Họa sỹ Lê Trí Dũng: Sống và viết bằng... ngựa

Họa sỹ Lê Trí Dũng: Sống và viết bằng... ngựa
TP - “Tôi không định trở thành nhà văn. Đã là họa sỹ rồi thì tôi mãi mãi sẽ là một họa sỹ. Với tôi họa sỹ là danh hiệu cao quí nhất”, anh quả quyết. Nặng nợ với nghiệp viết bởi Lê Trí Dũng quan niệm: “Viết văn như mở chai vang nổ, đã mở ra thì phải… uống hết’”.

> Ký họa chiến trường và triển lãm 'lưu động'
> Họp nhiều thành yêu tinh

Gặp Lê Trí Dũng bỗng nhớ câu thơ Chính Hữu thuở nào: “Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa”. Nét Hà Nội xưa vương vấn ở anh khá nhiều: Trong giọng nói, trên gương mặt điển trai, kiêu bạc. Đọc tản văn của anh, thấy Lê Trí Dũng viết trong một trạng thái buông lỏng của cảm xúc nhưng câu chữ chẳng vì thế mà xô lệch, một sự chỉn chu có ý thức đầy tôn trọng và tự trọng với nghề.

Chẳng phải vì mối tình thâm kéo dài suốt 30 năm mà cố giáo sư Hoàng Ngọc Hiến đã dành tặng Lê Trí Dũng lời khen vô giá: “Tiểu thuyết về chiến tranh thì Bảo Ninh là tác giả được Lê Trí Dũng mến mộ nhất. Còn tản văn (hoặc tạp văn) về chiến tranh, tôi vẫn cho rằng, Lê Trí Dũng là hơn cả”. Một kẻ chỉ tình cờ đi qua lâu đài văn chương mà để lại cái duyên đến vậy, cũng là hiện tượng hiếm.

Họa sỹ Lê Trí Dũng: Sống và viết bằng... ngựa ảnh 1

Đừng đùa với văn chương nghệ thuật. Đừng tưởng đóng được cái đinh đã trở thành thợ mộc, vào được Hội Mỹ thuật và Hội Nhà văn đã trở thành họa sỹ, nhà văn giỏi đâu. Là nghệ sỹ đích thực khó lắm

Họa sỹ Lê Trí Dũng

Chúng tôi ngồi với nhau tại quán cà phê trên đường Nguyễn Du. Ít người còn nhớ, năm 1996, quán cà phê này chính là một gallery có tiếng, đã diễn ra một trong những cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên trong đời cầm cọ của Lê Trí Dũng: “Trong ngày khai mạc tôi đã bán được 15 bức, tương đương 2/3 số tranh treo”.

Gần 20 năm đã trôi qua, kể từ triển lãm cá nhân đầu tiên ấy, cái tên Lê Trí Dũng đã trở nên quen thuộc trong làng hội họa. Anh là tác giả của nhiều tác phẩm ghi dấu ấn: “Vượt trọng điểm” (sơn mài, 1974), đang có mặt tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; “Vượt sông” (sơn mài, 1976), “Cánh rừng điôxin” (lụa, 1989), “Mẹ của những người lính” (sơn dầu, 1999). “Biên ải” (sơn mài, 2000), “Chân dung người lính” (sơn dầu, 2004)… Anh từng tham gia những triển lãm lớn về đề tài chiến tranh: “Cái nhìn từ hai phía” ở Boston do Mỹ tổ chức, triển lãm “Nam Bang” (Tiếng nổ ở Việt Nam) tại Sydney- Úc. Ở tuổi không còn trẻ, Lê Trí Dũng lại bén duyên với văn chương: “Viết văn giống như việc mở chai sâm-panh, đã mở rồi thì phải uống hết”.

Năm 2006, tập sách đầu tiên của anh trình làng, mang tên “Những hòn cuội nhặt dọc đường hành quân”, từ đây liên tiếp Lê Trí Dũng cho ra đời “Những hòn cuội”. Tính đến nay anh đã có ba tập sách, đang rục rịch thai nghén đứa con thứ tư.

Như Xuân Diệu từng viết: “Ai đem phân chất một mùi hương”, chẳng nên tách bạch văn chương và hội họa Lê Trí Dũng. Thực ra, tuy có khác nhau về hình thức thể hiện thì cả hai đều là phương tiện để anh giải tỏa tâm hồn nhiều ẩn ức của một người lính đã kinh qua trận mạc, vào những năm tháng hào hùng oanh liệt nhất của cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại.

