“Hội đũa” và ước mơ của những người chân ngắn

“Hội đũa” và ước mơ của những người chân ngắn
TP- Nhiều miền đất trên suốt dải miền Trung này đã in dấu chân nhỏ bé của họ. Ba lô trên vai, họ rong ruổi trên khắp các ngả đường, gõ cửa từng ngôi nhà để chào bán những sản phẩm tự tay mình làm ra.

Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu đó không phải là những người lùn khuyết tật với nỗ lực vượt qua khiếm khuyết của bản thân để bươn chải với đời.

“Hội đũa” và ước mơ của những người chân ngắn ảnh 1
Rong ruổi khắp nơi để mưu sinh 

Hội viên hội... đũa!

Những cơn mưa tầm tã đổ xuống xứ Huế khiến người người đều chán nản, bước vội. Không mấy ai để ý đã hai tuần nay luôn có một “phường buôn” vẫn nhẫn nại bước từng bước chân, đội mưa đi chào bán những sản phẩm mưu sinh.

Đây không phải là lần đầu tiên họ đến Huế và Huế cũng không phải là nơi duy nhất họ đặt hy vọng kiếm thêm thu nhập từ chính công việc của bản thân. 

Trĩu nặng trong chiếc ba lô là hàng chục bó đũa còn thơm mùi gỗ mới. Chiếc ba lô to lớn như muốn đè nặng lên đôi chân lũn cũn, tấm thân yếu ớt vốn đã thiếu khả năng lao động. Với những người lùn khuyết tật, đũa không chỉ là sản phẩm để mưu sinh mà nó đã trở thành thứ “linh vật” gắn kết những mảnh đời bất hạnh bên nhau.

“Trời sinh mình không cho sức vóc như người đời nên làm chi cũng khó, đã nghèo rồi còn thui thủi một mình. Từ khi vào “hội đũa” với mấy anh chị em đây, tui vui lắm!”- anh Vinh, một người lùn khuyết tật tâm sự.

Cũng như anh Vinh, chị Thủy, anh Quang, anh Quỳ đều là những người có chiều cao không quá một mét. Họ xuất thân trong những gia đình nông dân nghèo từ các làng quê xứ Nghệ.

Số tiền trợ cấp không quá 100.000 đồng đồng/1 tháng không đủ cho mấy anh chị bám trụ tại vùng đất khô cằn, nắng cháy này. Họ muốn làm một việc gì mong thoát khỏi cảnh túng thiếu, trút bỏ phần nào gánh nặng cho người thân. Và “hội đũa” ra đời trong hoàn cảnh như thế. 

“Hội đũa” có khoảng hơn chục người. Trong khi một nhóm ở nhà vót đũa thì một nhóm khác mang sản phẩm ra các tỉnh khác bán. Khi nhu cầu thị trường tăng cao, số đũa làm thủ công không đủ cung cấp, họ đã liên hệ với những cơ sở sản xuất đũa khác để nhận thêm hàng về bán, tạo thêm công ăn việc làm.

“Mỗi người bọn tui như chiếc đũa, đứng một mình thì lẻ loi yếu ớt nhưng chụm nhau lại thì được một bó đũa chắc chắn lắm nghe!”-Siết chặt bó đũa trong tay anh Quang nói với chúng tôi bằng giọng ngọng nghịu nhưng đầy quả quyết.

Từ khi có “hội đũa”, cuộc sống của những người lùn khuyết tật dường như lật sang trang mới. Dù vẫn biết trước mắt còn có bao nhiêu vất vả họ chưa trải qua, bao nhiêu tủi cực họ chưa từng nếm trải, nhưng mắt họ luôn ánh lên niềm tin, những tia sáng của hy vọng tưởng chừng đã tắt từ lâu. Họ sát cánh bên nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi và dìu dắt nhau qua những chặng đời gian khó.

“Hội đũa” và ước mơ của những người chân ngắn ảnh 2
Quây quần bên nhau sau ngày làm việc mệt nhọc

Nước mắt đường đời

Rong ruổi mưu sinh với người bình thường đã khó, với những người có vóc dáng tí hon thì càng vất vả hơn. Mỗi bước chân của người bình thường cũng bằng ba bốn bước chân của họ. Thế nên trên chặng đường mưu sinh họ phải nỗ lực gấp ba bốn lần.

Họ rời gian nhà trọ chật hẹp từ sáng sớm và trở về khi trời đã nhá nhem tối. Bất kể mưa nắng, xa gần, từ con phố lớn cho đến những hang cùng ngõ hẻm đều in dấu chân của họ.

Vốn không quen đi xa, đi nhiều và thêm vào đó là tấm thân bé nhỏ nên họ gặp không ít khó khăn trong công việc. Vừa xoa dầu lên đôi chân, anh Quỳ vừa kể: “Ngày mô về tui cũng phải xoa dầu hết, nếu không mai không đi nổi. Nhất là hôm nào trở trời, cả đêm không ngủ nổi thậm chí mai phải ở nhà”.

