Hoa xương rồng trên cát

Với Dung, mẹ chính là đôi chân, đôi tay dìu em vượt qua tất cả,
Với Dung, mẹ chính là đôi chân, đôi tay dìu em vượt qua tất cả,
TP - Từ một nữ sinh lớp 11 xinh đẹp, năng động, chỉ sau một đêm ngủ dậy bỗng liệt tứ chi, phải nghỉ học giữa chừng và đối mặt với những cơn đau đằng đẵng trong bệnh viện. Nhưng ở nơi đó, những vần thơ lại cất lên: “Em loài hoa ung dung/Dám vươn lên tất cả/Dù phong ba vật ngã/Em vẫn trả ơn đời…”.

Những vần thơ Vương Thị Dung (25 tuổi, thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) tự viết cho mình khiến nhiều người xúc động. Cái cách cô gái vượt lên số phận, sống lạc quan và yêu thương, chia sẻ lại càng khiến nhiều người nể phục. Giờ, Dung đã là cô giáo đặc biệt của đám trẻ làng biển, là cô gái đáng yêu, vui vẻ trong mắt bạn bè, người thân…

Lớp học đặc biệt

Giữa trưa nắng tháng Năm, gió biển rào rạt, nắng rát mặt, căn nhà nhỏ cuối thôn Bình Tịnh vẫn ê a tiếng trẻ học bài. Dãy bàn mini được kê ngay trước hiên, nền nhà làm ghế, học sinh là những đứa trẻ làng biển đang say sưa “nuốt” từng lời giảng. Cô giáo trên chiếc xe lăn tận tình chỉ dạy từng chút cho trò.

“Em nghĩ cuộc sống luôn có những thử thách. Nhưng khi vượt qua nó sẽ giúp ta nhận biết, cảm nhận được những giá trị của cuộc sống. Ngoài kia còn biết bao số phận kém may mắn hơn mình. Người mù thì không có thể nhìn thấy mọi thứ đang chuyển động. Người câm điếc không có thể cảm nhận, tương tác với cuộc sống… Nên em muốn nỗ lực để không phụ tình yêu thương của những người thân yêu mình”

 Vương Thị Dung, chia sẻ

Hơn 20 em đều là học sinh lớp 4 nên xếp vào một lớp. Những em học yếu hơn được xếp ngồi bàn trên để tiện theo dõi, kèm cặp. Dung cho biết, lớp học được mở từ năm 2009, ban đầu chỉ có dăm em là hàng xóm xung quanh tới học. Nhưng lâu dần, phụ huynh biết tiếng nên xin cho con nhập lớp. Hiện có khoảng hơn 70 em tham gia lớp học nên phải chia ra nhiều lớp, học theo ca sáng, chiều. “Năm lớp 11 khi em bị bệnh phải nghỉ học giữa chừng, nhưng kiến thức học được vẫn nhớ. Chịu khó tìm hiểu, đọc thêm nên em tự tin, đủ kiến thức có thể dạy cho các em từ tiểu học đến lớp 9”, Dung chia sẻ.

Hoa xương rồng trên cát ảnh 1

Cô giáo khuyết tật Vương Thị Dung say sưa giảng bài cho trẻ em làng biển. Ảnh: H. Văn 

Những học sinh con nhà nghèo thì được học miễn phí, những nhà có điều kiện hơn thì đóng tiền để trang trải chi phí lớp học. Dung được xem là cô giáo khá nghiêm khắc, thưởng - phạt rõ ràng. “Trong giờ học nếu ai nói chuyện riêng hoặc không tập trung thì cô bắt phạt lên đứng trước lớp, những ai học giỏi thì cuối khóa lại được thưởng sách vở. Em cũng từng bị cô phạt 1 lần vì tội nói chuyện riêng” – Nguyễn Phước Vương - một học sinh ghé tai tôi nói - Thích nhất là học ở đây sau khi hoàn thành bài tập thì có thể thỏa sức đọc sách, đọc truyện với thư viện miễn phí. Dung cho biết, từ nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm nên lớp sắm tủ, kệ sách để phục vụ cho các em nhỏ. Đấy là ước vọng từ bé của những đứa trẻ làng biển.

  

“Em loài hoa ung dung…”

Lần đầu tiên tôi gặp Dung là khi em tham gia làm tình nguyện viên, hướng dẫn các cử tri tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp hồi cuối tháng 5/2016. Hình ảnh cô gái khuyết tật mặc chiếc áo Đoàn màu xanh ngồi trên xe lăn tận tình hướng dẫn các cô, bác làm thủ tục, khuôn mặt lúc nào cũng tươi tắn, sẵn lòng giải đáp những thắc mắc của mọi người khiến tôi thực sự ấn tượng.

Khi gặp lại, trò chuyện với Dung, cách nói chuyện dí dỏm và nụ cười tươi tắn của cô gái trẻ khuyết tật truyền cho người đối diện một năng lượng đầy sức sống mới.

