Hội chữ thập đỏ Trung Quốc hứng bão chỉ trích trong đại dịch nCoV

Các nhân viên và tình nguyện viên vận chuyển đồ dùng y tế tại một trung tâm triển lãm biến thành bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán ngày 4/2. (Ảnh: CNN)
Các nhân viên và tình nguyện viên vận chuyển đồ dùng y tế tại một trung tâm triển lãm biến thành bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán ngày 4/2. (Ảnh: CNN)
TPO - Vào một buổi chiều ảm đạm ở TP Vũ Hán, một người đàn ông đặt một thùng khẩu trang 3M vào cốp xe màu đen đậu cạnh tòa nhà của Hội chữ thập đỏ. Bên ngoài chiếc xe này có dòng chữ: “Xe dành cho quan chức chính phủ”.

Hành động của người đàn ông được báo chí Trung Quốc phát trực tiếp vào thứ Bảy vừa qua và ngay lập tức hứng bão chỉ trích của cư dân mạng.

“Chúng tôi không quyên góp đồ cho quan chức chính phủ sử dụng mà cho những người đang chiến đấu ở tiền tuyến”, một người viết trên mạng xã hội Weibo. Biển số chiếc xe này trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất ở Trung Quốc vào cuối tuần qua.

Chính quyền Vũ Hán sau đó nói rằng Hội chữ thập đỏ đã cho phép người đàn ông trong đoạn video lấy thùng khẩu trang khi “đồ bảo hộ phù hợp” đã được phân phát cho các y bác sĩ và cộng đồng.

Dù câu chuyện thực sự là như thế nào, video cũng đã chạm đúng nỗi giận dữ của dư luận trước tình trạng các bệnh viện đang vô cùng thiếu đồ dùng và thiết bị y tế, dù Hội chữ thập đỏ Trung Quốc, cùng như những tổ chức khác, đã nhận hàng triệu đô la tiền quyên góp.

Cho đến nay, hơn 600 người đã chết và hơn 31.000 người đã bị nhiễm nCoV khắp thế giới, và rất nhiều tỉnh thành của Trung Quốc vẫn đang bị đóng cửa.

Hội chữ thập đỏ là quỹ từ thiện lớn nhất ở Trung Quốc, nhưng tổ chức này vẫn hoạt động dựa vào ngân sách và nằm dưới sự quản lý của chính phủ.

Cách đây khoảng 2 tuần, các y bác sĩ ở Vũ Hán bắt đầu kêu gọi huy động nguồn lực. “Hiện đang rất thiếu thiết bị và đồ dùng y tế, làm ơn hãy giúp!”, Bệnh viện nhi đồng Vũ Hán viết trên Weibo ngày 23/1.

Người dân Trung Quốc ở trong và ngoài nước nhanh chóng đáp lại lời kêu gọi này.

Một tình nguyện viên tên là Tracy Liu, quê ở tỉnh Giang Tô nhưng hiện sống ở Mỹ. Cô lập nhiều nhóm trên mạng xã hội như WeChat để kết nối các nhà tài trợ với bác sĩ để họ đưa ra yêu cầu cụ thể, như mặt nạ chuyên dụng N95 mà Trung tâm phòng chống bệnh tật Mỹ khuyên cáo y bác sĩ sử dụng.

Ngày 26/1, một bác sĩ ở Vũ Hán nói với Liu rằng chuyến hàng đầu tiên đã về đến nơi. Nhưng cùng ngày hôm đó, Bộ Nội vụ Trung Quốc thông báo tất cả hàng viện trợ phải được chuyển đến 1 trong 5 tổ chức từ thiện được chính phủ quản lý, gồm: Hội chữ thập đỏ Hồ Bắc, Hội chữ thập đỏ Vũ Hán, Hội từ thiện Hồ Bắc, Quỹ phát triển thanh thiếu niên Hồ Bắc, và Hội từ thiện Vũ Hán.

Từ đó đến nay, Liu nói rằng không thùng hàng nào trong số chị chuyển về đến được tay các bác sĩ mà chị đã kết nối Shunfeng, công ty giao hàng mà chị đã thuê, cho biết họ đang ưu tiên gửi hàng cho các quỹ từ thiện và cơ quan thuộc chính phủ.

“Tôi trả tiền cho số khẩu trang đó nhưng chúng cứ tắc ở đó”, Liu kể với CNN với giọng điệu bực tức.

