Học sinh tử vong khi bơi: Giáo viên, phụ huynh giật mình

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Từ vụ học sinh tiểu học ở Hà Nội bị bệnh tim vừa tử vong sau khi học bơi tại trường, nhiều phụ huynh rất lo lắng vì đã từng chủ quan khi cho con tham gia học bơi ở những lớp bơi tập thể do nhà trường tổ chức hiện nay.

Tử vong khi học bơi

Một vụ tai nạn đáng tiếc vừa xảy ra sáng 26/6 tại lớp học bơi ở trường Tiểu học Mai Động (Hà Nội). Em Nguyễn Thị Hương G. - học sinh lớp 5A6 của trường bị ngất khi đang học bơi tại trường.

Ngay sau khi phát hiện sự việc, cán bộ nhà trường cùng phụ huynh đã nhanh chóng đưa học sinh đi cấp cứu tại Bệnh viện Thanh Nhàn nhưng em này đã tử vong.

Điều đáng chú ý theo xác nhận của nhà trường là em G. tử vong không phải do đuối nước. Học sinh này bị bệnh tim bẩm sinh. Trong suốt quá trình bơi, mẹ em G. có mặt tại bể bơi và giám sát con. Chính phụ huynh này phát hiện ra con bị ngất và đưa con đi cấp cứu.

Cô giáo Hoàng Thị Lê, giáo viên dạy thể dục của trường THPT Hoài Đức A (Hà Nội) cho hay, nhiều học sinh dấu bệnh khiến phải vào học chính mới phát hiện được.

“Đã phổ biến những em bị động kinh, bệnh về thở cũng như tim bẩm sinh không nên tham gia học các môn thể dục vì rất nguy hiểm chứ không riêng gì môn bơi nhưng khi họ dấu thì mình cũng không thể biết, sau trong quá trình mới phát hiện ra được. Nếu không đủ sức khỏe mà tham gia thì rất nguy hiểm đến tính mạng”- cô Lê cho biết.

Thầy Đặng Bá Hưng, huấn luyện viên bơi lội trẻ em tại Hà Nội cho rằng, trước khi cho con tham gia lớp học bơi, bố mẹ cần có những lưu ý đặc biệt quan trọng liên quan đến sức khỏe của con.

Theo đó, trước khi cho con học, giáo viên dạy bơi và phụ huynh phải có sự trao đổi thông tin kỹ về tình hình sức khỏe hiện tại của bé.

Theo thầy Hưng, học sinh có các bệnh như hay bị đau bụng, các bệnh về tim, phổi, hen suyễn hay những bệnh ảnh hưởng về đường thở thì bố mẹ cần trao đổi trực tiếp với giáo viên, để giúp giáo viên có định hướng và có sự kiểm soát tốt hơn với học viên trong quá trình dạy.

“Riêng với các bé có tiền sử về bệnh tim, theo thầy Đặng Bá Hưng, cùng với các môn về võ thuật, bơi lội là môn thể thao giúp học viên cải thiện đáng kể về sức khỏe, giúp điều hòa nhịp thở tốt hơn. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi giáo viên phải kiểm soát tình hình thật sát sao so với những học viên khác”- Thầy Hưng cho hay.

Cảnh tỉnh đến nhiều phụ huynh

Vụ tai nạn đáng tiếc tại lớp học bơi ở trường Tiểu học Mai Động (Hà Nội) tử vong khi học bơi tại trường đã khiến nhiều phụ huynh đang cho con đi học bơi “giật mình”.

Chị Hoài Ngân (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, vì chị có tiền sử bệnh tim nên hai con của chị đi học bơi đều đã kiểm tra sức khỏe trước khi đi học.

“Tôi cho con đi kiểm tra trước khi học bơi và học bóng rổ. Vì con có bảo hiểm y tế mua nên cứ 6 tháng tôi cho con đi khám sức khỏe tổng quan một lần. Qua sự việc đáng tiếc này tôi thấy giật mình, may mình đã cẩn thận không có gì xảy ra thì mệt”- chị Ngân cho biết.

