Theo Ban kinh tế Trung ương tính đến hết tháng 6/2016, số người tham gia bảo hiểm y tế là 72,81 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 79% dân số. Đến tháng 6/2016 chỉ còn 1 địa phương có tỷ lệ bao phủ dưới 65% dân số (Bạc Liêu). Trong 9 tháng đầu năm 2016, đã có 38 địa phương bội chi quỹ với số tiền gần 6.000 tỷ đồng. Dự báo nếu không có điều chỉnh, Quỹ BHYT có nguy cơ mất cân đối sau năm 2018. Tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHYT tại các doanh nghiệp vẫn diễn ra khá phổ biến. Theo thống kê có trên 40% doanh nghiệp còn nợ đóng, trốn đóng BHYT nhưng chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm....
Trong khi đó, BHXH Việt Nam cho hay: Hiện, có khoảng 3 triệu người lao động trong các doanh nghiệp; 0,4 triệu người thuộc hộ gia đình cận nghèo và 3 triệu học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: Hiện nay chính sách BHYT ở nước ta vẫn chưa thu hút được người dân tham gia và có hiện tượng trục lợi BHYT. Sau 6 năm thực hiện luật BHYT, tỷ lệ đóng BHYT tăng 20%, tuy nhiên chủ yếu sử dụng từ ngân sách và tỷ lệ bao phủ theo vùng miền chưa đồng đều. Trong khi đó, công tác khám chữa bệnh còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến quyền lợi của người đóng BHYT....
Ông Ngô Đông Hải, Phó ban Kinh tế Trung ương cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách BHYT của nước ta vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết để đảm bảo phát triển bền vững. Chính sách BHYT là lý tưởng với mọi bệnh nhân, nhưng trên thực tế lại không đủ sức thu hút các đối tượng tham gia do người tham gia BHYT chưa hiểu hết được giá trị và quyền lợi của tấm thẻ BHYT; tính chia sẻ cộng đồng còn hạn chế. Trong công tác phát triển đối tượng, thực hiện việc mở rộng bao phủ, vẫn còn khoảng 20%, tương đương với gần 20 triệu người dân chưa tham gia BHYT, tập trung chủ yếu vào đối tượng người lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ; hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình và nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình..
Cũng theo ông Hải, tình trạng lạm dụng quỹ BHYT chưa được khắc phục triệt để; Chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT chưa tạo sự yên tâm với người có thẻ, đặc biệt là tại tuyến cơ sở. Công tác giám định, đánh giá việc chỉ định điều trị nhiều bất cập về nguồn nhân lực và năng lực của giám định viên. Công tác kiểm soát việc sử dụng dịch vụ từ chủ trương xã hội hóa chưa tốt. Gói dịch vụ y tế cơ bản do BHYT chi trả đang được nghiên cứu, nhưng chưa hoàn thành. Đó là những thách thức không nhỏ, cần có các giải pháp quyết liệt, tổng thể, toàn diện và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì mới có thể thực hiện được lộ trình BHYT toàn dân theo quy định của Luật BHYT.