Đó là chia sẻ ông Lê Thanh Đạo, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư thứ 2 T.Ư Đoàn, nguyên Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư khóa I, nhân dịp Đội TNTP Hồ Chí Minh tròn 80 mùa hoa (15/5/1941 - 15/5/2021).
Sự ra đời Ðại hội Cháu ngoan Bác Hồ
Nhớ về những ngày đầu đảm nhận trọng trách là Chủ tịch Hội đồng Đội đầu tiên, ông Lê Thanh Đạo cho biết, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IV đã xác định nhiệm vụ quan trọng: “Toàn Đoàn chăm sóc giáo dục thiếu niên nhi đồng; toàn Đoàn chăm lo xây dựng Đội”.
Cụ thể hoá nhiệm vụ đó, Đoàn Thanh niên thành lập Hội đồng phụ trách Đội T.Ư, phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh và Đội Nhi đồng Hồ Chí Minh, gọi tắt là “Hội đồng phụ trách Đội”. Khi đó ông Lê Thanh Đạo là Bí thư thứ hai T.Ư Đoàn được phân công đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Đội khóa I.
Sau khi Hội đồng Đội T.Ư và Hội đồng Đội các cấp được thành lập, công tác Đội và phong trào thiếu nhi có bước tiến mới với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Các phong trào lớn lần lượt ra đời như: Công tác Trần Quốc Toản, Kế hoạch nhỏ, Nghìn việc tốt,…
Ông Đạo nhớ lại: “Sau khi Hội đồng phụ trách Đội được thành lập, những người làm công tác thiếu nhi chúng tôi thời ấy đã nghĩ ngay đến việc cần phải có dịp sinh hoạt tập trung cho thiếu nhi cả nước và vinh danh những em có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện, là tấm gương tuổi nhỏ xứng đáng cháu ngoan Bác Hồ. Ý tưởng tổ chức Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ ra đời từ đó”.
Kỳ Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc đầu tiên được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, từ ngày 20- 26/8/1981, với sự tham gia của 408 đại biểu, trong đó có 305 cháu ngoan Bác Hồ và 68 anh chị phụ trách Đội các cấp đại diện cho hơn 2 triệu thiếu nhi cả nước.
“Đại hội diễn ra trong 6 ngày đầy cảm xúc. Các em có chung lời hứa sẽ vâng lời Bác dạy, học giỏi chăm ngoan để cùng nhau xây dựng đất nước. Quả thật, sau này nhiều em đã trở thành tấm gương sáng ngời, được cử ra nước ngoài học tập rồi về nước cống hiến. Có em trưởng thành là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước hoặc là những nhà khoa học, doanh nhân giỏi”, ông Đạo chia sẻ.
Những công trình mang dấu ấn thiếu nhi
Kế thừa thành công của các phong trào trước đó, Hội đồng Đội tiếp tục tham mưu cho Đoàn, tổ chức nhiều phong trào ý nghĩa gắn với các sự kiện trọng đại của đất nước. Bằng kết quả lao động Kế hoạch nhỏ, thiếu nhi cả nước đã cùng nhau xây dựng nhiều công trình phúc lợi xã hội, như: Nhà máy nhựa Thiếu niên Tiền phong, Đoàn tàu Thống Nhất,…
“Chúng ta đã gặt hái được những thành công trong công tác giáo dục thiếu nhi “Tuổi nhỏ làm vệc nhỏ”. Nhưng ngày hôm nay, tôi thấy rằng tuổi nhỏ các em đã làm được những việc lớn. Các em đã đưa lá cờ Tổ quốc lên vị trí cao nhất tại các đấu trường học thuật quốc tế. Tôi cũng hạnh phúc khi ngày càng có nhiều thiếu nhi được vinh danh ở các giải thưởng lớn như Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu”.
Ông Lê Thanh Đạo, nguyên Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư khóa I
Một trong những công trình đáng nhớ nhất là xây dựng tượng đài Kim Đồng tại Cao Bằng. Ông Lê Thanh Đạo kể, khi đề xuất ý tưởng, Đội được T.Ư Đoàn và tỉnh Cao Bằng rất quan tâm, ủng hộ. Cán bộ, giảng viên, sinh viên các trường Đại học Kiến trúc, Xây dựng, Mỹ thuật tình nguyện gửi tặng phác thảo và thiết kế. Ngày đó kinh tế còn khó khăn, bên cạnh tiêu chí phác họa rõ nét hình tượng anh Kim Đồng, đảm bảo tính mỹ thuật thì tiêu chí “tiết kiệm” cũng được đặc biệt quan tâm.
Tượng cao gần mười mét nên phải làm nhiều phần, sau đó vận chuyển lên tỉnh Cao Bằng nối lại. Tượng mô tả hình ảnh lúc anh hùng liệt sĩ Kim Đồng bị giặc bắn, chân phải khuỵu xuống, dáng đứng hơi nghiêng, mắt nhìn lên, tay trái đang nâng một chú chim bồ câu.
Hình ảnh đó thể hiện tinh thần bất khuất, kiên cường và khát vọng hoà bình, tự do cho dân tộc của người anh hùng tuổi nhỏ chí lớn. Đường lên tượng anh Kim Đồng có 14 bậc đá, xung quanh trồng 14 cây phi lao. Con số 14 biểu trưng cho số tuổi xuân của anh hùng liệt sĩ Kim Đồng.
Sau hơn một năm xây dựng, ngày 15/5/1986, tượng đài anh hùng Kim Đồng được khánh thành. “Ngày hôm đó trở thành ngày hội của đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Đồng bào đến dự rất đông, đội viên Đội TNTP Hồ Chí Minh đeo khăn quàng ngay ngắn tưởng nhớ và thể hiện tinh thần quyết tâm noi gương người Đội trưởng đầu tiên”, ông Đạo bồi hồi nhớ lại.
Ông Lê Thanh Đạo cho rằng, muốn thúc đẩy công tác Đội, phong trào thiếu nhi phát triển, trước hết cần phải thấu hiểu tâm tư và đáp ứng nguyện vọng của các em trên tinh thần tôn trọng những chủ nhân tương lai của đất nước. Từ đó, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, đem lại hiệu quả thiết thực, giá trị lâu dài.