Hơn 80 học sinh ngất xỉu do suy dinh dưỡng
Từ ngày 8 - 12-11, Sở Y tế TPHCM cử đoàn cán bộ gồm chuyên gia tâm thần, dinh dưỡng, dịch tễ học đến trường THPT An Nghĩa (Cần Giờ, TPHCM) kiểm tra sức khỏe cho số học sinh ngất xỉu. Nguyên nhân ban đầu được xác định phần lớn liên quan đến dinh dưỡng.
Khi đoàn kiểm tra đến thăm khám, vẫn tiếp diễn tình trạng học sinh của Trường THPT An Nghĩa bị ngất xỉu. |
Vụ việc xảy ra bắt đầu từ ngày 5 - 11 đến nay, liên tiếp các học sinh học tại Trường THPT An Nghĩa bị ngất xỉu. Mới đầu, học sinh xỉu chỉ tập trung ở khối lớp 11, sau đó lan ra cả khối 10 và 12.
Theo hiệu trưởng nhà trường, các nguyên nhân khiến học sinh xỉu hàng loạt do: Ăn uống không đầy đủ bị tụt huyết áp; thức khuya ngủ không đủ giấc; một số em có bệnh lý như suy nhược cơ thể, hạ canxi vì lo lắng (vừa qua nhà trường phát phiếu báo điểm giữa học kỳ 1, có một số em điểm thấp); 60% các em bị xỉu là do mắc hiệu ứng domino (em này xỉu, em kia sợ quá xỉu theo).
Nhà trường đã vận động phụ huynh cho các em bị xỉu ở nhà nghỉ ngơi, không lo mất bài vở vì thầy cô sẽ giảng bù. Nhà trường cũng đã đến từng lớp làm công tác tư tưởng để các em đỡ sốc.
Trước sự việc trên, đoàn công tác của Sở Y tế đã ghi nhận trong hơn 80 em ngất xỉu thường xuyên thì có nhiều học sinh suy dinh dưỡng, hai trường hợp có vấn đề về tâm thần - động kinh.
Theo nhận định ban đầu, các em ngất xỉu tập thể chủ yếu do vấn đề về tâm lý. Hiện nay, nhà trường đã phát sữa, thức ăn sáng (miễn phí) cho học sinh có nhu cầu, đồng thời bố trí trà đường ở nhiều điểm trong sân trường phục vụ các em.
Sau thăm khám, trò chuyện với các học sinh này, BS Vũ Kim Hoàn - Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Tâm thần TPHCM - phát hiện một số trường hợp có biểu hiện về rối loạn tâm thần.
BS Nguyễn Thị Nga Hương - Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM - cho biết: “Việc ngất xỉu không thể loại trừ khả năng các học sinh ăn uống không đầy đủ. Vì sau khi khảo sát những em có dấu hiệu ngất xỉu cho thấy, một số em gầy còm nằm ở phòng y tế có biểu hiện thiếu máu, xanh xao. Nhiều học sinh cho biết, bữa sáng có lúc ăn, lúc nhịn và hay ăn mì gói”.
BS Hương cho biết thêm: “Mỗi bữa sáng, mỗi người phải nạp đủ 700 kcal mới đủ sức làm việc. Nếu ăn mì gói như các em chỉ cung cấp cho cơ thể khoảng 300 kcal”.
Theo BS Hoàn từ trước tới nay cũng có nhiều vụ ngất xỉu hàng loạt nhưng chỉ gặp ở công nhân. Đây là lần đầu tiên Sở Y tế tiếp nhận vụ việc về ngất xỉu hàng loạt mà đối tượng là học sinh.
Được biết, tại trường An Nghĩa, từ cuối tháng 10 bắt đầu xuất hiện các em nữ sinh bị ngất xỉu. Có em bị ngất đi ngất lại nhiều lần. Đến nay, phòng y tế của trường đã khám cho 75 trường hợp nữ sinh ngất xỉu và Phòng khám An Nghĩa tiếp nhận 73 trường hợp.
Một thực trạng từng được phản ánh là: 20% số học sinh THPT ở TPHCM bỏ bữa chính do áp lực học. Đây là số liệu khảo sát được TS - BS Trần Thị Minh Hạnh - Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM - công bố mới đây.
Theo đó, qua khảo sát về thói quen ăn uống, vóc dáng bản thân và kiến thức phòng, chống thiếu máu cho trên 1.400 học sinh THPT từ 15-17 tuổi của 15 trường trên địa bàn TPHCM cho thấy, 20% trong số học sinh trên có thói quen bỏ ít nhất một bữa ăn trong ngày, do áp lực học không có thời gian để ăn, không muốn ăn, cảm thấy mệt mỏi.
Tỉ lệ bỏ bữa ăn sáng ở học sinh là 17,4% - cao hơn các bữa ăn trưa, chiều. Lượng học sinh thiếu máu, thiếu sắt tập trung nhiều hơn ở các quận ngoại thành.
Theo TS Hạnh, đây là giai đoạn chuyển tiếp rất quan trọng trong việc phát triển thể chất, vì thế, việc ăn uống điều độ giúp duy trì cơ thể khỏe mạnh và phát triển hợp lý về sức vóc lẫn trí óc.
Để hạn chế tình trạng ngất xỉu trong học sinh không chỉ với riêng trường An Nghĩa, các BS đề nghị, các trường học, đặc biệt là trường ngoại thành, nên tổ chức những buổi sinh hoạt, để các chuyên gia nói chuyện về tâm lý, các BS tư vấn cho phụ huynh, học sinh về dinh dưỡng.
Theo Võ Tuấn
Lao Động