Thí sinh cẩn trọng, xét tuyển đầy may rủi!
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: So với chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, số thí sinh này nhiều gấp 1,52 lần. Với mức ngưỡng tối thiểu này còn khoảng 27% thí sinh đăng ký dự thi để xét tuyển ĐH, CĐ không đạt ngưỡng. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào CĐ là 12,0 điểm đối với tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn thi (không nhân hệ số môn chính).
Năm nay chỉ có một ngưỡng chung trong khi điểm thi của các môn có sự chênh lệch lớn, những môn có kết quả thấp có bị ảnh hưởng đến việc xét tuyển không, thưa Thứ trưởng?
Khi xác định ngưỡng, tất cả các tổ hợp môn thi đều được tính đến và số thí sinh đạt trên ngưỡng rất cao đối với tất cả các tổ hợp khác nhau vì vậy thí sinh và người nhà không nên quá lo lắng. Có những tổ hợp có điểm trung bình lên tới 18 điểm. Nếu chúng ta chọn nhiều ngưỡng cho nhiều tổ hợp sẽ phức tạp và rối. Sau đây, các trường sẽ đặt một ngưỡng tuyển riêng cho trường mình và thí sinh có điểm thi từ ngưỡng đó trở lên có thể nộp hồ sơ dự tuyển và nhà trường sẽ lấy từ trên xuống đến hết chỉ tiêu.
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga.
Khả năng thí sinh ảo năm nay là thế nào và thí sinh làm gì để có khả năng trúng tuyển cao trong việc xét tuyển đầy may rủi như hiện nay?
Mọi năm ảo vì thí sinh thi nhiều khối, năm nay phương án tính điểm đã lọc hết ảo bằng việc tính 1 thí sinh trúng 4 khối cũng chỉ được tính là 1 thí sinh. Thí sinh cần tìm thông tin từ các trường ĐH, CĐ để biết được khả năng thu hút của các trường từ năm trước. Đặc biệt, trong xét tuyển đợt 1 thí sinh phải theo dõi thường xuyên thống kê của các trường vì đây là những thông số rất quan trọng thì mới biết mình đang ở vị trí nào, có khả năng trúng tuyển hay không và phải rút hồ sơ nộp trường khác nếu thấy không an toàn. Nếu thí sinh không có thông tin thì sẽ rất may rủi. Nếu thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển không đúng trường phù hợp với khả năng trúng tuyển thì dễ gặp rủi ro. Để tránh may rủi, thí sinh phải tìm hiểu thông tin cẩn trọng. Thí sinh cũng cần biết, sau đợt 1 các trường đã tuyển được phần lớn chỉ tiêu, khoảng 70% nên nếu rớt đợt 1 thì từ đợt xét tuyển thứ 2 trở đi, số lượng ảo sẽ lớn hơn rất nhiều. Thí sinh còn 3 giấy báo kết quả thi xét tuyển và thí sinh có thể nộp cùng một lúc nên lượng ảo là rất lớn. Vì vậy, từ đợt 2 trở đi, không thể khống chế được nữa. Thí sinh nên biết về điều này và thật cẩn trọng khi nộp đơn xét tuyển.
Bộ giảm bớt được 3 ngày thi nhưng lại tăng 20 ngày hồi hộp, vất vả cho thí sinh khi các em phải theo dõi thông tin, rút hồ sơ ra, nộp hồ sơ vào, đặc biệt với thí sinh ở tỉnh xa , Bộ có giải pháp nào không?
Chính vì vậy nên khi nộp hồ sơ các em phải tính toán chọn trường cho phù hợp. Nếu điểm vừa phải mà nộp hồ sơ vào trường cao khả năng trúng tuyển sẽ thấp và sẽ phải rút hồ sơ. Nếu thí sinh nộp trường vừa tầm thôi thì khả năng trúng tuyển cao hơn. Khi rút hồ sơ thì phải rút trực tiếp để lấy giấy chứng nhận kết quả thi duy nhất đó. Thí sinh có thể trực tiếp rút hoặc nhờ người nhà rút để nộp vào trường khác. Khi thay đổi nguyện vọng thì có thể thay đổi qua mạng hoặc bằng các phương án khác do nhà trường quy định, khi rút hồ sơ, thay đổi trường thì phải rút giấy báo kết quả thi.
Trong thời gian 3 ngày các trường sẽ khó xử lý thông tin, sàng lọc và thống kê số thí sinh có khả năng trúng tuyển hay không, bài toán này sẽ được giải quyết thế nào để thí sinh có thông tin đầy đủ, đặc biệt trong ngày cuối thí sinh dồn dập rút hoặc nộp hồ sơ?
Quy định 3 ngày 1 lần cập nhật thông tin đã được đưa vào quy chế; các trường có trách nhiệm cập nhật thông tin và công khai cho thí sinh được biết xem tới giờ này có bao nhiêu thí sinh nộp hồ sơ, điểm thế nào để thí sinh nhìn nhận mà nộp hay rút. Nếu để đến phút chót thí sinh mới rút hay nộp là rất nguy hiểm! Mỗi thí sinh có 4 nguyện vọng, nếu không trúng tuyển nguyện vọng trước sẽ được đẩy sang nguyện vọng sau. Vì vậy, thí sinh phải nộp trước mới biết mà điều chỉnh. Nếu phút chót mới nộp là không có thời gian để thay đổi. Trường nào không thực hiện sẽ bị xử lý theo quy chế. Nếu trường nào không công bố công khai, thí sinh phản ánh và Bộ sẽ kiểm tra và xử lý theo quy định.
Hơn 530 ngàn thí sinh đủ 15 điểm ít nhất 1 tổ hợp
Theo Bộ GD&ĐT, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH năm 2015 khoảng 400.000. Trong đó, có khoảng 350.000 chỉ tiêu dành cho các trường sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển và khoảng 50.000 chỉ tiêu dành cho các trường có phương án tuyển sinh riêng, xét tuyển bằng kết quả học tập ở THPT. Tổng số thí sinh dự thi THPT quốc gia để lấy kết quả tuyển sinh ĐH, CĐ là 726.693. Cũng theo Bộ GD&ĐT, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH năm 2015 là 15,0 điểm đối với tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn thi (không nhân hệ số môn chính) đảm bảo cho 531.182 thí sinh có ít nhất một tổ hợp với tổng điểm bằng hoặc cao hơn 15,0 điểm.