Hội nghị G-20: Buenos Aires nóng lên từng giờ

USS Stockdale, con tàu vừa đi ngang qua eo biển Đài Loan Ảnh: navysite.de
USS Stockdale, con tàu vừa đi ngang qua eo biển Đài Loan Ảnh: navysite.de
TP - Hôm nay, hội nghị thượng đỉnh G-20 khai mạc tại Argentina. Là diễn đàn kinh tế của 19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất  và EU, dĩ nhiên các vấn đề kinh tế sẽ là chủ đề chính  của hội nghị. Nhưng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, cuộc đối đầu Nga-Mỹ về một loạt các vấn đề mới là tâm điểm chú ý.

Điều chắc chắn là cả thế giới sẽ đổ dồn sự chú ý vào nhất cử nhất động của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại G-20, cho dù chưa ai dám chắc các cuộc gặp cấp cao sẽ mang lại kết quả gì.

Hôm qua, hãng tin Nga RIA Novosti dẫn lời trợ lý tổng thống Nga, ông Yuri Ushakov nói Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Nga Putin sẽ gặp nhau bên lề hội nghị G-20 tại thủ đô Buenos Aires của Argentina. Cuộc gặp sẽ diễn ra lúc 9h30 (theo giờ Mỹ) và kéo dài trong hai giờ.

Hai nhà lãnh đạo dự kiến trao đổi về nhiều vấn đề song phương, bao gồm “các cách thức bình thường hóa quan hệ” hai nước, ông Ushakov nói.

Theo CNN, Nhà Trắng chưa xác nhận công khai về cuộc gặp này. Nhưng trong một cuộc trả lời phỏng vấn hôm 27/11, ông Trump nói ông có thể hủy cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga, tùy thuộc vào kết quả “báo cáo toàn diện” về sự kiện cuộc đụng độ trên biển Azov giữa Ukraine và Nga.

Nếu diễn ra, đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa ông Trump và ông Putin  kể từ cuộc gặp riêng kéo dài hơn hai giờ ở Phần Lan hồi tháng 7/2018  chỉ có hiện diện của hai ông cùng các phiên dịch.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nói với các phóng viên rằng, nếu lãnh đạo Nga, Mỹ gặp gỡ, ông Trump sẽ thảo luận về an ninh, kiểm soát vũ khí và các vấn đề khu vực với ông Putin. “Tôi nghĩ đó sẽ là các thảo luận tiếp theo những gì được đề cập trong cuộc gặp tại Helsinki - Phần Lan”, ông Bolton nói. Ông không xác nhận liệu tình hình ở Ukraine có được mang ra bàn thảo hay không.

Sau khi xảy ra sự kiện tuần duyên Nga nổ súng và bắt giữ ba tàu hải quân Ukraine cùng thủy thủ đoàn hôm 25/11, hơn 24 giờ sau ông Trump mới đưa ra lời bình luận. Trả lời câu hỏi của các phóng viên, ông nói ông “không vui về chuyện đó chút nào”.

Liên quan đến vấn đề Ukraine, hôm qua, hãng tin Nga Interfax dẫn một nguồn tin an ninh nói Nga đã lên kế hoạch xây dựng một trạm radar cảnh báo sớm tên lửa mới ở bán đảo Crimea vào năm tới. Hệ thống, có khả năng phát hiện tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình từ xa, sẽ được xây dựng gần quân cảng Sevastopol, nơi hạm đội Biển Đen của Nga đang trú đóng.

Interfax cũng đưa tin thêm rằng, Nga đang xúc tiến xây dựng một hệ thống kỹ thuật mới cho phép họ kiểm soát việc đi lại của tàu bè xung quanh bán đảo Crimea. Cuối năm nay, Kremlin cũng cho triển khai thêm một tiểu đoàn phòng không sử dụng hệ thống tên lửa S-400 tiên tiến.

Trung Quốc hy vọng “kết quả lạc quan” tại G-20

Bộ Thương mại Trung Quốc hôm qua cho biết, Bắc Kinh hy vọng vào một kết quả “tích cực” trong việc giải quyết tranh chấp thương mại với Mỹ tại hội nghị G-20. Cũng theo kế hoạch, ông Donald Trump và ông Tập sẽ gặp nhau bên lề G-20 tại Buenos Aires vào thứ Bảy 1/12 này.

Khi được hỏi liệu Trung Quốc có tìm cách ngăn chặn Mỹ áp thêm thuế tại cuộc gặp cấp cao, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nói các đội chuyên viên kinh tế của đôi bên đã giữ liên lạc để thực thi “sự đồng thuận” đạt được trong cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Tập mới đây.

“Tôi hy vọng Mỹ và Trung Quốc có thể tiến về phía nhau, đạt được kết quả tích cực trong cuộc gặp tới đây”, ông Cao nói với Reuters.

Mặc dù vậy, ngay trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung, có tin nói hai tàu chiến Mỹ vừa đi ngang qua eo biển Đài Loan và đây là lần thứ ba trong năm, hải quân Mỹ phái tàu tới khu vực đầy nhạy cảm trong quan hệ Washington-Bắc Kinh.

Theo SCMP, giới chức quân sự Đài Loan đã xác nhận thông tin này.  Bộ Quốc phòng Mỹ cũng lên tiếng xác nhận sự việc, theo một email từ trung tá Christopher Logan, rằng tàu khu trục trang bị tên lửa hành trình USS Stockdale, và tàu hậu cần USNS Pecos “ đã tiến hành quá cảnh eo biển Đài Loan như thường lệ vào ngày 28/11, tuân thủ luật pháp quốc tế”.

“Các con tàu quá cảnh eo biển Đài Loan để chứng minh cam kết của Mỹ về một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở”, ông Logan viết. “Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động trên các vùng biển, vùng trời ở bất cứ đâu luật pháp quốc tế cho phép”.

Hồi tháng 7 và tháng 10/2018, Mỹ cũng đã phái tàu chiến thực hiện hải trình tương tự để ủng hộ Đài Loan, vùng lãnh thổ Trung Quốc luôn coi là một tỉnh ly khai của mình và nhiều lần bày tỏ ý định sẽ hành động bằng vũ lực, đưa hòn đảo này trở lại trong vòng kiểm soát và quản lý của Đại lục.

Chưa rõ ngoài các vấn đề thương mại, ông Trump và ông Tập có bàn thảo về Đài Loan bên lề Hội nghị G-20 hay không.

MỚI - NÓNG