Liu không phải người duy nhất đang cố gắng giúp đỡ các bác sĩ ở Hồ Bắc. Ngày 1/2, một quan chức chính phủ nói rằng cộng đồng đã quyên góp hơn 600 triệu tệ và số hàng bao gồm hơn 9.300 chiếc khẩu trang, hơn 74.500 đồ bảo hộ y tế, gần 80.500 kính bảo hộ và một số thuốc men cho Hội chữ thập đỏ Vũ Hán, báo China Daily cho biết.

Dẫu vậy, nhiều bác sĩ và nhân viên bệnh viện vẫn đang than phiền về tình trạng vô cùng thiếu đồ dùng làm việc.

Một bác sĩ ở thành phố Hoàng Cương, nơi được báo chí Trung Quốc nói là có dịch nghiêm trọng thứ hai cả nước, chỉ sau  Vũ Hán, nói với CNN vào cuối tuần qua rằng bệnh viện của anh không còn bộ đồ bảo hộ, khẩu trang hay túi bọc giầy nào nữa. Một nhân viên ở bệnh viện khác ở Hoàng Cương gọi tình hình hiện nay là “dữ dội”, cho biết nơi chị đang làm việc đang thiếu khẩu trang N95, quần áo và kính bảo hộ. Trong video mà báo Global Times đăng cuối tuần qua, một bác sĩ nói rằng anh phải đợi hơn 1 tiếng đồng hồ tại trung tâm phân phát của một Hội chữ thập đỏ chỉ để nhận một hộp có 500 khẩu trang.

Trong tuần qua, giới chức Trung Quốc đã đưa ra lời giải thích để trấn an “bão” dư luận đối với Hội chữ thập đỏ. 

Quan chức Vũ Hán nói rằng nhu cầu rất cao của các bệnh viện và các mặt hàng quyên góp không phù hợp là những lý do khiến tình hình cung cấp trang thiết bị và đồ dùng vẫn thiếu.

Một bác sĩ ở Hoàng Cương nói rằng Hội chữ thập đỏ đã bị “choáng ngợp”. “Họ không có đủ người để tiếp nhận đăng ký hàng, họ thực sự đang rất chậm chạp. Nhưng chúng ta nên thông cảm. Và có đến 90% hàng hóa chúng tôi nhận được không đủ chất lượng”, bác sĩ nói.

Một tình nguyện viên Chữ thập đỏ nhận điện thoại gọi đến trụ sở của tổ chức này ở Vũ Hán nói rằng số lượng tình nguyện viên đã giảm mạnh vì trên mạng quá nhiều người chỉ trích.

“Trong 2 ngày qua, cái tên Hội chữ thập đỏ thực sự bốc mùi. Cần thông cảm vì họ đã phải ở trong nhà quá lâu. Nên khi gọi điện, họ la mắng chúng tôi để có thể xả bớt cơn thịnh nộ”, cô nói.

Trong khi đó, 3 quan chức của Hội chữ thập đỏ Hồ Bắc đã bị phạt vì “xử lý không đúng cách hàng quyên góp cho dịch virus corona”, và tổ chức này đã xin lỗi vì sự thất bại của minhf. Chính quyền Vũ Hán sa thải một quan chức và cảnh báo 2 người khác vì lấy khẩu trang từ nhà kho của Hội chữ thập đỏ.

Đây không phải lần đầu tiên Hội chữ thập đỏ Trung Quốc bị chỉ trích khi xảy ra khủng hoảng cấp quốc gia.

Sau trận động đất Tứ Xuyên năm 2008, khiến gần 90.000 người chết, nhiều câu hỏi được đặt ra về số tiền được quyên góp đã đi đâu, trong đó có những khoản tiền được gửi qua Hội chữ thập đỏ. Tình trạng không minh bạch càng khiến dư luận hoài nghi về uy tín của tổ chức này, khiến sau đó họ phải thành lập một ủy ban nhằm tăng cường tính minh bạch về sử dụng tiền từ thiện.

Uy tín của Hội chữ thập đỏ bị hoài nghi không chỉ ảnh hưởng đến tổ chức này mà cả chính phủ. “Khi dư luận chỉ trích Hội chữ thập đỏ, họ cũng đang trách móc chính phủ”, CNN dẫn lời nhà xã hội học Carolyn Hsu, công tác tại ĐH Colgate và là người nghiên cứu về các tổ chức phi chính phủ ở Trung Quốc.

Theo theo CNN
MỚI - NÓNG