Theo báo cáo của đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, biên chế giáo viên hiện nay được giao giảm 10%, khi tăng học sinh, tăng lớp, tăng trường dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên. Việc thừa/thiếu cục bộ chỉ xảy ra đối với các trường khi tăng lớp.
Thực tế hiện nay, biên chế giao cho các trường khối giáo dục thấp hơn so với biên chế định mức của ngành giáo dục. Để tháo gỡ khó khăn, thành phố Hà Nội đã giao chỉ tiêu hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy cho các trường tự chủ một phần chi thường xuyên.
Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, đáp ứng yêu cầu dạy học, ngoài tuyển dụng viên chức, Hà Nội đã cho ký hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy. |
Tuy nhiên do thu nhập thấp, áp lực công việc ngày càng cao, do nhu cầu cá nhân nên có khoảng 1.030 giáo viên đã xin thôi việc, chuyển công tác sang các trường ngoài công lập hoặc công việc khác.
Bên cạnh đó, việc tuyển giáo viên đối với các môn tích hợp ở bậc THCS (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ) còn gặp khó khăn do việc xác định số lượng cụ thể của từng bộ môn trong môn học đó.
Đối với môn Tin học, Ngoại ngữ (bậc Tiểu học) đặc biệt môn Tin học do chế độ đãi ngộ thấp nên không thu hút được sinh viên sau tốt nghiệp nộp hồ sơ dự tuyển. Do vậy, số lượng giáo viên được tuyển dụng ít, không đủ theo chỉ tiêu kế hoạch tuyển dụng đề ra ở hầu hết các trường Tiểu học trên địa bàn TP.
Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số cán bộ quản lý, giáo viên chưa đồng đều, năng lực còn hạn chế, thụ động, chưa đáp ứng kịp yêu cầu quản lý và dạy học, đổi mới căn bản, toàn diện theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Một số giáo viên kiêm nhiệm nhiều nên việc xây dựng kế hoạch của nhà trường, kế hoạch môn học còn gặp khó khăn nhất định.
Trình độ chuyên môn và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên còn có sự chênh lệch giữa các vùng, giữa khu vực nội thành và ngoại thành. Công tác quản lý ở một số trường còn bất cập, người đứng đầu chưa sâu sát, trách nhiệm chưa cao.
Một số ít giáo viên lớn tuổi còn tâm lý e ngại đổi mới trong phương pháp dạy học; khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của đội ngũ giáo viên chưa đồng đều nên việc triển khai ứng dụng mới trong dạy học còn hạn chế.
Tuyển dụng giáo viên hợp đồng
Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, đáp ứng yêu cầu dạy học, ngoài tuyển dụng viên chức, Hà Nội đã cho ký hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy.
Cụ thể, trong hai năm 2019, 2020, UBND TP chỉ đạo tổ chức các kỳ tuyển dụng viên chức giáo viên đối với 30 quận, huyện, thị xã.
Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc tuyển dụng viên chức giáo viên tạm dừng. Năm 2022, thực hiện phân cấp về quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức, UBND quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức giáo viên sau khi có ý kiến thẩm định của Sở Nội vụ về chỉ tiêu tuyển dụng và dự thảo kế hoạch tuyển dụng.
Trong đó, năm 2019, UBND Thành phố phê duyệt chỉ tiêu và ban hành kế hoạch tuyển dụng viên chức khối giáo dục với 10.949 chỉ tiêu tuyển dụng viên chức giáo viên các trường mầm non, tiểu học và THCS thuộc UBND quận, huyện, thị xã. Qua 2 vòng thi theo đúng quy định, số giáo viên trúng tuyển là 8.345 người (đạt 76,22%).
Đến thời điểm UBND này, có 7/30 quận, huyện đã tổ chức thành công kỳ tuyển dụng viên chức giáo dục tại đơn vị. Các đơn vị khác đang rà soát số lượng giáo viên còn thiếu để đăng ký tuyển dụng theo yêu cầu.
Để giải quyết khó khăn thiếu giáo viên, trong thời gian vừa qua bảo đảm thực hiện chủ trương “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp”, trong khi chưa kịp sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, thành phố đã chỉ đạo rà soát số lượng giáo viên còn thiếu để giao chỉ tiêu ký hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị.
Theo đó, năm 2021, thành phố giao 3.029 chỉ tiêu; năm 2022 giao 4.200 chỉ tiêu hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy cho các trường mầm non, phổ thông công lập.