Học sinh châu Á đứng đầu thế giới về thời gian làm bài tập về nhà

 Học sinh Singapore
Học sinh Singapore
Theo một báo cáo tháng 11/2014, Thượng Hải (Trung Quốc) đứng đầu thế giới trong số những nước và khu vực có học sinh dành nhiều thời gian để bài tập ở nhà nhất. Xếp thứ hai là Nga và tiếp đến là Singapore.

Học sinh trong độ tuổi 15 ở Singapore cho biết, một tuần họ dành trung bình 9,4 giờ để làm bài tập về nhà, theo cuộc khảo sát do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện.

Trong khi học sinh Thượng Hải dành những 13,8 giờ và học sinh Nga là 9,7 giờ.

Học sinh các nước Phần Lan và Hàn Quốc dành chưa đến 3 giờ - ít nhất trong số 65 nước và khu vực tham gia cuộc khảo sát này.

Mức trung bình của học sinh thế giới ở khoảng 5 giờ đồng hồ mỗi tuần.

Báo cáo này dựa trên kết quả của cuộc khảo sát năm 2012 trong Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của OECD - một bài kiểm tra đánh giá thành tích học tập của học sinh ở độ tuổi 15.

Có khoảng 510.000 học sinh tham gia bài kiểm tra này. Họ được hỏi về môi trường học tập, gia đình và quan điểm về các môn học cũng như trường học.

Từ kết quả khảo sát, những học sinh làm bài tập về nhà nhiều hơn đạt được điểm cao hơn trong bài thi của PISA. Ví dụ, học sinh Thượng Hải và Singapore đã dành nhiều thời gian để làm bài tập về nhà cũng xếp tương ứng ở các vị trí nhất và nhì trong cuộc thi toán của PISA năm 2012.

Trong số các nước và khu vực tham gia khảo sát, học sinh đến từ các môi trường kinh tế-xã hội phát triển có xu hướng dành nhiều thời gian làm bài tập về nhà hơn.

Phát ngôn viên Bộ Giáo dục Singapore nói rằng mức trung bình 9,4 giờ/ tuần của họ là “hoàn toàn hợp lý đối với học sinh phổ thông đang chuẩn bị bước vào kỳ thi quốc gia”.

Bà cũng cho biết: “Nếu được áp dụng hợp lý, bài tập về nhà có thể giúp củng cố kiến thức, làm học sinh tiến bộ hơn và trau dồi thái độ với việc học”.

Học sinh châu Á đứng đầu thế giới về thời gian làm bài tập về nhà ảnh 1

Học sinh Hàn Quốc

Nurul Amirah, 15 tuổi, học sinh trường Trung học Swiss Cottage (Singapore) nói rằng hàng ngày cô bé vẫn làm bài tập về nhà và ôn lại bài vở từ 9 giờ tối đến nửa đêm mới xong và cho biết: “Mỗi tuần cháu làm bài tập về nhà hơn 10 tiếng. Nếu chuẩn bị thi thì ít nhất cũng phải dành ra 15 tiếng. Nhưng những bài tập này có lợi cho cháu, khiến cháu phải tư duy nhiều hơn”.

Cô bé cũng nói thêm rằng giáo viên và các bạn viết bài tập về nhà lên bảng nên học sinh không phải làm quá nhiều bài tập cùng một lúc.

Nhưng để đáp lại những mối lo của các bậc phụ huynh về khối lượng bài tập về nhà quá nhiều trong vài năm gần đây, nhiều trường học đã thay đổi chính sách để theo dõi và sắp xếp lượng bài tập các môn học và ngành học.

Phát ngôn viên Bộ Giáo dục cũng nói: “Giáo viên có thể yêu cầu học sinh làm hết bài tập ở trên lớp hay ngoài giờ học thay vì làm ở nhà”.

Theo Phó Giáo sư Jason Tan, chuyên gia chính sách giáo dục ở Viện Giáo dục Quốc gia Singapore: “9,4 giờ không phải là lượng thời gian quá nhiều vì ở cấp 3, học sinh phải học từ 6-9 bộ môn. Báo cáo không chỉ ra bất cứ điều gì về thời gian dành cho các môn, hay bản chất của bài tập về nhà, vì thế rất khó để đưa ra bất cứ kết luận nào từ số liệu đó”.

Ông Tan cũng nói thêm, dù các học sinh ở Hàn Quốc và Nhật Bản xếp hạng thấp về lượng thời gian làm bài tập về nhà trong cuộc khảo sát này, thì họ cũng “không học ít hơn chút nào”. “Học sinh của họ dành nhiều thời gian sau giờ học ở các trường luyện thi hay các trung tâm học thêm mà ở Nhật gọi là “juku” còn Hàn Quốc gọi là “hagwon””, ông nhận định.

Giáo sư Jason Tan cũng cho rằng rất khó để đưa ra khối lượng bài tập “thích hợp” cho tất cả mọi người. “Mỗi học sinh đều có cách học và sở thích riêng, và mỗi bạn đều cần khoảng thời gian khác nhau để ôn tập”.

Theo Huỳnh Linh

Theo Infonet/The Asia News Network
MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.