Bà Trần Thị Đào, mẹ của Dung, kể: Từ nhỏ Dung là cô bé nhanh nhẹn, tự lập. Gia cảnh nhà còn khó khăn, ba quanh năm đi biển, mẹ ngược xuôi với gánh cá, mắm để nuôi 6 người con ăn học. Từ năm 12 tuổi, Dung đã đánh đổi mùa hè để  rửa chén, làm thuê cho quán ăn, quán cà phê ở Đà Nẵng. Ngày làm, tối theo lớp học thêm. Thương tính cần mẫn, chăm chỉ chịu khó của cô học trò quê nghèo nên thầy giáo cũng không thu tiền. Số tiền kiếm được Dung dành để mua sách vở đỡ gánh nặng cho cha mẹ. Vất vả, khổ cực nhưng năm nào em cũng đạt thành tích học tập tốt.

Tai họa ập đến khi em đang học lớp 11. Buổi sáng thức dậy, cả nhà hốt hoảng khi thấy con lên cơn sốt mê man, rồi liệt toàn thân, tứ chi không cử động. Bồng con chạy khắp bệnh viện ở Quảng Nam rồi ra Huế nhưng đều bất lực trở về. Bác sỹ cho hay, Dung mắc bệnh viêm tủy cắt ngang vùng cổ. Từ đó, Dung tập làm quen với xe lăn, với những bài tập cầm, nắm, vận động như đứa trẻ mới sinh.

Dù vậy, trước mặt mọi người rất ít khi trên gương mặt cô thoáng lăn những giọt nước mắt hay trong câu chuyện khó gặp những ý nghĩ tiêu cực. Dung luôn biết cách pha trò để xua đi cái không khí ảm đạm nơi bệnh viện nên ai cũng yêu quý. Dung cũng bắt đầu tập viết dù rất khó khăn, có khi ghì bút đến sưng tay con chữ vẫn không tròn nhưng Dung không bỏ cuộc.

Dù khuyết tật, nhưng với vốn kiến thức sẵn có và không ngừng tìm hiểu nên nhiều người trong làng tìm đến nhờ viết thư, làm đơn xin học bổng, xin vào hộ nghèo… Dung kể, có chị hàng xóm có bạn trai là lính nên thường xuyên viết thư về. Thật thà, rặt quê, ít chữ, không văn chương bay bổng được nên chị thường chạy qua nhờ Dung viết thư giùm.

Câu văn trau chuốt, bay bổng nói một cách khéo léo nỗi lòng của người đang yêu. Đến khi cả hai tổ chức đám cưới, Dung trở thành vị khách đặc biệt, đôi vợ chồng trẻ không ngớt lời khen ngợi và cảm ơn. Nhiều em học sinh nhờ tư vấn, viết thư để xin học bổng ở các trường để được đi du học…“Chỉ có mỗi đơn ly hôn là em không nhận viết giùm thôi... ” - Dung cười dí dỏm. Dung cũng là thành viên của nhóm tình nguyện xã Bình Minh, kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. 

Thần tượng là mẹ

Nhà nghèo, cha quanh năm đi biển nên chị em Dung lớn lên với bàn tay chăm bẵm của mẹ. Với Dung, hình ảnh người mẹ với gánh cá, mắm lầm lũi vượt qua giông bão để lo cho 6 người con ăn học là một kỳ tích. Từ khi em mắc bệnh, mẹ cũng phải từ bỏ đôi quang gánh để làm đôi chân, đôi tay rong ruổi khắp nơi cùng con vượt qua bạo bệnh. Đó là sự hy sinh cao cả, là ánh sáng, nghị lực cho em.

Trong một cuộc thi viết về mẹ do Tạp chí Phụ nữ tổ chức, Dung viết: “Con tự hỏi rằng nếu không có mẹ thì cuộc đời này có còn kỳ tích nào dành riêng cho con? Liệu rằng sự lạc quan, nghị lực, nụ cười giòn giã trên môi của con có thực sự tồn tại hay chỉ mãi là niềm ao ước xa xỉ mà con hằng mơ tới…

Hoa xương rồng trên cát ảnh 2

Vương Thị Dung hướng dẫn người dân tham gia bầu cử.

Hành trình của con và mẹ đã đi qua được 9 năm ròng, đôi chân của mẹ giờ đây còn mang sứ mệnh của cả đôi chân con nữa, đôi bàn tay mẹ cũng thế! Bồng bế, chăm sóc con từ bữa ăn đến giấc ngủ, tắm gội, vật lý trị liệu... Người ta thường hỏi con “động lực nào giúp bạn vượt qua tất cả”. Con đã nói rằng vì con có mẹ. Vì tình yêu thương vô bờ bến của mẹ, vì con muốn sống sao cho thật xứng đáng với tình yêu thương đó. Sống giữa biển tình yêu thương con không còn cảm giác lạc lõng, bơ vơ.

Con nhận ra rằng Thượng đế đã lựa chọn cho con một cuộc sống khác. Nơi có những đứa học trò nghèo cần con gieo cái chữ, nơi mà con được ví như loài hoa Xương Rồng mạnh mẽ, ung dung. Con học cách chấp nhận và vui vẻ với thực tại. Mang di chứng bại liệt nhưng con tin con sẽ sống tốt. Xã hội ngoài kia còn rất nhiều người giống con, một ngọn nến bị gãy cong cũng có thể tạo nên ánh sáng, chỉ cần có ý chí lớn con tin con cũng sẽ sống có ích như bao người”.

Loáng đã qua trưa, những đứa trẻ lại xôn xao dựng xe đầu ngõ. Dung ôm sách vở, rồi bám chặt vào vai mẹ dìu ngồi lên chiếc xe lăn, bắt đầu buổi dạy mới.


MỚI - NÓNG