Bộ trưởng Tài chính nói về việc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K xin thôi tự chủ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, việc cho phép một số bệnh viện thôi không tự chủ toàn phần, chuyển sang tự chủ một phần (tự chủ chi thường xuyên) là hợp lý. Khi các đơn vị có nguồn thu ổn định thì sẽ tự chủ chi đầu tư nữa, chất lượng dịch vụ sẽ tăng lên, phục vụ tốt hơn.

Bệnh viện xin tự chủ là hợp lý

Sáng 5/11, tham gia trả lời trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về vấn đề tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60 thay thế Nghị định 16, trong đó xác định tự chủ một phần hoặc toàn diện.

Bộ trưởng Tài chính nói về việc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K xin thôi tự chủ ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (ảnh: Như Ý).

Theo Bộ trưởng Tài Chính, việc xây dựng tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp nhằm hoàn thiện danh mục tự chủ, xác định nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn khác để các đơn vị này được tự chủ, chủ động trong hoạt động. Tuy nhiên, gần đây, một số đơn vị khi thực hiện thí điểm tự chủ toàn phần gặp khó khăn trong việc huy động nguồn lực tài chính, liên doanh - liên kết ... Điển hình như trường hợp Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức...

"Trước đây, còn tạo điều kiện cho các nguồn thu, giờ nguồn thu khó khăn, liên kết khó khăn nên những đơn vị trên xin thôi không tự chủ toàn phần, chuyển sang tự chủ một phần - tức là họ sẽ tự chủ chi thường xuyên, còn chi đầu tư mua sắm máy móc thiết bị, trụ sở mới thì ngân sách đảm bảo”, ông Phớc cho hay.

"Ông cha ta thường nói, một người lo bằng cả kho người làm. Do vậy, cần phải giữ được lực lượng tinh hoa nhất, tinh tuý nhất ở trong bộ máy nhà nước, đặc biệt trong giáo dục và y tế để phục vụ nhân dân tốt hơn", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc.

Nêu quan điểm cá nhân, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói: “Việc này là hợp lý". Từ tự chủ chi thường xuyên, khi có nguồn thu ổn định, phát triển thì tự chủ toàn bộ chi đầu tư nữa, như vậy chất lượng dịch vụ sẽ tăng lên, phục vụ người dân tốt hơn.

Báo cáo giải trình làm rõ thêm về tự chủ sau đó, Bộ trưởng Tài chính lưu ý, khi thực hiện tự chủ trong hai lĩnh vực y tế, giáo dục cần "hết sức thận trọng, chắc chắn, hiệu quả và tránh làm theo phong trào".

Đáng lưu ý, qua thảo luận, có quan điểm cho rằng, cán bộ y tế phục vụ khu vực công cũng như phục vụ khu vực tư, miễn là đóng góp, cống hiến cho xã hội là được.

"Tuy nhiên, theo nhận thức của tôi và qua tìm hiểu thấy, các nước như Singapore, việc trả lương công chức cao hơn nhiều so với các khối doanh nghiệp ngoài nhà nước. Như vậy sẽ giữ được người giỏi để kiến tạo chính sách, xây dựng, hoạch định ra chiến lược và để quản lý nhà nước một cách tốt nhất, thúc đẩy và làm nền tảng cho sự phát triển", Bộ trưởng cho hay.

Đánh giá toàn diện việc tự chủ

Tham gia trả lời về nội dung tự chủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc thực hiện tự chủ tại các đơn vị sự công lập thời gian qua đã đạt kết quả nhất định, giúp thay đổi tư duy để hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách. Đến nay, số đơn vị tự chủ toàn phần đạt 18,7% trên 47.000 đơn vị sự nghiệp công lập.

Bộ trưởng Tài chính nói về việc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K xin thôi tự chủ ảnh 2

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (ảnh Như Ý)

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, việc tự chủ tại các đơn vị trong lĩnh vực y tế còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong thể chế. Nguyên nhân là hệ thống thể chế chưa đồng bộ. Quy định về tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế cũng chưa hoàn thiện. Trong khi đó, ngành y tế năm qua bị ảnh hưởng rất nặng nề do dịch COVID-19.

Thời gian tới, Bộ trưởng Nội vụ cho biết sẽ tham mưu Chính phủ có hội nghị đánh giá căn cơ, sơ kết 5 năm tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập. “Đây sẽ là dịp quan trọng để Thủ tướng chỉ đạo toàn diện bộ ngành quan tâm đến tự chủ. Cùng với đó, Bộ sẽ rà soát, nghiên cứu để tham mưu sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật có liên quan, đảm bảo thực hiện tốt việc tự chủ ở các đơn vị sự nghiệp công lập", bà Trà nói và cho rằng, nên cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ một phần.

Chuyển y tế về UBND quản lý

Báo cáo giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, mô hình y tế cấp huyện thực hiện đa chức năng. Năm 2021, Bộ cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cơ cấu y tế cấp huyện theo hướng trung tâm ý tế cấp huyện sẽ quản lý hoạt động của các trạm y tế cấp xã, thực hiện theo hướng đa chức năng.

Bộ trưởng Tài chính nói về việc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K xin thôi tự chủ ảnh 3

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan (ảnh: Như Ý).

Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư 37, hướng dẫn chức năng quyền hạn của Sở Y tế thuộc UBND cấp tỉnh, phòng y tế thuộc UBND cấp huyện. Trong đó, quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chuyển các trung tâm y tế cấp huyện về UBND cấp huyện quản lý khi đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất về nhân lực, tài chính theo quy định.

“Căn cứ các văn bản hành chính này, thẩm quyền quyết định việc chuyển các trung tâm y tế cấp huyện về UBND cấp huyện quản lý thuộc thẩm quyền của địa phương. Đến thời điểm này cũng đã có địa phương chuyển trung tâm y tế cấp huyện về UBND cấp huyện quản lý”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.