Ngày 7/5, trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Mỹ, ông Andrew Billo, học giả chuyên nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á thuộc Hội châu Á (Asia Society) có trụ sở tại thành phố New York khẳng định, việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào thăm dò dầu khí vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Việt Nam là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam theo Công ước luật biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) năm 1982.
Theo ông Andrew, đây rõ ràng là sự thất bại của Trung Quốc trong trách nhiệm phải hành động theo Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Cũng như Việt Nam, Trung Quốc đã tham gia UNCLOS, vì thế Trung Quốc cần phải tôn trọng quyền hợp pháp đã được khẳng định của Việt Nam đối với vùng biển này.
Nếu thực tế, Trung Quốc không hài lòng với việc khoan thăm dò của Việt Nam ở đây, như đã nhiều lần xảy ra trước đó, ít nhất họ cũng phải tìm các cách khác nhau để giải quyết bất đồng trước khi có các bước đi đơn phương như vậy.
Về động cơ đằng sau hành động khiêu khích này của Trung Quốc, ông Andrew cho rằng nó xuất phát từ nhận thức rằng gần như toàn bộ Biển Đông thuộc lãnh thổ của nước này. Những năm gần đây, Trung Quốc đã nhiều lần gây sức ép các quốc gia láng giêng, yêu cầu họ phải tôn trọng và tuân thủ các tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông của Bắc Kinh.
Hành động này cũng xuất phát từ thực tế rằng Trung Quốc ngày càng nhận thấy mình không nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế trước các hành động của họ.
Theo ông Andrew, thay vì có lập trường hòa giải hơn, lãnh đạo Trung Quốc đã tìm cách khuấy động sự ủng hộ của dư luận trong nước đối với các hành động quyết đoán của họ, không chỉ ở châu Á, mà còn cả ở các khu vực khác trên thế giới.
Khi Trung Quốc tự cho mình là quốc gia “đã nổi,” thay vì “đang nổi,” hiện rất khó để họ trở lại quan điểm hòa bình mà các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố đây là chính sách họ đã lựa chọn.
Cũng theo học giả này, Mỹ nên tiếp tục lên án các hành động của Trung Quốc đồng thời phải tìm các cách khác để đưa các bên liên quan ngồi vào bàn bàn đàm phán nhằm thảo luận các điều khoản có thể giúp quản lý tốt hơn tình hình ở khu vực tranh chấp.
Tuy nhiên, thách thức với giải pháp này là đôi khi với vị thế bá quyền của mình, Mỹ đã không công nhận sức mạnh và giá trị của các thể chế quốc tế như Liên hợp quốc. Mà cụ thể là nếu Mỹ phê chuẩn UNCLOS, điều này sẽ làm tăng tính khả tín cho Mỹ trong yêu cầu Trung Quốc và các nước châu Á phải tuân theo các giá trị và chuẩn mực pháp lý liên quan tới vấn đề trên.
Dự báo về tình hình Biển Đông sau hành động khiêu khích này của Trung Quốc, ông Andrew cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục hành động theo cách bất chấp luật pháp quốc tế và không tôn trọng chủ quyền đã được công nhận của các quốc gia láng giêng. Vì vậy, nước này sẽ chỉ làm cho tình hình ngày càng phức tạp hơn.
Đây là tình huống nguy hiểm vì Trung Quốc đã không tuân thủ luật pháp quốc tế và nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ về việc Trung Quốc sẽ sẵn sàng tiến xa tới mức nào trong khẳng định các tuyên bố chủ quyền của mình trong khu vực.