Báo cáo của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã chỉ rõ, “phần lớn trẻ em bị bắt cóc hoặc bị ép buộc phải tham gia các nhóm vũ trang. Số khác đồng ý gia nhập vì tiền, đôi khi, chỉ cần cho lũ trẻ đồ ăn và quần áo”.
Có những trường hợp, lũ trẻ được dụ dỗ cầm vũ khí để bảo vệ người thân và cộng đồng hoặc để trả thù. Bé nhất trong số này mới chỉ 8 tuổi.
“Nhiều trong số những đứa trẻ này đã trải qua những cảnh giết chóc, những vụ tàn sát mà ngay cả người lớn cũng không nên xem”, đại diện
Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cho biết. Và khi rời bỏ các nhóm vũ trang, những đứa trẻ này có nguy cơ bị chính cộng đồng của mình sợ hãi, xa lánh.
Được biết, “sự kỳ thị trẻ em từng là binh lính cho các nhóm vũ trang” hiện là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các tổ chức phi chính phủ tại Cộng hòa Trung Phi, Sudan và Mali.
Năm 2013, cụm từ trên đã được đưa vào danh sách “những điều đáng xấu hổ” mà Liên Hợp Quốc dành cho những nơi sử dụng trẻ em làm binh lính.
Kể từ sau cuộc đảo chính quân sự, lật đổ Tổng thống Francois Bozize vào tháng 3/2013, liên minh nổi dậy Seleka đã nắm quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ Cộng hòa Trung Phi. Cả đất nước luôn chìm trong bạo lực sắc tộc, các cuộc đụng độ vũ trang.
Theo Cao ủy của Liên Hợp Quốc về người tị nạn, khoảng 850 ngàn người, 1/5 dân số nước này đã phải chạy trốn sang các quốc gia khác vì bạo lực. Những rối loạn và sự bất lực của chính quyền đang khiến cho các băng nhóm vũ trang có cơ hội phát triển mạnh.