Khoái nhất là con ngựa đơn sắc

Chủ đề chính trong con đường viết lách của Lê Trí Dũng vẫn là chiến tranh (chiếm 70 phần trăm dung lượng trang viết như anh tự nhận). Tranh về chiến tranh của anh cũng nhiều, nhưng thứ nuôi sống anh lại chính là ngựa. Người ta nói vui: Lê Trí Dũng mở trang trại nuôi ngựa để… bán thịt ngựa, mua nhà. Chính họa sỹ cũng nhận: “Không có đống ngựa tôi chết đói từ lâu”. Trong thời buổi kinh tế suy thoái, tranh bán chậm chạp thì tranh ngựa vẫn đều khách: “Người ta mò đến nhà mua, từ lâu tôi đã không cần gallery”.

Con đường đưa anh đến với tranh ngựa bắt đầu từ câu chuyện buồn: “Năm 36 tuổi, tôi là một cán bộ nguồn ở một cơ quan. Rồi một ngày xấu trời (hay đẹp trời cũng nên), một người bạn cùng trang lứa, đã dùng “một con dao nhọn” đâm từ đằng sau lưng tôi, bởi sự tồn tại của tôi, sẽ ngáng trở bạn trên con đường tiến thân.

Thay vì trả đũa bạn, tôi viết đơn xin rũ bỏ tất cả. Đó là năm 1985, khi một biên chế trong cơ quan nhà nước vô cùng quan trọng. Ấy vậy mà tôi chấp nhận con đường trở thành một họa sỹ tự do. Tôi vẽ tranh kiếm sống suốt ba năm trời. Sáng, tôi dắt xe đi làm đều đặn, đó là tôi đi rải tranh ở các gallery, như người đi cất vó tôm, xem có con tôm, con cá nào rơi vào trong vó không, nhặt về nuôi hai đứa con thơ dại.

Chuyện chỉ lộ, khi chị gái tôi, giảng viên Trường Mỹ thuật Yết Kiêu đến nhà chơi, hỏi chuyện. Đến giờ nghĩ lại, tôi mãi mãi biết ơn “kẻ đã xiên táo” tôi trong thời bình, để tôi mãi mãi không trở thành “họa sỹ công chức”, thậm chí phải bỏ nghề như anh ta”.

Họa sỹ Thành Chương, một trong quái kiệt Hà thành khi đó, cũng ái ngại trước hoàn cảnh bấp bênh của ông bạn thân: “Ông bán được tranh thì sống, không bán được thì thế nào?”. Nhưng chính trong hầm tối, đã có tia sáng loé lên: “Tôi vẽ bức tranh “Quân doanh Từ Công”, doanh trại của tướng công Từ Hải. Trong đó có hình ảnh Từ Hải mặc võ phục oai phong ôm Thuý Kiều, nàng Kiều đang ôm cây đàn tì bà. Sau lưng họ là con ngựa. Một khách người Mỹ mua bức tranh này đã bảo với tôi: Tôi mua bức này không phải vì mua đôi trai gái mà là vì con ngựa đằng sau, đẹp quá”.

Từ đó, Lê Trí Dũng đã hình thành “trang trại ngựa”. Nửa thế kỷ vẽ tranh ngựa, ở Việt Nam hiện nay, khó có họa sỹ nào qua được anh. Đến mức, Thành Chương còn mang tranh ngựa của anh để so sánh với danh họa vẽ ngựa khiến cả thế giới nghiêng mình, Từ Bi Hồng. Nhà thơ Vũ Quần Phương đã làm thơ tặng Lê Trí Dũng: “Nghìn ngựa ào qua đầu ngọn bút/Thân chưa khô mực, đã đường xa/Ngựa ơi đồng đất người thiên hạ/ Cỏ nuôi mày vẫn cỏ lòng ta”.

Anh Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, cũng là một người yêu tranh ngựa. Phòng làm việc của vị giám đốc này treo tới 50 bức tranh ngựa của Lê Trí Dũng. Còn anh, trong cả đàn ngựa ngàn con, cuối cùng chỉ tìm về một con ngựa: “Con ngựa tôi khoái nhất là con ngựa đơn sắc, gần như chỉ có hai màu đen trắng, quay lưng lại người xem, bờm xù, dáng thản nhiên, ngạo nghễ. Rất ít người đồng cảm với con ngựa này. Cũng phải thôi, ước vọng đoàn viên, ước mơ hạnh phúc vẫn là ước muốn muôn đời của nhân loại. Nhưng than ôi! Sự cô đơn lại là số phận của những nghệ sỹ đích thực”.

