Châu Âu khó xử trước căng thẳng Nga-Ukraine

Tàu quét mìn Phó đô đốc Zakharin của hải quân Nga được nói là đang được triển khai tới biển Azov
Tàu quét mìn Phó đô đốc Zakharin của hải quân Nga được nói là đang được triển khai tới biển Azov
TP - Đụng độ giữa Moscow và Kiev đã đặt châu Âu vào thế khó xử khi không muốn làm căng với Nga nhưng cũng không thể không thể hiện thái độ gì.

Hôm qua, Nga tuyên bố lên kế hoạch triển khai thêm các hệ thống phòng không tiên tiến S-400 tới Crimea trong lúc căng thẳng với Ukraine gia tăng sau khi Moscow bắt giữ ba tàu hải quân của Kiev cùng thủy thủ đoàn hôm chủ nhật vừa qua.

Châu Âu khó xử trước căng thẳng Nga-Ukraine ảnh 1 Hệ thống phòng không S-400 tối tân của Nga

Phóng viên hãng tin Reuters nói hôm qua trông thấy tàu quét mìn Phó đô đốc Zakharin của hải quân Nga hướng tới vùng biển Azov, do cả Ukraine và Nga kiểm soát, nơi đang là tâm điểm căng thẳng giữa đôi bên.

Ukraine đã áp dụng thiết quân luật ở một số vùng trong lãnh thổ sau khi Nga bắt giữ tàu hải quân của họ.

Các hãng tin Nga dẫn lời ông Vadim Astafyev, phát ngôn viên quân khu phía nam của Nga nói một tiểu đoàn tên lửa S-400 sẽ sớm được triển khai tới Crimea và sẽ tham gia trực chiến từ thời điểm cuối năm nay.

Việc triển khai tên lửa có vẻ như đã được lên kế hoạch từ lâu, nhưng thời điểm thông báo rất nhạy cảm này cũng giúp Nga gửi thông điệp tới Ukraine và phương Tây rằng Nga rất nghiêm túc trong việc bảo vệ những gì họ coi là chủ quyền của mình.

Theo tin của Reuters, tại bán đảo Crimea đã có ba tiểu đoàn phòng không của Nga đồn trú, có tầm kiểm soát 400km, cho phép quân đội Nga khống chế một vùng rộng lớn trên bầu trời biển Đen. Thêm một tiểu đoàn phòng không nữa được triển khai, Nga sẽ có khả năng kiểm soát một vùng không phận lớn hơn nữa.

Hôm thứ Ba, một tòa án ở Simferopol, thủ phủ của Crimea ra lệnh bắt giam 15 thủy thủ Ukraine trong 2 tháng chờ xét xử.

Các thủy thủ Ukraine  có thể phải đối mặt với bản án 6 năm tù giam nếu bị khép tội xâm nhập biên giới trái phép trong khi không báo trước, không tuân thủ mệnh lệnh của tuần duyên Nga.

Trong khi đó, hãng tin Sputnik nói máy bay trinh sát của nước ngoài đã tăng cường  hoạt động thời gian gần đây ở khu vực gần biên giới Nga, đặc biệt là tại khu vực Crimea và vùng lãnh thổ Krasnodar.

Sputnik dẫn trang web chuyên theo dõi hoạt động của máy bay Planeradar nói một chiếc máy bay do thám Boeing P-8 Poseidon do Mỹ phát triển cho hải quân đã tiến hành bay trinh sát trên khu vực eo biển Kerch và vùng Crimea, nơi xảy ra đụng độ hải quân giữa Nga và Ukraine.

Chiếc máy bay này mang số hiệu 168848 được xác định thuộc Hải quân Mỹ. Nó tiếp cận vùng bờ biển của bán đảo Crimea ở khoảng cách 31 km.

Bộ Quốc phòng Nga nhiều lần kêu gọi Washington dừng các chuyến bay tương tự, nhưng phía Mỹ từ chối.

Châu Âu rơi vào thế khó

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã đưa nhiều quốc gia châu Âu vào thế khó xử.  Trong khi Áo đang cân nhắc áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga thì tại một cuộc gặp kín của Ủy ban An ninh và Chính trị của Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels hôm thứ Ba vừa rồi, các nhà ngoại giao Pháp và Đức đã lên tiếng phản đối việc tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga, theo tường thuật của tờ Die Welt.

 Đại diện hai nước chủ chốt trong EU nói phải đẩy mạnh các biện pháp xây dựng lòng tin không bao gồm trừng phạt. Đức và Pháp muốn tiếp tục các nỗ lực ngoại giao trong khuôn khổ của An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), cơ chế có thể đóng vai trò chủ chốt trong việc hạ nhiệt căng thẳng trên eo biển Kerch.

Karin Kneissl, ngoại trưởng Áo, nước đang giữ vị trí chủ tịch luân phiên của EU, trước đó nói rằng khối này sẽ cân nhắc các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga, “tùy thuộc vào bước đi tiếp theo của các bên”. Hồi đầu tuần, ngoại trưởng Đức Heiko Mass đề xuất rằng Đức và Pháp sẽ đứng ra làm trung gian hòa giải cuộc khủng hoảng mới nhất giữa Nga và Ukraine, trong khi Kiev đang kêu gọi hỗ trợ quân sự từ các đồng minh phương Tây.

Hôm thứ Hai, bảy thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ bỏ phiếu bác bỏ chương trình nghị sự Nga đưa ra yêu cầu họp khẩn.Nga, Trung Quốc, Kazakhstan và Bolivia bỏ phiếu thuận, trong khi bốn nước còn lại trong hội đồng không bỏ phiếu.

Điện Kremlin nói hôm qua rằng phía Mỹ chưa hề thông báo sẽ hủy bỏ cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh G-20 như một số đồn đoán và rằng cuộc gặp vẫn đang được chuẩn bị.

Theo Reuters, hôm thứ Ba, ông Trump nói có thể hủy cuộc gặp sau khi Nga bắt giữ tàu của Ukraine. Tuy nhiên ông nói vẫn còn chờ “báo cáo đầy đủ” từ đội cố vấn an ninh về sự kiện này. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng Nga đã biết về bình luận của ông Trump, nhưng kế hoạch về cuộc gặp giữa đôi bên đã được phê chuẩn và đang được chuẩn bị.

MỚI - NÓNG