Họa sỹ Nguyễn Thượng Hỷ: Lên thánh địa, về với cỏ

Họa sỹ Nguyễn Thượng Hỷ bên tháp Mỹ Sơn. Ảnh: T.Việt
Họa sỹ Nguyễn Thượng Hỷ bên tháp Mỹ Sơn. Ảnh: T.Việt
TP - Khi di tích Mỹ Sơn bị người ta thản nhiên đưa máy xúc vào cày ủi hồi tháng 5, tôi điện cho họa sỹ Nguyễn Thượng Hỷ, nghe giọng vắn tắt: “Chuyên gia nước ngoài phản ứng dữ lắm”. Hết. Nhưng tôi biết, những ngày đó anh cũng bị mắng.

“Đúng, họ gọi điện loạn lên, rằng ông về hưu thì kệ ông, nhưng đang ở Mỹ Sơn, răng ông để cho họ làm bậy rứa?”, họa sỹ Nguyễn Thượng Hỷ kể rồi cười đau khổ.

Đang làm trưởng phòng ở Trung tâm bảo tồn di tích Quảng Nam, bèn xin về hưu sớm. Nhà cửa vợ con đàng hoàng ở Đà Nẵng, không ở, lên cái xóm đầy sim dại và đá sỏi gần di tích Mỹ Sơn dựng nhà tranh. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, năm 1979 đã luồn rừng vào Mỹ Sơn để đầu năm 1980, cột võng sống ở Mỹ Sơn với chuyên gia Ba Lan là kiến trúc sư Kazic, bắt đầu làm sống lại Mỹ Sơn. Đo, vẽ, dựng cột chèn chống, xếp gạch, đánh vật với muỗi, nắng, mưa.

Những viên gạch tháp như có con mắt bí hiểm trêu ngươi bao thế hệ. Nhiều người truyền nhau chuyện kỳ bí rằng ai gắn bó lâu dài với tháp Chăm, đều bị dính bệnh chết bất đắc kỳ tử, nếu không cũng gặp tai ương, vì bị nó… hành. Tôi nhìn dáng ngồi gập xuống như cây xấu hổ đang nhặt rau làm bữa trưa, bỗng dưng thấy sờ sợ…

Họa sỹ Nguyễn Thượng Hỷ: Lên thánh địa, về với cỏ ảnh 1

Nguyễn Thượng Hỷ và căn nhà tranh duy nhất ở Mỹ Sơn

“Tính ra, tôi đã gắn bó với Mỹ Sơn 33 năm. Tôi lên đây khi con tôi chưa sinh, giờ nó đã 32 tuổi rồi kìa. Nhiều người nghĩ tôi giả bộ nghèo, vợ chồng tôi xích mích nên tôi lên đây ở vào tháng 6/2012. Tôi không giả nghèo, vợ tôi mỗi khi tôi nhảy xe lên đây đều chuẩn bị đồ đạc cho tôi. Tôi thích ở vậy. Việc chi tôi phải làm nhà to? Nhà nhỏ thì có sao không?”.

Nhớ có lần anh nói: tử vi tôi thích chi làm nấy. Năm mới chia tỉnh Quảng Nam, chình ình giữa phố một căn nhà lá tranh tre. Cũng của ông Hỷ. Thành quả của việc dựng ngôi nhà ấy, một thời gian sau, là vỏ bia rượu ngập nhà bởi khách đông hội. Về hưu. Bán. “Nhà này làm hết 92 triệu, bởi vì mình làm hồ nước, trồng hoa linh tinh, chứ nếu tính ra vật liệu công cán chỉ hết 20 triệu vì toàn vật liệu và nhân công tại chỗ”.

Giữa xóm núi này, chỉ có nhà anh là tranh tre. Một thanh niên hàng xóm sang ngồi chơi. “Đây là anh Sếp. Có ảnh đó, bão số 11 (Nari) vừa rồi nhà ảnh bê tông lợp tôn bay sạch, phải sang nhà tôi ở nhờ”. Cười sảng khoái. Một lần tôi ra đảo Lý Sơn cùng anh, thấy anh đo vẽ chụp ảnh khá kỹ những ngôi nhà mái lá còn sót lại trên đảo. Nói không đắn đo, anh là chuyên gia số một về nhà cổ ở Quảng Nam. Nhà ai, ở đâu, làm ra sao, hiện trạng thế nào, anh thuộc lòng bàn tay.

“Tôi làm một nhà tranh bình thường như ở quê anh, như cha ông anh từng ở. Tôi nói với hàng xóm ở đây như vậy khi tôi lên mua đất. Họ cười, nhưng mùa hè kéo sang nhà tôi ở hết”.

