PGS.TS Đỗ Văn Dũng gửi tâm thư tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

0:00 / 0:00
0:00
PGS.TS Đỗ Văn Dũng gửi tâm thư tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT
TPO - PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM vừa gửi tâm thư tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn về câu chuyện nhân sự của trường. 

Mở đầu tâm thư, PGS Đỗ Văn Dũng viết:

"Với hơn 35 năm cống hiến cho ngành Giáo dục, 15 năm làm lãnh đạo Nhà trường, tôi thực sự lo lắng cho những thành quả đã đạt được của Nhà trường với công sức đóng góp của cá nhân tôi cùng toàn thể cán bộ viên chức Nhà trường đang bị một nhóm nhỏ cá nhân phá hỏng. Vì vậy, tôi viết bức tâm thư này kính báo cáo Đồng chí Bộ trưởng và mong muốn đồng chí xem xét và cân nhắc đến các vấn đề của trường chúng tôi".

Theo PGS Dũng, những vấn đề liên quan đến nhân sự của trường thời gian qua bắt nguồn từ việc một Hiệu phó của trường không được Hội động trường quyết định (theo đúng quy trình) vào chức vụ Hiệu trưởng.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng gửi tâm thư tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ảnh 1

PGS Đỗ Văn Dũng đang tư vấn tuyển sinh. Ảnh NVCC

Lý do không công nhận Hiệu trưởng được nêu tại công văn 2787 ngày 6/7 do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn ký được PGS Dũng cho là không đúng với các quy định Pháp luật hiện hành.

"Tôi thực sự ngạc nhiên với lý do hoàn toàn không có tính pháp lý, dựa trên hàng loạt các suy diễn không có căn cứ pháp luật được đưa ra để quyết định một vấn đề vô cùng lớn của cả một trường Đại học; gây xáo trộn, làm cơ sở cho các kiện tụng kéo dài dai dẳng, gây hoang mang cho tập thể cán bộ viên chức Nhà trường, cho dư luận xã hội, cản trở chủ trương Tự chủ Đại học của Đảng, Nhà nước. Nếu lý do là nhân sự đang được lựa chọn không đủ tiêu chuẩn, hay các bước thực hiện của quy trình không đúng quy định pháp luật thì đó là chuyện khác thưa Bộ trưởng", PGS Dũng nêu.

Ông cũng đặt câu hỏi phải chăng lãnh đạo Bộ và Vụ tổ chức cán bộ đã làm trái Nghị quyết 209 của Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT.

Hơn nữa, PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng Bộ GD&ĐT khẳng định Thông báo 07 của trường là sai quy định của Luật Giáo dục Đại học sửa đổi là không có căn cứ.

"Việc phán xét tính đúng sai của một cái thông báo thuộc thẩm quyền của Hội đồng trường, và buộc Hội đồng trường phải ra Nghị quyết cho một nội dung không thuộc quy định phải ra Nghị quyết, có lẽ là việc can thiệp một cách quá thô bạo vào quyền tự chủ đại học của Hội đồng trường Đại học, gây mất niềm tin và uy tín của Bộ GD&ĐT đối với các thành viên Hội đồng trường", PGS Dũng cho hay.

Đoàn Thanh tra của Bộ có bỏ qua minh chứng?

Cũng trong tâm thư, PGS Dũng nêu sự việc liên quan đến Phó hiệu trưởng Lê Hiếu Giang (người không được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng đã nêu ở trên).

Cụ thể, ông Lê Hiếu Giang ký văn bản có các điều khoản miễn trừ học phí cho các học viên được miễn học và miễn thi học phần trong chương trình đào tạo thạc sĩ, các quy định này sai quy chế đào tạo Thạc sĩ (việc miễn học và miễn thi học phần không được quy định trong quy chế) và vượt thẩm quyền. Việc ký văn bản vượt thẩm quyền và sai quy định pháp luật đã làm cơ sở để bộ phận sau đại học của phòng Đào tạo miễn giảm học phí sai quy định, dẫn tới thất thoát học phí Đào tạo thạc sĩ.

Hậu quả là Phòng Đào tạo miễn giảm trực tiếp học phí Cao học, số liệu tạm tính tổng số học phí thất thoát của 9.366 tín chỉ theo mức học phí trung bình của 3 năm 2018-2020 là 7.686.364.000 đồng.

