Học thuyết Mác đã vượt qua “quả núi truyền thống“

Đại biểu thảo luận, trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Ngô Tùng.
Đại biểu thảo luận, trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Ngô Tùng.
TP - Ngày 5/5, tại TPHCM, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, Đại học Kinh tế - Luật TPHCM và Trung tâm Lý luận Chính trị thuộc Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc “Các Mác và thời đại ngày nay” nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhà tư tưởng vĩ đại Karl Marx (5/5/1818 - 5/5/2018). Hội thảo thu hút sự tham gia, trao đổi của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và hoạt động chính trị trong và ngoài nước.

Karl Marx (Các Mác), nhà tư tưởng thiên tài, nhà cách mạng vĩ đại, người sáng lập học thuyết khoa học và cách mạng có giá trị to lớn nhất trong mọi thời đại.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết Các Mác đã thực hiện một cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về lịch sử thế giới. Mác đã xây dựng nên chủ nghĩa duy vật biện chứng và phép biện chứng duy vật. Bằng cách vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử vào việc nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, Mác đã phát hiện ra quy luật giá trị thặng dư và vạch ra các quy luật kinh tế cơ bản của phương thức sản xuất TBCN.

“Ý nghĩa thời đại và sức sống của chủ nghĩa Mác chính là cơ sở để chúng ta khẳng định xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh mà Đảng ta đã xác định khi lựa chọn con đường đổi mới là hoàn toàn đúng đắn và có cơ sở khoa học”, ông Huỳnh Thành Đạt nói.

GS.TS Võ Văn Sen, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TPHCM, cho rằng học thuyết của Các Mác với ba bộ phận hợp thành (triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học) là sự kế thừa có chọn lọc toàn bộ tinh hoa tinh thần của nhân loại. Học thuyết đã kế thừa quá khứ, đồng thời vượt qua được “quả núi truyền thống” để thực hiện bước ngoặt cách mạng trong lịch sử tư tưởng của loài người. Nó không chỉ khám phá ra những quy luật khách quan của lịch sử mà còn chỉ ra con đường đấu tranh cho cuộc sống ngày càng mang tính Người hơn.

PGS.TS Huỳnh Thị Gấm, Học viện Chính trị khu vực II, khẳng định tầm vóc, giá trị của học thuyết Mác đã được chỉ rõ, có giá trị nhân loại, giá trị đương đại rất lớn và còn mang tính định hướng lâu dài.

MỚI - NÓNG