Hư, thực lãi nhà băng

Ngân hàng đã hết thời làm “đẹp” lãi qua sổ sách. (ảnh minh họa). Ảnh: Như Ý.
Ngân hàng đã hết thời làm “đẹp” lãi qua sổ sách. (ảnh minh họa). Ảnh: Như Ý.
TP - Đi qua một năm khó khăn, có lúc tưởng “chết cứng” vì tiền ứ đọng nhưng kết thúc năm tài chính 2014, nhiều ngân hàng vẫn làm ăn có lãi. 

Lớn bé đều cán đích 

Về khối ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước, BIDV trở thành nhà băng đầu tiên thông báo kết quả kinh doanh năm 2014. Lợi nhuận trước thuế  của BIDV đạt 6.065 tỷ đồng; nợ xấu dưới 3%. Báo cáo Agribank cho hay năm qua ngân hàng (NH) đạt lợi nhuận trước thuế 3.238 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2013.  So với chỉ tiêu 7. 280 tỷ đồng dự kiến, năm 2014 Vietinbank có “vượt chút” đạt khoảng 7.300 tỷ. Đặt chỉ tiêu lợi nhuận năm 2014 lãi trước thuế 5.500 tỷ đồng, một Phó Tổng giám đốc Vietcombank thông tin: ngân hàng vượt 2% kế hoạch tức lên khoảng 5.700 tỷ đồng.

Tại khối NHTM cổ phần, MB dự kiến 3.000 tỷ tương đương năm 2013 năm nay đã đạt và nợ xấu cũng giảm mạnh về dưới ngưỡng 3%. Techcombank dự kiến lãi trước thuế 1.118 tỷ đồng. “Đến quý 3/2014 chúng tôi đã hoàn thành 98% chỉ tiêu đề ra nên chắc chắn là có vượt”, một đại diện Techcombank cho hay. ACB đặt mục tiêu lợi nhuận 1.189 tỷ (chưa bằng một nửa thời “hoành tráng ngày xưa”). 

Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc ACB, cho hay: “Chờ kiểm toán xong tháng 3/2015 mới công bố nhưng ACB cơ bản hoàn thành”. Lãnh đạo Sacombank nói ngân hàng đã cán đích chỉ tiêu đề ra 3.000 tỷ đồng. Tiên Phong (TPBank) bất ngờ “khoe”  kết thúc năm tài chính 2014 với lợi nhuận lũy kế  tốt hơn so với dự báo, đạt trên 536 tỷ đồng, bằng 122% kế hoạch năm. NamABank, ngân hàng có thể “mở hàng” sáp nhập năm nay, có lãi trước thuế vào khoảng 250 tỷ đồng, đạt kế hoạch.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều về đích an toàn. Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Đông Á (DongAbank), cho hay, năm 2014, lợi nhuận DongABank khoảng 800 tỷ đồng, không đạt so với kế hoạch đề ra là 1.200 tỷ đồng, (mức bằng 2013). Lý do giảm lãi ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro (DPRR); bên cạnh công nghệ đầu tư lỗi mốt khiến DongABank giảm thị phần. Phân tích chung, ông Kiêm khẳng định, năm nay, lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm vì nợ xấu cao, ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro nhiều; lợi nhuận giảm là tất yếu. “Các chỉ số ROA (tỷ số lợi nhuận  ròng/tổng tài sản); hay ROE (tỷ số lợi nhuận ròng/vốn chủ sở hữu) của nhiều ngân hàng thấp tè”, ông Kiêm nhìn nhận.

Soi lãi

Lãi ngân hàng năm 2014 đến từ đâu? Theo thống kê, năm 2014 có đến 86% các nhà đầu tư vào trái phiếu Chính phủ (TPCP) là NHTM. Đây là năm thắng lớn của các NH trên thị trường trái phiếu. Trao đổi với Tiền Phong, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội, ông Trần Văn Dũng cho hay: “Đầu năm, do vốn tín dụng không ra được nên rất nhiều NHTM đã đổ tiền mua trái phiếu. Vào cuối năm thị trường này tăng giá mạnh có ngân hàng đã lãi tới vài chục phần trăm khoản đầu tư”. Được biết, với việc găm giữ, mua vào đều đặn lượng TPCP trong năm qua, một số NHTM như: Sacombank, Eximbank, Vietinbank, Agribank…đã lãi không ít từ hoạt động này; có ngân hàng chiếm tới 30% lợi nhuận. 

“Năm nay là cơ hội để các ngân hàng “dọn vườn” làm sạch sổ sách, tiệm cận với các chỉ số an toàn theo chuẩn đề ra. Lợi nhuận có thể giảm, trích lập dự phòng rủi ro tăng nhưng số liệu ngân hàng sẽ thật và chuẩn hơn”. 

Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu

Ngoài ra, tăng tín dụng tốt tại một số NHTM cũng cho nguồn lãi tốt. Ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank, lý giải trong cơ cấu lợi nhuận của NH này có  2/3 đến từ thu lãi tín dụng, 1/3 là thu nhập từ phí, kinh doanh ngoại tệ và thu nhập khác. 


“Do tăng trưởng tín dụng tốt, các mảng hoạt động kinh doanh đều có hiệu quả; nợ xấu không phát sinh nên chúng tôi không phải trích lập nhiều dự phòng cụ thể, dẫn tới không bị thoái lãi dự thu, đó là lý do khiến lợi nhuận tăng vọt. Hiện, tổng quỹ dự phòng đã trích đến cuối 2014 là  hơn 1.330 tỷ”, ông Hưng lý giải. Đại diện Vietinbank khẳng định, trong cơ cấu lợi nhuận, NH vẫn chủ yếu trông vào tín dụng bởi tăng trưởng tín dụng lên tới 18,6% và NH cho vay được nhiều dự án tốt. Ngoài ra, thu phí và kinh doanh ngoại tệ cũng góp phần.

Năm 2014, nhiều nhà băng còn một nguồn thu nữa đến từ các khoản nợ khó đòi nay đã đòi được như Agribank, nơi có nợ xấu cao. Một lãnh đạo kể: Suốt cả năm, các chi nhánh có nợ xấu cao cán bộ từ giám đốc tới phó giám đốc chi nhánh đều phải đi đòi nợ chi nhánh không thu hồi được nợ, sẽ không có lương. Vietcombank năm qua tích cực đôn đốc đi thu nợ. “Hơn 1.000  tỷ nợ khó đòi vốn được xem như “nợ ngoại bảng” nay được cân đối đưa vào thu”, một đại diện ngân hàng cho biết.

Trích lập dự phòng và nợ xấu ảnh hưởng thế nào đến lợi nhuận ngân hàng? Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Vietinbank, khẳng định, nợ xấu Vietinbank đã giảm từ 2,6% xuống còn 1,1% sau khi đã trích lập DPRR đầy đủ. “Nợ xấu giảm là thực chất chứ không có chuyện ngân hàng  làm đẹp con số. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu làm rất chính xác!”, ông Thọ nói.

Một thành viên HĐQT  Eximbank nói Eximbank sẽ không đạt lãi 1.800 tỷ đồng như kế hoạch đề ra mà sẽ thấp hơn một chút. “ HĐQT vừa thống nhất  sẽ làm “sạch” sổ sách để hướng tới các chỉ tiêu an toàn; giảm tối đa nợ xấu và như thế tất yếu lãi giảm”, vị này nói, tuy nhiên từ chối không thông tin ngay con số trích lập cụ thể là bao nhiêu.   


MỚI - NÓNG