Hoạt động khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trong những năm gần đây

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được thành lập năm 2011 trên cơ sở sáp nhập giữa Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, là bảo tàng đầu hệ và là một trong những trung tâm nghiên cứu và khai quật khảo cổ hàng đầu ở Việt Nam.

Đặc thù hoạt động khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử quốc gia là mang tính ứng dụng cao, không chỉ thực hiện nhiệm vụ của khảo cổ học thuần túy mà sau hoạt động khai quật, còn tiếp tục thực hiện các bước chỉnh lý, phục dựng hiện vật, hoàn thiện hồ sơ, bổ sung hiện vật cho kho cơ sở phục vụ trưng bày, phát huy giá trị; xây dựng, đề xuất phương án bảo tồn, phát huy giá trị di tích; nghiên cứu, xuất bản ấn phẩm…

Hoạt động khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trong những năm gần đây ảnh 1

Hố khai quật di chỉ Thác Hai năm 2022(Nguồn: Chu Mạnh Quyền - BTLSQG)

Trong những năm gần đây, hoạt động khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được chú trọng và thu được những thành quả khả quan, phục vụ hiệu quả cho các hoạt động chuyên môn của Bảo tàng cũng như công tác lập quy hoạch bảo tồn, phát huy di tích đồng thời góp phần quan trọng trong tư vấn chuyên môn, nghiệp vụ cho các bảo tàng, di tích ở Việt Nam và mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu, khai quật khảo cổ. Trong đó, tiêu biểu là hoạt động khai quật,

Hoạt động khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trong những năm gần đây ảnh 2

Dấu tích bậc cấp và kè chân đế đàn tế Núi Bân ở phía tây bắc, khai quật năm 2023 (Nguồn: Nguyễn Ngọc Chất - BTLSQG)

Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã phối hợp với các địa phương và các đối tác quốc tế Nhật Bản, Hàn Quốc…triển khai hàng chục cuộc khai quật khảo cổ học trên địa bàn các tỉnh trải dài từ miền Bắc, miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên.

- Miền Bắc: Khai quật chùa Bình Long (Bắc Giang) năm 2021; Khai quật di tích thành cổ Luy Lâu lần thứ 6 và lần thứ 7 (Bắc Ninh) năm 2022; Khai quật di chỉ Gò Chon (Phú Thọ) năm 2023.

- Miền Trung: Khai quật 2 lần di tích núi Bân (Thừa Thiên Huế) năm 2021, 2022; Khai quật Đàn Nam Giao (Thừa Thiên Huế) năm 2023; Khai quật Điện Cần Chánh (Thừa Thiên Huế) năm 2023.

- Miền Nam; Khai quật di tích Gò Ba Cảnh (Long An) năm 2019.

- Tây Nguyên: Khai quật 2 lần di chỉ Thác Hai (Đắk Lắk) năm 2021, 2022; Khai quật di chỉ Thôn Tám (Đắk Nông) năm 2024.

Kết quả các cuộc khai quật đã góp phần làm sáng rõ những vấn đề nghiên cứu cơ bản trong việc tìm hiểu diễn trình lịch sử dân tộc và cung cấp các dữ liệu khoa học, phục vụ cho công tác quy hoạch, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.

Trong những năm qua, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã phối hợp với các cơ quan trong và ngoài nước tổ chức những chương trình khảo sát nhằm tập hợp tư liệu, chuẩn bị cơ sở khoa học phục vụ các công tác nghiên cứu, khai quật, trùng tu tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử các di tích, tiêu biểu như: Khảo sát các di tích khảo cổ học ở các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông năm 2020-2022; Khảo sát một số di tích khảo cổ học tại Hải Dương năm 2021; Phối hợp với Viện nghiên cứu Di sản Văn hóa biển Quốc gia (Hàn Quốc) thực hiện đợt khảo sát hệ thống thuyền truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trên địa bàn một số tỉnh cao nguyên và ven biển miền Trung Việt Nam: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Thuận, Ninh Thuận năm 2022, tỉnh Hòa Bình năm 2024; Khảo sát một số di tích khảo cổ học tại tỉnh Sơn La năm 2022; Khảo sát các di tích khảo cổ học tại tỉnh Bình Thuận năm 2023; Khảo sát các di tích Óc Eo ở các tỉnh miền Tây Nam bộ năm 2022- 2024.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia còn tham gia tư vấn chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là các hội đồng chuyên môn trong việc giám định hiện vật cho các bảo tàng, di tích địa phương và một số nhà sưu tập tư nhân trong cả nước: Bảo tàng Lạng Sơn, Bảo tàng Hùng Vương, Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh, một số sưu tập tư nhân tại thành phố Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh… Điều này cũng đã phản ánh trình độ năng lực và uy tín của đội ngũ cán bộ khảo cổ của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Hiện nay, ngành khảo cổ học của Việt Nam có nhiều bước phát triển quan trọng và đạt được những thành tựu lớn, trong đó có những đóng góp nhất định của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Trong những năm tới, với sự quan tâm phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các cấp, các ngành, đơn vị trung ương và địa phương cũng như các cơ quan, đơn vị liên quan trong và ngoài nước, hoạt động khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu và có nhiều đóng góp hơn nữa trong việc nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, xứng tầm là một trong những trung tâm nghiên cứu khảo cổ học hàng đầu của Việt Nam, có uy tín và trở thành đầu mối hợp tác quốc tế về lĩnh vực khai quật khảo cổ học trong khu vực và trên thế giới.

MỚI - NÓNG