Kiếm tiền hàng ngày vốn đã khó, nay trở về căn nhà tạm bợ họ cũng phải di chuyển một cách khó khăn chỉ vì đôi chân đã đi quá nhiều nay cần được nghỉ ngơi.  

Có buổi may mắn gặp được người hảo tâm hay các cơ quan đoàn thể mua với số lượng nhiều thì họ được về nghỉ sớm. Nhưng cũng có những buổi mưa dầm, bốn con người nhỏ bé ướt lướt thướt mà chẳng bán được bó đũa nào. Hoặc gặp phải những người đang trong cơn bực tức, không những không mua mà còn xua đuổi.

Bốn con người bé nhỏ vẫn nhẫn nại cất những bước chân mệt mỏi sang quán khác, nén những cơn giận, sự mặc cảm trong lòng để chào vị khách mới bằng nụ cười thân thiện. Đôi dép cũ mòn vẫn kiên trì theo mỗi bước chân để cõng những chiếc ba lô trĩu nặng trên vai. 

Chuyện lạc đường cũng xảy ra không ít lần. Thậm chí “hội đũa” trở thành nạn nhân của những trò đùa ác ý. Chị Thủy kể trong một lần đi bán ở Nha Trang gặp một đám thanh niên, chị hỏi đường về nhà.

Sau gần một tiếng đồng hồ đi bộ, chị và mấy người cùng hội ngớ người khi nghe người dân nói đường về phải đi theo hướng... ngược lại. Họ đành cắn răng lầm lũi bước trở ra dù trời đã tối, toàn thân đã mệt mỏi rã rời. Cũng có lúc họ bị đem ra giễu cợt khi bốn con người cao to cứ đi theo họ suốt một quãng dài để làm trò cười.

Thậm chí trong hẻm vắng, có kẻ mua sản phẩm của họ rồi bỏ chạy không trả tiền. Thua thiệt về sức vóc khiến họ đành phải đứng nhìn kẻ gian vừa chạy vừa ngoái đầu lại cười chế giễu...  

Vài phút nghỉ chân ngắn ngủi bên bờ sông Hương, chúng tôi nghe anh Quỳ tâm sự: “Nhiều người cũng hỏi bị thế này có Nhà nước lo chứ đi làm chi cho mệt? Nhưng tui với anh em đây không nghĩ vậy. Còn làm được thì cứ làm không dựa dẫm ai cả”.

Thoạt nhìn, họ rất vui vẻ, vô tư khi vừa đi, vừa hát hò trò chuyện. Nhưng ít ai biết được rằng, có biết bao lần bốn con người nhìn nhau mà không khỏi thương cho mình, cho bạn. Không biết bao đêm anh Vinh, anh Quang, anh Quỳ phải động viên, an ủi chị Thủy khi đôi mắt đã ngấn lệ.

Ước mơ xa xôi

“Đợt này đáng lẽ mấy anh chị ở Huế một tháng nhưng phải về sớm để ăn cưới đứa cháu”- nói rồi, chị Thủy chợt im lặng. Được biết trong bốn anh chị thì chỉ mỗt anh Quỳ là may mắn có một mái ấm riêng. Sẽ không có gì hạnh phúc hơn khi đi xa về được vợ con chào đón đầu làng, bố mang trong ba lô ra những món quà nơi xứ lạ để cho vợ, cho con. Nhưng trên thực tế đó chỉ là mơ ước.

 "Mỗi người bọn tui như chiếc đũa, đứng một mình thì lẻ loi yếu ớt nhưng chụm nhau lại thì được một bó đũa chắc chắn lắm nghe!" - Siết chặt bó đũa trong tay anh Quang nói với chúng tôi bằng giọng ngọng nghịu nhưng đầy quả quyết.

“Con người nhỏ bé nên ước mơ cũng nhỏ bé thôi!”- Anh Vinh đùa hóm hỉnh rồi chợt hạ giọng: “Có một gia đình, một người bạn đời, một đứa trẻ...” Điều tưởng đã trở thành quy luật với những người bình thường thì với những người lùn khuyết tật vẫn là một mơ ước xa xôi.

Họ tuy đã ngoại ngũ tuần nhưng việc lập gia đình nghe còn vời vợi. Hai người con của anh Quỳ được xem như là con chung. Họ vui cho bạn mình, vun đắp cho con bạn như chính niềm hạnh phúc của bản thân khi không còn trẻ. Vừa nói chuyện với chúng tôi, chị Thủy vừa xếp lại bộ áo quần vừa mua để làm quà cho “con” trong ngày về.

Họ thực sự như những thành viên trong một gia đình, thương yêu đùm bọc nhau như ruột rà. “Hội đũa” chính là căn nhà của họ. Rồi đây khi tuổi xế chiều, những “chiếc đũa” vẫn nương tựa vào nhau, “bó đũa” vẫn vững chãi vượt qua những sóng gió trong cuộc đời...

MỚI - NÓNG