Họa sỹ Nguyễn Thượng Hỷ

“Hơn 30 năm đo vẽ, phục dựng, sao không nhớ được”- anh nói như không. Ngôi nhà tranh này như hiện thân cuối cùng của nhà mái lá ở Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, chống bão rất hữu hiệu. Đang nhặt rau, điện thoại kêu, tôi nghe anh nói ngắn: “Từ Huế, càng vào Nam, nhà của dân càng thoáng, không bị o ép bởi màu vàng là màu của triều đình, nhà không thấp nhỏ như ngoài Huế nữa”.

Anh là dòng dõi hoàng tộc ở Huế. Tốt nghiệp Mỹ thuật Huế năm 1979, là mang gói đi luôn vào Quảng Nam. “Tôi thích ở thế này, thọ thêm 10 năm nữa”. Nhà anh, mái có 3 lớp, trên cùng là tranh, giữa là đất nện, dưới là tre. 

“Tôi không sợ cháy, bởi nếu cháy phần tranh trên cùng, thì đến phần đất ở giữa sẽ bị cách ly ngay”. Từ giường đến bàn nước, đều tre, phên vách bằng đất. Nhưng nhà anh cũng nằm trong khu homestay (du lịch nhà dân) vừa được tỉnh Quảng Nam thực hiện sau bao nhiêu năm khách du lịch đến Mỹ Sơn mà không có chỗ lưu trú. Có 5 nhà được triển khai.

Đang nói chuyện, có hai ông khách tạt vào. Tôi nghe họ nói chuyện không thích hợp, tây không ưa nhà bê tông lắp điều hòa, tây chỉ thích hoang sơ dân dã, gần cỏ cây, rồi tây thích đến nhà ông Hỷ hơn những nhà kia. 

Ông Hỷ nói, ông không phải là thành phần của dự án kia nhưng “chúng nó” cứ muốn vào. “Ừ ưng thì chơi ngủ ăn cứ việc, tôi chả lấy tiền. Nhưng tôi lại bị phàn nàn là làm du lịch theo kiểu “cho người ta cái mình thích chứ không phải cái người ta thích”. Thì đáp số đã rõ: tây không thích ngôi nhà đầy hoa cỏ tranh tre ngợp gió tôi đang ngồi đây mới lạ!

“Tuần trước tôi thả mấy con vịt, chồn ăn hết rồi” - giọng anh tiếc nuối. Sau nhà có một chái tre, chất đầy tranh, khung, toan, mẫu. “Một ông Canada vào đây, để dép bên ngoài, tôi nói nền đất đấy, cứ mang vào. Họ hỏi nền đó làm hết bao nhiêu tiền, tôi nói 35 ngàn đồng Việt Nam, thật đấy, đó là số tiền mua muối trộn vào với đất và tro đốt từ rơm xin của bà con, nện chặt. Họ trố mắt, nói, hãy cho tôi đi chân trần, mát chân lắm”.

Từ thích đến làm thật, là cả quãng dài không dễ. Năm 2010, thành phố Hội An tổ chức thi thiết kế nhà ở cho người thu nhập thấp. Kết quả, nhà bằng lá dừa của anh Hỷ bị đánh rớt, còn nhà bê tông trị giá 300 triệu của một ông KTS nào đó đạt giải nhất (!). 

“Xin lưu ý rằng, muốn làm nhà cửa thân thiện với môi trường, thì phải có tri thức văn hóa bản địa, đừng phát tán sao chép, làm giả cổ càng bậy nữa, bởi sẽ biến dạng, chỉ đánh lừa được mắt phàm tục thôi”.

Anh bỏ hết nhà ở phố, bỏ cơ quan, về chơi với cỏ, rong ruổi vẽ tranh, đo nhà cổ, làm tư vấn phục dựng nhà cổ. Nghe nói sau Tết, anh ra Hải Dương vẽ lại hoa văn cổ cho làng gốm Chu Đậu để họ làm đồ xuất khẩu. Đồ gốm Chu Đậu có trong con tàu chìm ở Cù Lao Chàm, chính anh là người trực tiếp tham gia trục vớt, sao chép hoa văn, phân loại suốt mấy năm ròng trên biển, từng làm quyền trưởng ban khai quật.

Từ chỗ căn nhà tranh này đến thánh địa Mỹ Sơn chỉ mấy chục bước chân. Tiễn tôi anh cười nói nói: “Chết, nên táng quan tài bằng gỗ, bởi thân xác và gỗ sẽ tan vào đất, biến thành đất tốt để người ta trồng cây, cỏ sẽ mọc trên đó và như thế sự sống sẽ tiếp tục”.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.