Trương Dương - “kẻ hai mặt”
“Kẻ hai mặt” (lưỡng diện nhân) là cụm từ được sử dụng nhiều nhất, xuất hiện lần đầu hôm 28/11 trên trang web chính thức của tờ “Giải phóng quân báo” trong bài bình luận ký tên “Quân Chính Bình” nhan đề “Tự sát trốn tội xấu xa, chống tham nhũng vẫn tiếp tục”, nhấn mạnh hành động tự sát trốn tội của Trương Dương là “nhục nhã” và gọi ông là “kẻ hai mặt điển hình”. Hôm sau, Bắc Kinh Nhật báo có bài “Trương Dương là người như thế nào?”, phân tích hành vi của “kẻ hai mặt điển hình”.
Bài báo dẫn lời đánh giá của “Giải phóng quân báo”: “Trương Dương là cán bộ cao cấp của đảng và quân đội, đánh mất niềm tin lý tưởng, nguyên tắc đảng, mất tôn trọng kỷ luật, pháp luật, đánh mất ranh giới đạo đức, trên bục dưới bục biểu hiện khác nhau, phía trước phía sau có hai bộ mặt, miệng hô trung thành, hành động tham nhũng, là kẻ hai mặt điển hình”. Bài báo khẳng định: “Kẻ hai mặt là sự mô tả chuẩn xác nhất vấn đề nghiêm trọng của Trương Dương; vấn đề “hai mặt” thể hiện qua các việc:
Loại bỏ tàn dư độc hại của Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu. Trương Dương là Tổ trưởng Tổ lãnh đạo quán triệt thực hiện tinh thần Hội nghị công tác chính trị toàn quân Cổ Điền (10/2014); công tác trọng tâm của tổ này là loại bỏ tàn dư độc hại của Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu. Bài bình luận của Quân Chính Bình viết: điều tra Trương Dương là bộ phận hợp thành quan trọng của việc loại bỏ toàn diện tàn dư độc hại của Quách, Từ. Đáng chú ý, ngoài Trương Dương, một Tổ phó Tổ lãnh đạo quán triệt tinh thần Hội nghị Cổ Điền là Phó chủ nhiệm Tổng bộ Hậu cần Lưu Sinh Kiệt cũng bị bãi chức Ủy viên Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Quân ủy. Trước khi bị “gặp gỡ trò chuyện”, tư liệu công khai cho thấy Trương Dương đã 13 lần đăng đàn phê phán Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng; lần đầu tiên vào tháng 9/2014, lần cuối cùng vào ngày 20/1/2017.
Đưa hối lộ. Trương Dương vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng, có dấu hiệu phạm các tội đưa hối lộ, nhận hối lộ và có tài sản cực lớn không thể giải trình. Không chỉ nhận hối lộ mà còn đưa hối lộ; là người lãnh đạo chủ chốt công tác chính trị toàn quân, vấn đề này của Dương khiến người ta kinh sợ. Trong thời gian Trương Dương bị “tổ chức gặp gỡ nói chuyện” luôn được ở lại nhà riêng. Thế nhưng, ông ta bất chấp sự ưu ái của tổ chức, dùng thủ đoạn tự sát để trốn tránh sự trừng phạt của kỷ luật đảng và pháp luật, đó là hành động rất xấu xa.
Trương Dương tự sát, ông ta sẽ bị xử lý thế nào là điều được dư luận đặc biệt quan tâm. Tờ Nhật bảo Kiểm sát hôm 29/11 đã đăng bài khẳng định: theo quy định pháp luật liên quan, nếu nghi phạm hoặc bị cáo chết, vụ án đang điều tra sẽ không bị khởi tố, người chết sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa, nhưng tang vật và những tài sản bị xác định là có được do vi phạm pháp luật sẽ bị tòa án truy thu. Trong 2 vụ án Từ Tài Hậu và Nhiệm Nhuận Hậu trước đây, trình tự truy thu các thu nhập, tài sản có được do phạm pháp đã được áp dụng.
Với Từ Tài Hậu, ngày 27/10/2014, Viện Kiểm sát Quân sự kết thúc việc điều tra, chuyển sang khởi tố bị cáo Từ Tài Hậu về tội nhận hối lộ; ngày 15/3/2015, Từ Tài Hậu bị chết tại bệnh viện vì chứng ung thư bàng quang, Viện Kiểm sát Quân sự ra quyết định không khởi tố, nhưng xử lý theo pháp luật các tài sản có được do nhận hối lộ.
Với Nhậm Nhậu Hậu - nguyên Phó tỉnh trưởng Sơn Tây, ngày 29/8/2014 Hậu bị điều tra, 1 tháng sau thì chết. 3 năm sau, ngày 21/6/2017, Viện Kiểm sát thành phố Dương Châu, Giang Tô ra văn bản đề nghị tịch thu những tài sản có được phi pháp trong thời gian giữ chức, bao gồm: nhận hối lộ 1,98 triệu NDT, tham ô 690 ngàn NDT, 12,09 triệu NDT không thể giải trình được và nhiều ngoại tệ, vật phẩm... Ngày 25/7, Tòa án thành phố Dương Châu đã ra phán quyết tịch thu số tài sản 12,95 triệu NDT và số ngoại tệ trị giá hơn 9,1 triệu NDT.
243 quan chức tự sát
Trước đây, hiện tượng quan chức Trung Quốc tự sát hiếm khi xảy ra, nhưng kể từ sau khi cuộc chiến chống tham nhũng trở nên quyết liệt, ngày càng có nhiều quan chức các cấp lựa chọn cách tự sát. Theo “Tân Kinh báo”, tính từ 2009 đến tháng 8/2016 đã có cả thảy 243 quan chức tự sát. Tuy các vụ tự sát ngoài nguyên nhân do tham nhũng còn có cả áp lực do trắc trở khi thăng tiến, bệnh tật và chuyện tình cảm, nhưng qua nghiên cứu phân tích thì tỷ lệ quan chức tự sát do vi phạm kỷ luật, pháp luật ngày càng gia tăng, nhất là sau khi Tổng bí thư Tập Cận Bình phát động cuộc chiến chống tham nhũng năm 2012.
Về phương thức tự sát, nhảy lầu và treo cổ là những cách được lựa chọn nhiều nhất; địa điểm thường là nơi làm việc, nhà riêng, khách sạn hoặc ra ngoại ô. Việc các quan chức phạm sai lầm, khuyết điểm lựa chọn cái chết thường gây nên xao động trong dư luận xã hội và bị coi là bị dồn đến đường cùng, phải “lấy chết tạ tội”. Qua điều tra thấy, ngoài một số quan chức biết rằng không thoát khỏi bị pháp luật trừng trị, ý chí kém nên tự tìm đến cái chết, nhưng cũng có một số dùng cái chết để bảo vệ những khoản thu nhập phi pháp, chết để người thân được sống sung túc; một số khá nhiều khác chết để thực thi cam kết lợi ích nhóm, đó là kiểu “thí tốt giữ xe”.