Hơn 2 tuần nay, hai vợ chồng anh Đặng Quốc Việt, ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) phải thay phiên nhau ở nhà trông con. Anh Việt cho biết, gia đình có 1 bé 5 tuổi và 1 bé học lớp 3. Những năm trước, con nghỉ hè, con lớn sẽ được đăng ký 1 khoá trại hè, đi bơi còn con bé vẫn gửi ở trường mẫu giáo tư thục. Năm nay, dịch COVID-19 tất cả các cơ sở giáo dục đóng cửa, không có bất kỳ chương trình trại hè, CLB nào hoạt động. Ông bà ở quê tuổi cũng cao không có khả năng trông cháu nên hiện tại gia đình bế tắc chỗ gửi con. “Nếu cầm cự thời gian ngắn có thể được, kỳ nghỉ hè kéo dài hơn 3 tháng như vậy sẽ rất khó khăn”, anh Việt nói.
Ở tại các chung cư, những gia đình không có giúp việc, ông bà trông đã lên kế hoạch thay nhau trông trẻ. Ví dụ như, 3-4 gia đình chia lịch, mỗi nhà thay nhau ở nhà trông toàn bộ trẻ trong nhóm một hôm;hay có gia đình đánh liều đóng cửa nhốt trẻ trong nhà…Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho biết, phương án nào cũng không thể lâu dài được, nhất là phương án “nhốt” trẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro vì điện, nước nóng, chảy nổ...
Nhiều phụ huynh có chung nỗi lo lắng, trẻ nghỉ hè, thiếu không gian vui chơi sẽ làm bạn với tivi, ipad, điện thoại. Thay vì đi bơi, đi chơi, năm nay nghỉ dịch chưa được bao lâu, trẻ đối mặt với nguy cơ nghiện điện thoại, trầm cảm.
Chị Lan Anh, có con học lớp 4 tại quận Hoàng Mai cho biết, để con tiện lịch học tiếng Anh của trung tâm, gia đình sắm cho một máy tính bảng. Những ngày trước, con đi học cả ngày trên lớp, tối về được mẹ quy định cho giải trí 30 phút sau đó bị tịch thu. Khi nghỉ hè, bố mẹ đi làm buộc phải để máy ở nhà cho con học tiếng Anh, hết giờ học, con ôm luôn máy tính chơi điện tử. “Bố mẹ hết mắng lại phạt, không khí gia đình căng thẳng chỉ lo tình trạng kéo dài con nghiện điện tử. Chỉ mong sớm hết dịch, gia đình sẽ đăng ký cho đi một khoá học kỳ quân đội để con được tham gia hoạt động trải nghiệm và rèn tính tự lập, kỷ luật”, chị Lan Anh nói.
Vắng bóng các hoạt động ngoại khoá
Cung thiếu nhi Hà Nội những năm trước, dịp đầu hè sẽ có kế hoạch tuyển sinh cho các CLB như: bóng rổ, bóng chuyền, học đàn, học múa, học vẽ, giáo dục kỹ năng sống…Thời điểm này, dù học sinh đã nghỉ hè nhưng Cung thiếu nhi Hà Nội cũng đóng cửa im lìm từ 4/5 theo kế hoạch của Sở GD&ĐT.
Trên các website, nhiều trung tâm vẫn chào mời các gói trại hè, trại hè bán trú dành cho trẻ từ 5-14 tuổi với các khoá học trải nghiệm sáng tạo, khoá học bơi, lớp dạy kỹ năng sống... Các trung tâm này xây dựng nhiều lớp học như: “Cùng con trưởng thành”; “Trải nghiệm sáng tạo”…Mỗi khoá học đều được thiết kế từ 1-2 tuần, trong đó học sinh tham gia sẽ rời xa gia đình hoàn toàn để sinh hoạt cùng CLB dưới sự quản lý chặt của các đơn vị tổ chức. Tuy nhiên, thời điểm này các đơn vị tổ chức cho biết, họ chỉ nhận ghi danh, chưa hứa hẹn thời điểm tổ chức do ảnh hưởng dịch bệnh. Phụ huynh đăng ký sẽ đặt cọc một khoản tiền để giữ chỗ, khi có chương trình, trung tâm sẽ thông báo.
Cũng có đơn vị nhanh nhạy đã mời chào phụ huynh đăng ký khoá trại hè online miễn phí. Cụ thể như, Học viện Công nghệ Trẻ Teky giới thiệu, đăng ký con tham gia khoá trại hè này sẽ được tham gia hoạt động trải nghiệm hè để trẻ giao lưu với bạn bè, hạn chế chơi game, xem tivi và đặc biệt ôn tập kiến thức để sẵn sàng cho kỳ thi sắp tới. Theo đó, học sinh tham gia trại hè trực tuyến sẽ vẫn học 3 môn phối hợp gồm Toán - Tiếng Anh - Công nghệ với giáo viên trong nước và bản ngữ với các chủ đề như: Thế giới hoang dã; Khí hậu nhiệt đới; Bí ẩn địa cầu; Hệ sinh thái xanh. Tuy nhiên, với những khoá trại hè online như vậy, trẻ cũng phải làm bạn với thiết bị điện tử thay vì các hoạt động trải nghiệm, khám phá ngoài trời.
TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (ĐH giáo dục – ĐHQG Hà Nội) cho rằng, trong thời gian dịch bệnh, trẻ bị hạn chế ra ngoài vui chơi, bố mẹ có thể cùng con lên một lịch trình sinh hoạt để con không rơi vào cảnh “không biết làm gì” dẫn đến ngủ nướng, xem tivi thả phanh. Lịch sinh hoạt mới sẽ bao gồm những nội dung công việc trong ngày. Trong đó, bố mẹ không nên áp đặt mà cho con chủ động đưa ra những hoạt động đan xen giữa học, đọc sách, vẽ, đàn, tập thể dục, giúp bố mẹ làm việc nhà. Bố mẹ vừa là người hướng dẫn vừa giám sát và có cơ chế khen thưởng, động viên rõ ràng. “Ví dụ như, sau khi lên một thời khoá biểu cho các công việc cần làm trong ngày, con thực hiện đúng, bố mẹ sẽ tích cho con bao nhiêu điểm. Cuối tuần, con đạt số điểm bao nhiêu sẽ được thưởng một món quà nhỏ để động viên tinh thần”, TS Nam nói.
Ngoài ra, TS Trần Thành Nam cũng khuyến cáo, việc phụ huynh giao thiết bị điện tử cho trẻ toàn quyền truy cập mạng rất dễ bị dẫn dụ vào các nội dung xấu độc, không kiểm soát. Do đó, phụ huynh nên cài đặt các trình duyệt để kiểm soát, loại bỏ, hạn chế các nội dung tác động xấu đến trẻ.