Ngày vẽ, đêm viết

“Tôi vẽ ban ngày, viết ban đêm. Công việc của tôi không dùng từ bận mà phải dùng từ cực bận”. Vì thế, anh quý từng giọt thời gian. (Họa sỹ nói vui, trong lúc ngồi trò chuyện với tôi, anh đã có thể sinh ra hai chú ngựa). Anh vừa vẽ tranh, vừa minh họa cho các báo, trong đó Tiền Phong chủ nhật coi anh là người nhà (anh gọi đó là những phút tự thưởng cho mình). Ngay cả những khi giải trí như đang uống bia, cũng là lúc anh đang “nhặt cuội”. Dùng hòn cuội để đặt tên những tập sách của mình, bởi họa sỹ quan niệm, trong cuộc đời có những điều phi thường lại được che dưới lớp vỏ bình thường, dung dị.

Cha Lê Trí Dũng, họa sỹ Lê Quốc Lộc, một trong những người có công lớn ứng dụng chất liệu sơn mài trở thành chất liệu sáng tạo những tác phẩm mỹ thuật đậm đà tính dân tộc, đã từng yêu quý và nâng niu những hòn cuội. Chính tư tưởng nghệ thuật của cha đã ảnh hưởng sâu sắc đến anh: “Sự đam mê những hòn cuội, gốc tre, cành lau, mảnh vỡ đồ cổ, con chó đá… Lái tôi vào cái nhìn dân gian thuần Việt”.

Chẳng biết văn Lê Trí Dũng có duyên như hội họa hay không, đó là băn khoăn của không ít người. Họa sỹ kể câu chuyện: “Một người không quen biết đến nhà tôi, thấy tập sách của tôi để trên bàn đã tranh thủ đọc. Khi về nhà anh ta nhắn tin cho tôi rằng, dù chỉ đọc lướt trong nửa tiếng đồng hồ nhưng ông đã nói hộ chúng tôi quá nhiều. Trong khi nhắn tin cho ông, tôi đã khóc”.

Như họa sỹ đã nói: “Tôi không định trở thành nhà văn. Nhưng mắm muối nó nhiều quá, ngồn ngột chỉ việc bốc ra mà nấu ăn thôi”. Có người đã gợi ý, Lê Trí Dũng nên viết tiểu thuyết mới chở hết nguồn nguyên liệu anh tích lũy bấy lâu. Họa sỹ đáp: “Tôi không định viết cái gì và không định gì. Ngoài tản văn tôi không biết viết gì nữa, mà ngay cả viết cái này tôi cũng không biết là tản văn. Nói ra được lòng mình là xong hết nhiệm vụ”.

Văn Lê Trí Dũng không hề có dụng công về mặt kỹ thuật thể hiện, anh viết một cách bản năng, nhưng cái bản năng đầy xúc cảm của anh đã lây sang người đọc. Từ những chuyện giản dị, như câu chuyện về một cái ca, chuyện vẽ tranh cho vị Tổng tư lệnh, ngay cả mạn đàm về thế thời, cũng nghe thấy nhịp đập của trái tim người viết.

Đọc Lê Trí Dũng, tôi lại nghĩ đến văn Nguyên Hồng, bình dị nhưng khiến người ta khó cầm lòng. “Những viên cuội nhặt dọc đường” dự định sẽ kết thúc ở tập thứ mười. Nay mới xuất bản tập thứ ba, nghiệp viết của họa sỹ tài hoa này còn nặng nợ.

Bán tranh để in sách và… xuất ngoại

Họa sỹ Lê Trí Dũng: Sống và viết bằng... ngựa ảnh 2

Người trong nghề đều biết, song song với vẽ ngựa, Lê Trí Dũng còn đeo đuổi sen suốt nửa thế kỷ nay: “Sen của tôi không giống mọi thứ sen trên đời. Nó giống tôi”. Ngoài ra, vẽ rắn, vẽ những con giáp, vẽ những nhân vật trong truyện Kiều… cũng là một thứ “hàng độc” mang tên Lê Trí Dũng.

Lê Trí Dũng dùng tiền bán tranh để in sách và chi dùng khi được mời xuất ngoại. Chuyến đi Mỹ đầu tiên của anh (1991) đã được chính ngoại trưởng Mỹ John Kerry (khi đó còn là một thượng nghị sĩ) can thiệp để cấp thẻ visa. Anh đã ở Mỹ ba tháng, đi 21 bang, lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm cùng những cựu binh Mỹ, đến nỗi một cựu binh Mỹ phải thốt lên: Ông đến những nơi cả đời tôi chưa từng đặt chân đến.

Tại đây anh đã gặp những người lính Mỹ mắc chứng tâm thần, hậu quả từ cuộc chiến. Quà tặng của hoạ sỹ cho họ chính là những chiếc vòng bằng xương có hình bông hồng. Một người lính Mỹ đã quì xuống ôm lấy Lê Trí Dũng, khóc nức nở: Tôi đã được người lính Việt cộng tặng cho bông hoa hồng. Tôi đã sống trở lại được rồi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG