban Nha) như tên phim gợi ý. Các nhân vật cũng nói tiếng Tây Ban Nha thay vì tiếng Anh.
Thời điểm đó, có một loài sinh vật kỳ lạ xâm chiếm Trái Đất. Chúng khiến bất kỳ ai nhìn thấy cũng trở nên mất kiểm soát, bắt đầu có dấu hiệu tự tử. Kết quả, hàng triệu người trên thế giới tìm cách kết liễu bản thân, khiến loài người đối diện nguy cơ diệt vọng.
Phim tiếp tục khai thác thế giới hậu tận thế ở phần trước, nhưng chuyển địa điểm sang Tây Ban Nha. |
Giữa bối cảnh đó, Sebastian (Mario Casas) là một trong số ít những người sống sót sau thảm họa. Anh cùng con gái Anna (Alejandra Howard) phải lang thang khắp nơi ở Barcelona để tìm cách sinh tồn. Trên hành trình, họ được nhiều người giúp đỡ nhưng cũng gặp không ít hiểm nguy, thậm chí đối diện cái chết.
Hậu tận thế vốn là đề tài hấp dẫn với nhiều nhà làm phim. Hàng loạt tác phẩm từng khai thác thành công chủ đề này như A Quiet Place, The Last of Us, World War Z,… Song, thế giới trong Bird Box Barcelona vẫn giữ được sự thú vị nhờ những đặc điểm riêng.
Để sinh tồn, con người trong phim phải sống chui lủi trong những hầm tối, trốn vào những nơi ít ai biết. Ai ra đường phải tìm cách bịt mắt, đi lang thang trong vô định mà không biết số phận sẽ ra sao.
Bộ đôi đạo diễn kiêm biên kịch David Pastor - Alex Pastor chọn cách dẫn nhập trực tiếp. Sau đó, một số cảnh hồi tưởng (flashback) được cài cắm giúp giải thích câu chuyện rõ ràng hơn.
Như phần trước, phim giữ được không khí hồi hộp, giật gân trong nửa tiếng đầu. Hiểm họa trong phim là thứ vô hình, phần nào làm sự tò mò với người xem.
Một số hình ảnh trong Bird Box Barcelona. |
Nỗi sợ được khai thác thông qua những cảnh quay rùng rợn khi con người tự sát. Ánh mắt họ bỗng nhiên đổi sắc, gương mặt thất thần. Tất cả đều đi lang thang vô định như những thây ma, sau đó tự tử bằng nhiều cách.
Có người dùng dao rạch vào cổ, có người lại dùng lửa tự thiêu hay lao đầu vào xe điện đang chạy. Một số phân đoạn quá máu me, rùng rợn khiến phim dán nhãn C18 (cấm người xem dưới 18 tuổi) ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Hướng đi chưa thuyết phục
Một trong những yếu tố giúp phần đầu Bird Box thành công là sự xuất hiện của minh tinh Sandra Bullock. Chưa kể, tác phẩm còn quy tụ dàn sao như Sarah Paulson, Trevante Rhodes, John Malkovich,…
Tuy nhiên, lần này nhà sản xuất quyết định thay đổi hoàn toàn hướng đi. Ngoại trừ nam chính Mario Casas, phim không còn ngôi sao nào khác để thu hút khán giả. Từ bối cảnh, thiết kế sản xuất đến kỹ xảo đều kém ấn tượng nếu so với bom tấn Hollywood. Thậm chí, ê-kíp cũng không có chiến lược quảng bá rầm rộ khi ra mắt.
Đội ngũ Tây Ban Nha chưa có nhiều sáng tạo khi kể lại câu chuyện của Bird Box. Thực tế, họ chỉ sử dụng lại những yếu tố làm nên thành công của phần trước một cách công thức.
Bản thân nam diễn viên Mario Casas vốn không phải là gương mặt xa lạ. Anh từng đóng chính trong nhiều phim nổi tiếng như The Invisible Guest (2016), The Paramedic (2020), series The Innocent (2021),…
Dù có nhiều kinh nghiệm, ngôi sao sinh năm 1986 vẫn không thể tỏa sáng với một kịch bản kém đặc sắc. Việc nhân vật phải bịt mắt trong phần lớn thời lượng cũng là thách thức với diễn viên, khiến anh mất điểm trong nhiều cảnh quay.
Nam chính Mario Casas cũng không cứu được phim. |
Trong khi đó, gương mặt nhí Alejandra Howard chưa có nhiều đất để thể hiện bản lĩnh diễn xuất. Các diễn phụ chỉ ở mức tròn vai, không đủ thu hút nếu so với dàn sao phần một.
Điểm trừ lớn nhất của tác phẩm chính là kịch bản. Câu chuyện chưa được khai thác hợp lý nên để lại nhiều thắc mắc với khán giả. Đơn cử, mối quan hệ cha con của nhân vật chính được xây dựng hời hợt, ít tạo được cảm xúc.
Càng về cuối, phim càng đuối sức. Những cú twist được lồng ghép còn đơn giản nên chưa tạo được bất ngờ.
Hướng đi sai lầm của ê-kíp sản xuất khiến tác phẩm không được lòng khán giả lẫn các nhà phê bình. Phim đạt thành tích thấp hơn hẳn phần trước với 49% bình chọn tích cực từ giới chuyên môn, xếp loại “Thối” trên Rotten Tomatoes.
Nhìn chung, Bird Box Barcelona chỉ là một sản phẩm ăn theo đúng nghĩa. Đây là nỗi thất vọng với những ai yêu thích phần đầu và chờ đợi sự trở lại của minh tinh Sandra Bullock.