Theo đó, thông tin sản phẩm phấn rôm Baby powder và sữa tắm em bé Shower to shower của J&J có bột talc - chất nghi gây ung thư, nhiều phụ huynh đã không dám tiếp tục sử dụng sản phẩm này. Theo các chuyên gia hóa học, thành phần chủ yếu trong phấn rôm là bột talc với khả năng thấm nước, dầu và hút mùi nên nó nhanh chóng trở thành bạn thân của bé, thậm chí người lớn vẫn có thói quen thoa vào những vùng dễ ra mồ hôi để giúp thông thoáng và khử mùi. Talc là một khoáng chất trong có tự nhiên, chứa các thành phần magie, silic, oxy và hydro. Từ lâu, nó đã được sử dụng trong công nghiệp chế tạo ra các sản phẩm như gạch men, lốp cao su, mỹ phẩm, giấy viết hoặc một phụ gia làm trắng trong sơn…
Ngày 25/2, chúng tôi khảo sát một số siêu thị như Big C, Lotte Mart, Co.op Mart tại TPHCM… vẫn thấy rất nhiều sản phẩm của J&J bày bán bình thường tại các kệ hàng của siêu thị. Trong đó có nhiều chủng loại như Johnson’s baby powder, Johnson’s baby blossoms…Các loại sữa tắm Johnson’s active fresh bath, sữa tắm Johnson’s baby top- to-toe-bath… Trên nhãn mác sản phẩm ghi được sản xuất tại Thái Lan. Khi hỏi nhân viên siêu thị liệu các sản phẩm nghi có chất gây ung thư không? Nhân viên đứng quầy cho biết hàng bày bán tại siêu thị chị cứ yên tâm vì có sự kiểm soát của siêu thị cũng như của nhà cung cấp.
Đến cuối ngày 25/2, một số siêu thị cho biết đã chủ động liên hệ với nhà cung cấp về thông tin trên và đang chờ phản hồi. Sau khi có thông tin từ nhà cung cấp, siêu thị sẽ có các động thái tiếp theo nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Theo khuyến cáo của Ths.Bs Ngô Minh Vinh - giảng viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM thì phụ huynh không nên sử dụng phấn rôm cho trẻ em bởi loại phấn này không có tác dụng trị rôm sảy như mọi người nghĩ, thậm chí còn làm bít lỗ chân lông của trẻ, làm các bệnh hăm da trở nên nặng hơn. Hơn nữa, những thành phần có trong phấn rôm như bột talc, muối calci, kẽm, chất béo và một số chất tạo mùi thơm có thể gây hại nếu để trẻ hít phải.
“Phấn rôm của Johnson & Johnson được dùng nhiều năm qua. Nhưng vì đây là sản phẩm không phải dạng thiết yếu, nên nếu quan ngại về khả năng gây bệnh thì có thể ngừng sử dụng”
Một bác sĩ nhi khoa từng công tác tại Bệnh viện Việt-Pháp (Hà Nội)
Chị Trần Thị Dậu, 34 tuổi, công tác tại Trường Trung cấp GTVT Bắc Giang, nói: “Cháu nhà tôi mới 1 tháng tuổi, thường xuyên phải dùng tã giấy hoặc đóng bỉm nên nguy cơ bị hăm là rất cao. Để chống hăm, tôi thường xuyên dùng phấn rôm (Baby Powder) của Johnson & Johnson để thoa cho cháu. Một tháng qua, cháu không có biểu hiện gì bất thường. Nhưng nếu dùng lâu mà mắc bệnh, lại còn nan y như ung thư thì đáng sợ quá”.
Về vụ kiện của gia đình bà Jackie Fox, đây là lần đầu tiên có cáo trạng nêu rằng, bột đá talc gây ung thư cho người sử dụng, BBC đưa tin. Còn hơn 1.000 trường hợp tương tự gia đình bà Fox trên khắp nước Mỹ vẫn chưa được tòa xử lý. Các luật sư cho rằng, hàng ngàn người nữa có thể cũng sẽ nộp đơn kiện Johnson & Johnson.
Các nhà khoa học nói gì?
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một giảng viên Khoa Hóa học, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, khoáng vật mềm talc có công thức hóa học là H2Mg3(SiO3)4 hoặc Mg3Si4O10(OH)2, được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp như mỹ phẩm, dược phẩm, ô tô, cao su… Do có khả năng hút ẩm cao nên bột talc không chứa amiăng được dùng rộng rãi để sản xuất phấn rôm cho trẻ em, phấn thơm cho phụ nữ, phấn hút mồ hôi cho vận động viên, bệnh nhân nằm liệt giường… “Trong tự nhiên, một số loại talc có chứa amiăng gây ung thư. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, amiăng gây ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư buồng trứng, u trung biểu mô và bệnh bụi phổi amiăng”, vị giảng viên này lưu ý.
Phán quyết liên quan bà Fox chết vì ung thư buồng trứng đã gây ra làn sóng lo ngại mới trong người tiêu dùng. Tuy nhiên, các nhà khoa học nói rằng, bằng chứng về mối nguy hiểm thực sự vẫn chưa rõ ràng. Hôm qua, Reuters dẫn lời bác sĩ Ranit Mishori, phó giáo sư về y tế gia đình tại ĐH Georgetown (Mỹ): “Ý tưởng ban đầu rằng, talc chứa một số amiăng khiến các nhà nghiên cứu và chuyên gia y tế cảnh giác từ nhiều năm trước”. Các nhà khoa học đã thăm dò nhiều cách thức mà talc có thể gây ung thư ở các bộ phận khác nhau của cơ thể người. Họ đặc biệt quan tâm vấn đề liệu tiếp xúc lâu dài với sợi talc có thể gây ung thư phổi ở những người khai thác talc hay không, cũng như liệu phụ nữ thường xuyên bôi bột talc vào vùng kín có đối mặt nguy cơ mắc ung thư buồng trứng tăng cao hay không. Theo Hội Ung thư Mỹ, các nghiên cứu ở thợ mỏ talc tiếp xúc talc chứa amiăng cho kết quả pha trộn (có người mắc ung thư phổi, có người không). Với trường hợp sử dụng sản phẩm talc không chứa amiăng, nguy cơ mắc ung thư phổi không tăng.
Các chuyên gia tin rằng, về mặt lý thuyết, talc có thể di chuyển từ âm đạo, qua tử cung và ống dẫn trứng để đi vào buồng trứng gây viêm. Tuy nhiên, để có kết luận chính xác hơn, cần thí nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên (cố tình cho phụ nữ tiếp xúc với sản phẩm nghi gây ung thư để so sánh), nhưng điều này khó thực hiện vì lý do đạo đức.