Trung Quốc: Tự sát trong quá trình điều tra vẫn bị xử lý về mặt đảng

Ảnh: Tân Hoa xã
Ảnh: Tân Hoa xã
TPO - Nhiều quan chức tham nhũng của Trung Quốc đã chọn cái chết để tránh bị trừng phạt. Tuy nhiên, mặc dù vậy những đối tượng này vẫn bị xử lý về mặt đảng sau đó.

Các tướng lĩnh quân đội Trung Quốc bị chết trong quá trình điều tra

Thượng tướng Trương Dương, nguyên Chủ nhiệm Bộ công tác chính trị Quân ủy trung ương Trung Quốc. Trương Dương là tướng duy nhất được cơ quan truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc xác nhận là tự sát trong quá trình điều tra.

Thượng tướng Từ Tài Hậu, nguyên là Phó chủ tịch quân ủy trung ương dưới thời Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào, đã bị điều tra năm 2014 và khai trừ đảng cùng năm. Tháng 3/2015, hãng tin Tân Hoa Xã xác nhận, trong quá trình bị điều tra, Từ Tài Hậu đã qua đời tại bệnh viện do bị ung thư bàng quang.

Trung tướng Mã Phát Tường, nguyên là Phó chính ủy Hải quân Trung Quốc, được cho là đã nhảy lầu tự tử tại tầng 15 tòa nhà số 10 khu Đông của một tòa nhà Hải quân. Mã Phát Tường là nhân vật số 2 trong lực lượng hải quân Trung Quốc, chuyên phụ trách mảng công tác giáo dục và chính trị tư tưởng của lực lượng hải quân. Mã Phát Tường được cho là có mối quan hệ với vụ án Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng.

Thiếu tướng Khương Trung Hoa, được cho là đã nhảy lầu tự sát tại một khách sạn cao tầng ở thành phố Châu Sơn, tỉnh Chiết Giang vào ngày 2/9/2014. Khương Trung Hoa từng đảm nhận Cục trưởng Cục trang bị Hải quân Trung Quốc. Cái chết của Khương Trung Hoa vẫn chưa được làm rõ, tuy nhiên, nhiều phân tích cho rằng, Khương tự sát là do có mối quan hệ với Từ Tài Hậu.

Thiếu tướng Trần Kiệt, nguyên là thư ký của Châu Khắc Ngọc-chính ủy Tổng cục hậu cần quân giải phóng Trung Quốc. Sau đó được giao nhiệm vụ làm Chủ nhiệm Cục chính trị căn cứ Thâm Quyến thuộc Lực lượng quân đội Trung Quốc đóng tại Hồng Công. Trần Kiệt được cho là đã uống thuốc ngủ tự sát vào tháng 8/2016 sau khi đang bị các nhà chức trách quân đội Trung Quốc điều tra vì nghi tham nhũng.

Tự sát trong quá trình điều tra vẫn bị khai trừ đảng

Theo quy định "Điều lệ xử phạt kỷ luật Đảng Cộng sản Trung Quốc", đảng viên vi phạm kỷ luật bị chết trước khi tổ chức đảng đưa ra hình thức xử phạt, hoặc sau khi đảng viên đó chết lại phát hiện ra hành vi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, thì đảng viên đó nếu phải xử lý khai trừ khỏi đảng thì sẽ tiến hành khai trừ khỏi đảng.

Đối với những quan chức tự sát trong quá trình điều tra, nếu đã thú nhận một phần tội trạng, hoặc có những chứng cứ khác hình thành một loạt chứng cứ hoàn chỉnh, thì những tài sản hoặc lợi ích kinh tế được cho là có được do nhận hối lộ đều sẽ bị toàn án tịch thu. Sau đó đương sự tiếp tục bị xử lý về mặt đảng, cuối cùng có thể bị khai trừ khỏi đảng.

Trên thực tế, khi đương sự chết trong quá trình điều tra vẫn bị truy cứu trách nhiệm về mặt kỷ luật đảng. Ngày 3/6/2007, Chủ tịch Chính hiệp thành phố Thiên Tân (Trung Quốc) Tống Bình Thuận tự sát trong quá trình điều tra. Sau đó, Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quyết định và thông báo, sau khi được trung ương phê chuẩn, tiến hành khai trừ đảng đối với Tống Bình Thuận.

Ngoài ra, theo "Điều lệnh kỷ luật quân giải phóng nhân dân Trung Quốc", trong quá trình điều tra, khi tìm ra được bằng chứng xác thực chứng minh được quân nhân đó vi phạm kỷ luật, pháp luật, đơn vị của quân nhân đó có quyền quyết định tước quân tịch và quân hàm.

Tuy nhiên, việc đương sự tự sát đang trong quá trình điều tra, sẽ gây khó khăn rất lớn cho việc điều tra kết án. Bởi vì, những vụ án đưa và nhận hối lộ, nếu không có sự nhận tội của đương sự, tức là thuộc dạng thiếu những chứng cứ mang tính then chốt, điều đó dẫn tới việc phá án rất khó khăn.

Tuy nhiên, khi người đang bị điều tra đột nhiện chết vì bất kỳ lý do nào, không phải là không có biện pháp điều tra. Bởi cơ quan điều tra có thể tìm các chứng cứ thông qua các thư điện tử, tin nhắn, các tài khoản gửi ngân hàng của người đó. Đặc biệt, trong các vụ án tham nhũng hiện nay, thường có sự tham gia của người thân, tình nhân hoặc bạn bè. Đây chính là manh mối để cơ quan điều tra đột phá tiếp tục phá án.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.