Họa sỹ Đào Hải Phong: 'Chia tay' đồ hiệu đã 10 năm nay

TPO - 10 năm nay tôi đã rời xa đồ hiệu rồi! Khi hiểu đồ hiệu thì thấy mình không cần nữa vì chúng vừa đắt, vừa không thuộc về mình mãi được. 

Xuất hiện ở bất cứ đâu, anh cũng gây chú ý bởi phong cách thời trang ấn tượng. Có phải do hiệu ứng “đồ hiệu” đưa lại?
Đào Hải Phong: 10 năm nay tôi đã rời xa đồ hiệu rồi! Khi hiểu đồ hiệu thì thấy mình không cần nữa vì chúng vừa đắt, vừa không thuộc về mình mãi được. Tôi là nghệ sỹ tại sao tôi không tìm cho mình một “xì tai” tự do hơn, chủ động hơn lại không đụng hàng?

Họa sỹ Đào Hải Phong: 'Chia tay' đồ hiệu đã 10 năm nay ảnh 1

Họa sỹ Đào Hải Phong (Ảnh: Ngô Thảo)

“Xì tai” không đụng hàng, ấy chính là “Lối Phong”! Trang phục ngày tết của anh có gì đặc biệt so với ngày thường không?

Đào Hải Phong: Tết cũng như ngày thường. Bởi tôi đã bao giờ mặc xấu đâu? Chỉ có thêm tí màu tươi tắn vào sơmi hoặc khăn, cho khác ngày thường, theo phong tục Á Đông.

Quay lại hội họa, anh có quan trọng sự “khai bút” như nhiều nghệ sỹ khác không?

Đào Hải Phong: “Khai bút” là truyền thống rất hay của những người làm nghề cầm bút. Tôi lại nhớ đến cha mình (cố NSND Đào Đức-PV). Sinh thời trên người ông lúc nào cũng có một quyển sổ 20/25 cm và một cây bút nét to, dùng để ghi chép, ký họa… Bố tôi hay vẽ ký họa chân dung một ai đó như con cái, bạn bè... vào ngày tết và ông gọi đó là khai bút đầu xuân. Thói quen của cha tôi ảnh hưởng không nhỏ tới tôi sau này. Với tinh thần của cá nhân tôi, “khai bút” có ý nghĩa quan trọng. Tôi cho rằng, những người cầm bút chân chính hoăc sống được như tôi, đều chung ý nghĩ ấy. Đây là một cách thể hiện sự tôn trọng nghề như luật bất thành văn.  Gọi là “nghi lễ” với nghề cũng đúng. 

Họa sỹ Đào Hải Phong: 'Chia tay' đồ hiệu đã 10 năm nay ảnh 2

"Mùa xuân chín" của Đào Hải Phong 

Anh thường “khai bút” như thế nào và vào thời điểm nào của tết?

Đào Hải Phong: Tôi đặt một mảng màu hay một nét bút vào toan đã được căng sẵn. Tất nhiên sẽ chọn một ngày tốt của đầu năm đó, ví dụ năm Tân Sửu này tôi chọn 10 giờ sáng mồng 2 , sau khi thắp hương đầu năm. Mồng 2 tết năm nay tôi không đi đâu vì COVID nên rất tiện cho việc "khai bút". Tranh khai bút dù đẹp hay chưa đẹp thì cũng là tín hiệu của năm.

Vì sao ít thấy anh vẽ con giáp chào đón năm mới?

Đào Hải Phong: Tôi có vẽ con giáp nhưng chỉ khác các họa sỹ khác là tôi chỉ vẽ con nào tôi thích. Thí dụ tôi thích Mèo (Mão) và Rắn (Tỵ). Tôi không cố vẽ theo kiểu thời vụ, bởi vẽ kiểu đó khó Đẹp. Đã khó Đẹp thì mất công làm gì?

Họa sỹ Đào Hải Phong: 'Chia tay' đồ hiệu đã 10 năm nay ảnh 3

Đào Hải Phong bên tác phẩm của mình 

Là trai Hà Nội, lại con nhà nòi, anh có hồi tưởng tết xưa?

Đào Hải Phong: Ngày xưa, tết đến, gia đình tôi bao giờ cũng đến nhà ông nội ở phố Thợ Nhuộm để thăm ông. Trước đó, ngày 25, 27 tết, chúng tôi mang đến biếu ông một thứ gì đó rất vừa phải, thí dụ gói bánh, gói kẹo hoặc chai rượu, để thắp hương.

Ông nội tôi là một nhà nho. Bố tôi là con trai út trong gia đình có 5 người con. Người con thứ hai của ông nội tôi, tức bác trai của tôi,  là Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đào Văn Tiến, nhà sinh học Việt Nam có nhiều công trình trong lĩnh vực động vật học. Một người anh nữa của bố tôi làm ở Bộ Công Nghiệp. Còn bố tôi là một nghệ sỹ.

Ấn tượng không phai trong tôi, là khi ba người con trai đến nhà ông nội, ông cho ba người con ba chữ, viết trên tấm giấy điều mua ở Hàng Mã. Ông nội tôi cho chữ dựa theo tính cách người con của mình. Ngày xưa, các cụ bấm được tử vi, nên cũng có thể ông nội cho một chữ nào đó có ý nghĩa giải hạn, mang lại yên bình cho con. Chẳng giống thời bây giờ. Người ta đua nhau xin chữ “Lộc”. Một số người tế nhị hơn xin chữ “Phúc”. Người ta thích cầu những gì có lợi. Nhưng họ quên rằng, có phúc là có tất cả.

Họa sỹ Đào Hải Phong: 'Chia tay' đồ hiệu đã 10 năm nay ảnh 4 "Mùa mới" rực rỡ của Đào Hải Phong
MỚI - NÓNG