Hồi hướng thú hoang

Hồi hướng thú hoang
TP - Tinh thần đạo Phật đang âm thầm đánh thức hành động tạo nghiệp thiện trong không ít fan cuồng thịt thú hoang. Bất luận là niệm Phật hay niệm kinh, hễ niệm xong, bạn tôi lại niệm kệ hồi hướng một lượt.

Hồi hướng là gom về, là đem công đức niệm Phật niệm kinh gom về một nơi. Gom về nơi nao? Gom về chỗ cầu sinh, về Tây Phương Cực Lạc. Cứ tích thêm một lần từ chối bữa tiệc thú hoang, anh thêm một lần hy vọng vãng sinh. Có lần ngoảnh mặt cảnh cắt cổ một con khỉ mà quên hồi hướng, anh sợ đời sau chỉ được hưởng báo ứng trong cõi trời, cõi người; sợ cứ mãi luân hồi trong lục đạo, chẳng được giải thoát.

Cứ tưởng không ăn thú hoang là đã có phước báo, song Phật dạy như thế là chưa đủ. Không giải cứu chúng, càng dễ tạo tội, kiếp kế tiếp càng đáng sợ hơn. Một lần, anh mua một con chồn mướp ở Hậu Giang nặng gần cân hết triệu đồng. Nhà hàng thấy ý định của anh nên chỉ lấy giá ấy. Hôm sau, chủ nhà khoe bắt được nó ở ngoài vườn và cho nó hoá kiếp. Hoá ra, đấy là chồn nuôi.

Có hai chuyện cần bàn. Thứ nhất, giải cứu thú hoang không có nghĩa lập tức thả chúng, kể cả khi chúng hoang dã thực sự. Thú hoang thường không sống nổi nếu được cho về chỗ vốn không phải là “nơi chôn rau cắt rốn” của chúng. Đấy là chưa kể chúng có thể bị thương hoặc nhiễm bệnh lúc bị bắt và vận chuyển. Một trung tâm cứu hộ chuyên nghiệp có lẽ là điểm đến cho những ai thực sự muốn bảo vệ phần còn lại cuộc sống của những con thú hoang bị thương, mồ côi hoặc mắc bệnh.

Thứ hai, để ngăn chặn buôn bán và tiêu thụ thú hoang, kế bền vững hơn cả có lẽ là đánh thức lòng trắc ẩn. Khổng Tử từng nói: “Dùng hình phạt để quản lý có thể giảm phạm pháp nhưng người phạm pháp không biết xấu hổ”. Kiên trì dùng đạo đức và lễ nghĩa, ta chẳng những dần “hiểu được thế nào là nhục nhã khi phạm tội mà còn cam tâm tình nguyện sửa chữa sai lầm từ tận gốc tư tưởng”. Đành rằng về lý luận, ta không phủ nhận vai trò quyết định của vật chất đối với ý thức, không phủ nhận sức mạnh nhà nước. Song khi tình hình cứ tệ mãi, sao không thử xuất chiêu tinh thần để trị cái ham muốn vật chất dai dẳng kia mà thế giới gần đây dành cho chúng ta điểm rất thấp về đạo đức.

Với mong muốn về Tây Phương Cực Lạc chứ chẳng cầu công danh phú quý, bạn tôi hồi hướng để cứu độ hết thảy, để chúng sinh, thú hoang thoát ly khổ hải. Tạm gác sang một bên tranh luận Tây Phương Cực Lạc có thực hay không, cái cốt lõi là nó có thể giúp ta gieo một hành vi tử tế. Tử tế với thú hoang là tử tế với chính mình. Hãy phát khởi tấm lòng để trên cầu Phật quả, dưới độ chúng sinh.     

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.