Các số liệu minh chứng đã được báo cáo cụ thể, khi phản hồi dự thảo Kết luận Thanh tra, Nhà trường cũng có ý kiến phản hồi chính thức về điều này, nhưng Đoàn Thanh tra vẫn kết luận việc thất thoát học phí là không có cơ sở.

Trong quá trình thực hiện Kết luận 611/KL-BGDDT, việc Hiệu phó Lê Hiếu Giang để mảng đào tạo sau đại học cho phép người học hoàn thành các khóa học bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn đã học trước khi trúng tuyển Cao học, lấy kết quả các khóa học ngắn hạn chuyển điểm thành kết quả học các môn học khi học Thạc sĩ không có căn cứ pháp lý và sai quy định (đã được kết luận tại Kết luận số 611/KL-BGDĐT chỉ rõ) gây rất nhiều vấn đề phức tạp khi xử lý học vụ các tín chỉ đã chuyển điểm sai quy định này.

Nhà trường theo kiến nghị tại Kết luận 611/KL-BGDĐT đã báo cáo và kiến nghị Vụ Giáo dục Đại học về biện pháp xử lý, nhưng dù đã gửi công văn 3 lần, thật sự không biết vì lý do gì mà Vụ không có công văn phúc đáp để Nhà trường xử lý nghiêm.

"Khi còn là Hiệu trưởng, tôi đã ngăn chặn vấn đề này bằng các quyết định hủy bỏ các văn bản cho phép cấp chứng chỉ môn học sau Đại học, để không có cơ sở cho việc chuyển điểm, mặc dù vậy bất chấp việc không có chứng chỉ, anh Lê Hiếu Giang vẫn để mảng đào tạo sau đại học cho chuyển điểm không có căn cứ. Thậm chí anh Lê Hiếu Giang và một số lãnh đạo Phòng đào tạo, lãnh đạo các Khoa liên quan đến sai phạm này còn đòi tiếp tục chuyển điểm cho hơn 500 học viên khác, với hơn 14.000 tín chỉ dù đã có kiến nghị chấm dứt của Thanh tra từ KL 01/TTr-BGDĐT từ đầu năm 2018 và Kết luận 611/KL-BGDĐT ngày 30/06/2021", PGS Dũng viết.

Ông cũng chia sẻ thực sự vô cùng đau lòng trước các sự việc đã xảy ra trong khoảng thời gian vừa qua.

"Tôi nghiêm khắc nhận trách nhiệm của mình khi để các sai phạm xảy ra trong quá trình tôi làm Hiệu trưởng, tôi đã tự nhận các Kỷ luật hành chính một cách nghiêm khắc với tư cách nguyên Hiệu trưởng, tôi sẵn sàng nhận các Kỷ luật nghiêm khắc trước Đảng và nhân dân với tư cách Đảng viên", PGS Dũng nêu quan điểm.

Ông khẩn thiết mong Bộ trưởng xem xét lại các lý do đưa ra cho việc không công nhận chức danh Hiệu trưởng của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có đúng quy định không, và thực hiện việc này theo đúng quy định Pháp luật để Nhà trường nhanh chóng có Hiệu trưởng, giải quyết nghiêm và nhanh chóng các hậu quả của các cá nhân sai phạm gây ra vì sự sống còn của gần 800 cán bộ viên chức và hơn 24.000 sinh viên, tạo điều kiện cho Nhà trường ổn định, phát triển. Với việc có những dấu hiệu thực hiện không đúng quy định Pháp luật của một số cá nhân và đơn vị tại Bộ như vậy, cũng mong Bộ trưởng xem xét cân nhắc để các vấn đề được giải quyết công tâm, đúng quy định Pháp luật, tránh làm mất uy tín của Bộ GD&ĐT.

MỚI - NÓNG
Nhập viện vì tự làm bác sĩ
Nhập viện vì tự làm bác sĩ
TP - Gần đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận, điều trị nhiều ca bệnh nhiễm độc cấp nặng liên quan việc sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, đặc biệt là các loại thuốc được mua trên mạng, không được kiểm chứng.
Tình quân dân, nghĩa đồng bào
Tình quân dân, nghĩa đồng bào
TPO - Trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, nước sông Cầu dâng cao gây ngập nhiều khu vực dân cư ven sông thuộc thành phố Thái Nguyên. Theo thống kê, có 17 xã, phường của thành phố nằm ven sông bị ngập sâu, nhiều khu vực bị cô lập.