Hòn đá kỳ lạ chứa đựng manh mối sự sống trên sao Hỏa

0:00 / 0:00
0:00
TPO - NASA cho biết một tảng đá kỳ lạ được tìm thấy bên cạnh một con sông khô cạn cổ đại trong miệng núi lửa Jezero trên sao Hỏa, chứa đựng một số manh mối về sự sống cổ đại.
Hòn đá kỳ lạ chứa đựng manh mối sự sống trên sao Hỏa ảnh 1

Hình ảnh thác Cheyava, cho thấy những vết trắng có thể là dấu vết của hoạt động vi khuẩn cổ xưa. (Ảnh: NASA/JPL-Caltech/MSSS)

Tàu thăm dò Perseverance của NASA có thể đã phát hiện ra bằng chứng về sự sống trong quá khứ trên sao Hỏa, sau khi phát hiện một tảng đá kỳ lạ, có đốm với dấu hiệu hóa học có thể đã hỗ trợ các vi khuẩn cổ đại. Ngoài ra, nó còn phát hiện một tảng đá hình mũi tên, được đặt tên là Thác Chevaya, dọc theo bờ phía bắc của Neretva Vallis, một con sông cổ đại, hiện đã khô cạn, từng chảy vào hố va chạm Jezero của sao Hỏa.

Phân tích đá này cho thấy vật liệu trầm tích có nhiều mạch chứa đầy hợp chất hữu cơ, bằng chứng về chuyển động của nước và những đốm nhỏ từ các phản ứng hóa học, có thể đã được vi khuẩn cổ đại sử dụng để tạo ra năng lượng.

"Những đốm này là một bất ngờ lớn", David Flannery, một thành viên của nhóm khoa học trên tàu Perseverance và là nhà sinh vật học vũ trụ tại Đại học Công nghệ Queensland ở Úc, cho biết . "Trên Trái đất, những đặc điểm này trong đá thường liên quan đến hồ sơ hóa thạch của các vi khuẩn sống dưới lòng đất".

Tàu thăm dò Perseverance thuộc Sứ mệnh sao Hỏa 2020 trị giá 2,7 tỷ đô la của NASA. Kể từ khi đến sao Hỏa, tàu thám hiểm này đã tìm kiếm dấu hiệu của sự sống cổ đại trên bề mặt sao Hỏa bằng cách đi qua miệng núi lửa Jezero rộng 50 km, thu thập hàng chục mẫu đá để mang về Trái Đất.

Perseverance đã tìm thấy tảng đá lốm đốm trên một khu vực của sao Hỏa từng ấm hơn và ẩm ướt hơn, nghĩa là bất kỳ dấu hiệu nào của sự sống cổ đại sẽ xuất hiện dưới dạng hóa thạch bên trong những tảng đá ở đó. Các lần quét cho thấy tảng đá chứa các phân tử gốc cacbon, cùng với các dải haematit màu đỏ có các đốm sắt và phốt phát.

Các nhà nghiên cứu cho biết vẫn còn là bí ẩn liệu carbon tìm thấy bên trong có phải thuộc về sự sống cổ đại và các đốm này là dấu vết của nó hay chúng được tạo ra bởi các quá trình phi sinh học.

Ken Farley, một nhà khoa học của dự án Perseverance tại Caltech ở Pasadena, cho biết: "Một mặt, chúng tôi có phát hiện đầu tiên thuyết phục về vật liệu hữu cơ, các đốm màu đặc biệt chỉ ra các phản ứng hóa học mà sự sống của vi khuẩn có thể sử dụng làm nguồn năng lượng và bằng chứng rõ ràng cho thấy nước, cần thiết cho sự sống, đã từng đi qua đá. Mặt khác, chúng tôi không thể xác định chính xác cách đá hình thành và mức độ mà các tảng đá gần đó có thể đã làm nóng Thác Cheyava và góp phần tạo nên các đặc điểm này".

Để Perseverence có thể đưa mẫu đất quý giá về Trái đất để phân tích, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) ban đầu đã đề xuất sử dụng Sample Retrieval Lander — một tàu vũ trụ mang theo một tên lửa nhỏ mà tàu thăm dò này sẽ nạp các mẫu đá và đất. Sau đó, tên lửa sẽ phóng trở lại quỹ đạo cùng với các mẫu vật. Tuy nhiên, chi phí cho công việc này đã vượt quá ngân sách cho phép nên đã bị trì hoãn.

Theo Live Science
MỚI - NÓNG