Hội đồng Y khoa quốc gia, mô hình tổ chức ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng Y khoa Quốc gia để thực hiện việc đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề. Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn về mô hình, tổ chức của Hội đồng này.
Hội đồng Y khoa quốc gia, mô hình tổ chức ra sao? ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Giám đốc cũng không biết ai có trách nhiệm cao nhất

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 18, sáng 14/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra khi đã tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp cho dự thảo luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nếu dự thảo luật được đóng góp ý kiến tối đa và tiếp tục trình tại Kỳ họp bất thường sắp tới là tốt nhất. Nếu được thông qua, các văn bản hướng dẫn sẽ có hẳn thời gian một năm để xây dựng, ban hành.

Liên quan đến Điều 2 của dự thảo luật, quy định người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo Chủ tịch Quốc hội, quy định này sẽ khó thực hiện.

“Sau khi chúng ta thành lập hội đồng quản lý các bệnh viện, rất nhiều giám đốc, không biết ai là người đứng đầu, ai là người có trách nhiệm cao nhất đối với cơ sở khám, chữa bệnh”, Chủ tịch Quốc hội nói. Vậy người chịu trách nhiệm chuyên môn là giám đốc hay Chủ tịch Hội đồng quản lý, hay cả hai? Theo Chủ tịch Quốc hội, cần quy định rõ, không chung chung, khó triển khai thực hiện.

Về việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, phải quy định rõ địa vị pháp lý của Hội đồng Y khoa quốc gia, làm rõ mô hình, quy định về việc thành lập, ai thành lập…

Liên quan các điều kiện đảm bảo về tài chính, theo Chủ tịch Quốc hội, nội dung này nên quy định thuần túy về tự chủ tài chính, luật hóa một số quy định của Nghị định 60. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị rà soát lại Điều 118 dự thảo luật, nên quy định theo hướng tự chủ hoàn toàn về tài chính, tức là cả chi thường xuyên, chi đầu tư, chi thường xuyên thì được thực hiện các tự chủ khác về tổ chức bộ máy nhân sự theo quy định của pháp luật; đồng thời quy định thêm cơ quan nào đã tự chủ hoàn toàn về tài chính thì phải thực hiện kế toán và kiểm toán, công khai báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật.

Báo cáo giải trình ý kiến liên quan đến vấn đề tự chủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã bổ sung một điều về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước tại Điều 108. Theo đó, khẳng định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chức năng, nhiệm vụ; quy định về quyền và trách nhiệm của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự chủ trong các hoạt động về tổ chức, nhân sự, tài chính, chuyên môn và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Hội đồng Y khoa quốc gia, mô hình tổ chức ra sao? ảnh 2

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Hội đồng Y khoa quốc gia trực thuộc ai?

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng thống nhất cần quy định về Hội đồng y khoa quốc gia ở trong luật. Tuy nhiên, đây được xem là vấn đề mới, chưa có tiền lệ, chưa có hoạt động trong thực tiễn. Dự thảo luật quy định về nội dung này chưa rõ về địa vị pháp lý, trực thuộc ai, quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước về y tế như thế nào. Ông đề nghị nghiên cứu để quy định cụ thể hơn làm cơ sở Chính phủ quy định chi tiết.

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng quy định lộ trình thực hiện Hội đồng Y khoa quốc gia là 5 năm (bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 2029) để đủ thời gian xây dựng năng lực hoạt động và tổ chức bộ máy, điều kiện đảm bảo cho Hội đồng Y khoa quốc gia. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, lý do này không thỏa đáng, đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể hơn về quy định Hội đồng Y khoa quốc gia và cân nhắc thêm lộ trình hợp lý, đủ thời gian để Hội đồng này đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Báo cáo giải trình thêm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, liên quan đến vấn đề tự chủ về bộ máy, tài chính và nhân sự đều đã có các nghị định quy định cụ thể cho từng loại hình.

Đối với Hội đồng Y khoa, ông Thăng nhấn mạnh, quá trình xây dựng luật này, Bộ Nội vụ đều kiên định quan điểm, cần phải làm rõ mô hình tổ chức như thế nào, là công chức, viên chức hay hội nghề nghiệp…

Báo cáo giải trình về Hội đồng Y khoa quốc gia, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình này, để thực hiện việc đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề. Do vậy, để thận trọng, dự thảo luật chỉ ghi nhận hình thức tổ chức này, nguyên tắc về vị trí pháp lý, nhiệm vụ cơ bản, giao Chính phủ quy định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia. Đồng thời, Thường trực Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền về việc này theo đúng tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW.

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 4, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra để hoàn thiện, tiếp thu nghiêm túc những ý kiến của đại biểu Quốc hội. Trong đó tập trung vào những nội dung chính liên quan đến việc hoàn thiện các quy định về việc kiểm soát, nâng cao chất lượng của người hành nghề, chất lượng của công tác khám, chữa bệnh. Đồng thời làm rõ, bổ sung nhiều nội dung liên quan đến các điều kiện đảm bảo hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh như các vấn đề liên quan đến tự chủ, giá, xã hội hóa và các nội dung để đảm bảo các hoạt động khác... Sau phiên họp này, cơ quan soạn thảo, thẩm tra sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến, hoàn thiện cho dự thảo trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường tới.

MỚI - NÓNG