Sinh viên Trần Thị Hằng |
Học bổng là phao cứu sinh
Trong ký ức của Hằng, ngày còn bé xíu, Hằng và em trai được mẹ cho vào quang gánh mang theo trong thời gian đi làm mướn, làm thuê ở quê. Cha của Hằng cũng phải xa quê bươn chải làm ăn để kiếm thêm từng đồng chăm lo gia đình đông con. Từ bé, Hằng đã từng phải mò cua, bắt ốc để kiếm tiền đi học.
Gia cảnh khó khăn, hai người chị lớn của Hằng đành lần lượt bỏ ngang việc học để đi làm phụ giúp cha mẹ lo liệu cho các em. Thấu hiểu nỗi khó nhọc của cha mẹ, các chị, trong những năm học cấp 2, sau giờ học, Hằng mang ủng, đội đèn ra đồng mò cua, bắt ốc, hái măng rừng đem ra chợ bán kiếm thêm ít tiền. Thương tình, bà con làng xóm mua ủng hộ, nhờ đó mà cô học trò nhỏ có được một số tiền mua sách vở, dụng cụ học tập.
Lên cấp 3, vừa học Hằng vừa tranh thủ phụ quán trong những tháng hè nhằm đỡ đần chi phí cho cha mẹ. Hằng đạt được nhiều thành tích học tập trong suốt 12 năm học và đứng trong top đầu về điểm số vào ngành Đông phương học của Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) trong kỳ tuyển sinh Đại học vừa qua. Cô là một trong những sinh viên được Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam và báo Tiền Phong trao tặng học bổng “Nâng bước thủ khoa”. “Suất học bổng này như là chiếc phao cứu sinh với em, là nguồn lực giúp con đường đi tới mục tiêu của em bớt chông gai hơn”, Hằng nói.
Học gần nhà để chăm sóc mẹ
Sinh viên Hà Thanh Bắc |
Bố là bộ đội thường xuyên xa nhà nên tuổi thơ của Hà Thanh Bắc thiếu thốn tình cha. Khi được về bên gia đình thì cha lại bệnh, rồi mất ngay khi Bắc bước vào giai đoạn quyết định cho tương lai. Trong khi đó, căn chung cư của gia đình lại rơi vào diện giải tỏa, sức khỏe của mẹ không tốt, hai mẹ con lại phải đi thuê nhà trọ chờ tái định cư. Vì vậy, dù đạt 28,45 điểm, nhưng Bắc từng rất lưỡng lự khi đứng trước ngưỡng cửa đại học vì hoàn cảnh gia đình. Hiện tại, hằng ngày Bắc vẫn tất bật vừa đi học vừa dạy thêm, làm việc nhà và chăm sóc mẹ.
Bắc quyết định chọn học tại Trường ĐH Quy Nhơn cho gần nhà để có điều kiện chăm sóc mẹ và cũng để đỡ phải lo nhiều về chi phí học hành, ăn ở. Hơn nữa, khoa Toán và Thống kê của trường ĐH Quy Nhơn là một trong ba khoa Toán mạnh nhất trong cả nước với đội ngũ giảng viên chuyên môn cao, cơ sở vật chất hiện đại phục vụ tốt cho quá trình học tập, nghiên cứu. “Em mong muốn được tiếp tục học Toán với một cái nhìn thực tế hơn, đó là ứng dụng để giải quyết nhiều vấn đề. Em sẽ cố gắng học tập tốt ở trường đại học, tham gia các hoạt động phong trào để cải thiện kỹ năng mềm, vững bước trên chặng đường 4 năm với ngành học mới mẻ”, Bắc tâm sự.