Ngoài yếu tố kiểm tra sức khỏe trước khi con đi học môn bơi và bóng rổ, chị Ngân còn chỉ ra những kinh nghiệm để an toàn cho con khi học môn bơi.

“Tôi cho con đi bơi vào các sáng trong tuần từ 6-7h sáng (trừ những ngày mưa liên tục do nước lạnh con dễ bị cảm). Sau khi bơi xong thường không cho con ăn ngay mà sau 30 phút mới ăn sáng. Đói quá có thể cho con ăn nhẹ và uống sữa thôi”- chị Ngân cho hay.

 Chị Hoàng Loan (Quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, chị cho con đi bơi mới vừa tháng trước  nhưng chưa cho con đi khám sức khỏe

 “Thế mới biết, cha mẹ cứ nhắm mắt chỉ chăm chăm chọn bể bơi nào sạch, không đông và thời gian học phù hợp cho mẹ mà không để ý đến sức khỏe của con. Thế mới thấy mình liều thật”- chị Loan nói.

 Cô Hoàng Thị Lê cho rằng, có đến 99% trẻ không được kiểm tra sức khỏe trước khi đi học bơi.

 “Đến học ở lớp được nhắc nhở về nguy hiểm khi có tiền sử bệnh thế mà nhiều học sinh và phụ huynh ngại còn dấu bệnh cơ mà. Như thế rất nguy hiểm cho cả gia đình, các em và nhà trường”- Cô Lê khẳng định.

 Nguyên tắc vàng ở lớp dạy bơi tập thể

Thầy Đặng Bá Hưng phân tích, cùng một khoảng thời gian sức bền của các bé ở môi trường nước tốt hơn các hình thức vận động trên cạn nên hạn chế hơn các nguy cơ bị sốc sức bền, sức nhanh.

“Tuy nhiên, khi tập ở giai đoạn phối hợp chân, tay và nhịp thở, các bé thường bị mất sức rất nhanh nên giáo viên phải tập trung cao độ với học viên ở giai đoạn này. Bởi khi mệt và phải nhịn thở quá lâu, nhịp tim giảm nhanh, môi trường dưới nước khó lường hơn trên cạn, vì thế khi bé có dấu hiệu mệt cần phải cho bé nghỉ ngơi ngay lập tức!” - thầy Hưng nhấn mạnh.

Từng có nhiều năm kinh nghiệm dạy lớp bơi tập thể, thầy Hưng cho biết, số lượng học viên rất đông nên nhất thiết phải tuân thủ các nguyên tắc như: Giáo viên dạy bơi phải được trang bị đủ: Còi, phao, quần áo bơi, mũ bơi, phao, sào cứu hộ đầy đủ…

Với học sinh phải đủ phao bơi như phao tay, phao lưng, phao chữ A để đảm bảo an toàn trong quá trình tập.

“Với lớp sĩ số tầm 30 - 40 học viên, ngoài giáo viên chính còn phải có 3 - 4 giáo viên phụ để có thể bao quát và hỗ trợ nhau trong quá trình dạy”- thầy Hưng nhấn mạnh.

Thầy Hưng cho rằng, tại bể bơi, ngoài số học sinh học bơi không tránh khỏi những người khác bơi ở bể, nên để tránh tình trạng lộn xộn và đảm bảo nằm trong tầm kiểm soát của giáo viên thì các học viên phải được trang bị mũ bơi (hoặc mũ vải) đồng phục giúp giáo viên dễ dàng nhận diện học viên của mình.

“Học viên ra khỏi bể bơi, thay đổi chỗ tập, đều cần thông báo với giáo viên, tuyệt đối không tự ý di chuyển hay thay đổi chỗ nếu chưa được sự cho phép của giáo viên”- Thầy Hưng nói.

MỚI - NÓNG