Hơn 500 tỷ đồng bồi thường mặt bằng dự án vành đai 3 qua Đồng Nai

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo UBND tỉnh Đồng Nai, ngày 8/1 tới đây, huyện Nhơn Trạch sẽ bắt đầu chi trả tiền bồi thường đợt 1 cho 512 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án vành đai 3. Tổng số tiền chi trả đợt này khoảng hơn 500 tỷ đồng.

Chiều 4/1, tại TPHCM, đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) do Thứ trưởng Lê Anh Tuấn làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TPHCM cùng các địa phương liên quan đến tiến độ một số dự án giao thông trọng điểm liên vùng.

Ông Nguyễn Việt Cường - Phó Cục trưởng Cục đường cao tốc, Bộ GTVT - cho biết đến nay tình hình giải phóng mặt bằng (GPMB) thu hồi đất phục vụ dự án vành đai 3 TPHCM ở các địa phương như sau: Long An (98%), TPHCM (97,23%), Bình Dương (82%) và Đồng Nai (6,2%). Như vậy, tỉnh Đồng Nai là địa phương có tỷ lệ thu hồi đất thấp nhất trong số các địa phương có dự án đi qua.

Hơn 500 tỷ đồng bồi thường mặt bằng dự án vành đai 3 qua Đồng Nai ảnh 1

Công trường thi công gói thầu XL03 (dự án Vành đai 3 TPHCM) đoạn qua TP Thủ Đức.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, đối với dự án thành phần 3 (xây lắp) trên địa bàn tỉnh, hiện đã lựa chọn nhà thầu 2 gói thầu xây lắp, còn 1 gói thầu còn lại sẽ hoàn thành lựa chọn nhà thầu trong tháng 1. Đối với dự án thành phần 4 (GPMB), hiện nay huyện Nhơn Trạch đã hoàn thành kiểm kê 100% (792/792 hộ). Ngày 24/12/2023 đã phê duyệt phương án bồi thường đợt 1 với 512 hộ (diện tích 39,3ha) tương ứng số tiền là 508 tỷ đồng. Ngày 8/1 sắp tới đây, sẽ bắt đầu mời các hộ dân để chi trả tiền bồi thường.

Bà Nguyễn Thị Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - nhìn nhận vừa rồi vấn đề GPMB ở tỉnh Đồng Nai có chậm. Nguyên nhân là do phần định giá đất bồi thường bị chậm. Đến thời điểm này, giá đất bồi thường dự án đã được phê duyệt xong, các công tác còn lại đang được huyện Nhơn Trạch đang nỗ lực để thực hiện.

Hơn 500 tỷ đồng bồi thường mặt bằng dự án vành đai 3 qua Đồng Nai ảnh 2

Bà Nguyễn Thị Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - phát biểu tại buổi làm việc.

“Huyện Nhơn Trạch cam kết đợt phê duyệt đầu tiên trong tháng 1 này sẽ chi trả xong và cũng trong tháng 1 sẽ tiếp tục phê duyệt tiếp đợt 2 với hơn 100 trường hợp chưa xác định được nguồn gốc đất,… Khi chi trả xong, chúng tôi sẽ bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án, đảm bảo kịp tiến độ so với các địa phương”- bà Hoàng cho biết.

Chia sẻ về vấn đề nguồn vật liệu cho dự án, ông Lê Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Ban Giao thông TPHCM, chủ đầu tư dự án Vành đai 3 đoạn qua TPHCM - cho biết, hiện nay nguồn cát đắp nền đường phục vụ dự án vẫn đang bị thiếu. Nhu cầu cát đắp nền đường cho toàn dự án vào khoảng 9,3 triệu m3, trong năm 2024 cần khoảng 5,5 triệu m3. Tuy nhiên, đến nay khi các dự án cao tốc triển khai đồng thời, nguồn cung cấp cát gặp nhiều khó khăn, không đáp ứng được yêu cầu, đa số các dự án đã khởi công tuy nhiên vẫn chưa xác định đủ nguồn vật liệu xây dựng.

Ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - cho biết, thời gian qua, các dự án thành phần trên địa bàn TPHCM đã triển khai đúng tiến độ, Bên cạnh đó, thành phố đã có hơn 97% mặt bằng cho dự án Vành đai 3.

“Để đáp ứng nguồn cát đắp nền cho cao điểm năm 2024, TPHCM với vai trò là cơ quan điều phối của dự án sẽ cùng với Ban Quản lý dự án các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An sắp xếp làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Long về việc hỗ trợ nguồn cát” - ông Cường cho hay.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ghi nhận các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai dự án vành đai 3 TPHCM tích cực, có chuyển biến, đặc biệt trong công tác GPMB, vật liệu và tổ chức triển khai đấu thầu.

Hơn 500 tỷ đồng bồi thường mặt bằng dự án vành đai 3 qua Đồng Nai ảnh 3

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc.

Lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị lãnh đạo UBND TPHCM và các tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo, triển khai công việc và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ dự án.

“Chúng tôi vẫn còn rất lo phần GPMB ở tỉnh Đồng Nai. UBND tỉnh Đồng Nai cần chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng. Nếu không quyết liệt chúng ta lại lỡ mất mùa khô là mùa thi công” - Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nói.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.