Khoảng mươi năm lại đây, cuộc sống đã dư dật nên những thú chơi tết là muôn hình vạn trạng. Đệ nhất vẫn là ăn rồi uống rồi hớn hở du xuân. Ở tiết xuân, ai nấy đều khai mở phóng khoáng dễ dàng thích ăn ngon. Không phải ngẫu nhiên mùa xuân là mùa của lễ hội, của cỗ bàn. Thế nhưng ở ngày xưa, tất nhiên cũng chưa xưa lắm, thời bao cấp chẳng hạn. Lúc ấy mọi thứ thường bần bạch, nên có một thú hình như đã thất truyền. Đó là cuộn mình trên giường vùi trong chăn ấm mà nằm đọc sách cũ. Thực ra nhiều cuốn còn rất mới, vì vừa mua trong năm nhưng bởi vô số lý do như vất vả mưu sinh hoặc lừa lọc yêu đương rồi phóng túng uống rượu nên vứt cả đống đấy chưa kịp đọc. Không ít trang còn chưa rọc, phong kín mùi trinh nguyên thơm mực in, phảng phất quyến rũ như mùi thiếu nữ khuê các sang trọng bị cấm cung ở cái thời đoan trang lãng mạn phong kiến.
Sách đọc để giải trí, đặc biệt là với đa phần nam độc giả, thì không có gì bằng những bộ trường thiên tiểu thuyết võ hiệp. Đây là một kiểu loại văn học cả Tây lẫn Đông đều ưa thích. Kiếm hiệp Tây được biết đông đảo ở Việt Nam đáng kể có “Ai Van Hô” của Waltter Scott người Anh, có “Ba chàng ngự lâm pháo thủ” của Alexandre Dumas người Pháp… Còn ở phương Đông không thể không kể hai đại gia, Kim Dung và Cổ Long. Cả hai ông một trước một sau làm mưa làm gió trên văn đàn võ lâm Đông Á, gây hỉ nộ ái ố cho không biết bao nhiêu nước mắt nụ cười của triệu triệu độc giả. Thật chân chính xứng đáng với danh xưng, tuyệt đại song hùng.
Có lẽ vì thế, Tết nằm đọc sách thì đại khoái là chuyện “chưởng”, nhất đấy lại là những bản dịch in trước năm bẩy nhăm. Dịch giả hầu như toàn cao thủ. Bậc thượng thừa thì có Hàn Giang Nhạn rồi đến Tiền phong Từ Khánh Phụng. Ông Hàn tên thật là Bùi Xuân Trang, dân Bắc di cư, một bậc thầy nôm hóa chữ Hán Việt. Ví như tên hồi mở đầu bộ “Tiếu ngạo giang hồ” ông dịch là “trong tửu quán phát sinh biến cố”. Còn bây giờ người ta ngô nghê dịch, ở quán rượu nẩy sinh đánh nhau. Ông Phụng gốc Hoa, dân Minh Hương lưu lạc. Theo “chưởng” sử thì ông Phụng là người đầu tiên dịch “Ỷ Thiên Đồ Long ký” thành “Cô gái Đồ Long”, một trong thập đại kiệt tác của Cắm Dùng xếnh xáng (Kim Dung tiên sinh). Ông bị tiếng là dịch vừa nhanh vừa ẩu nhưng tuyệt hay. Nhà thơ lừng lẫy tiền chiến Vũ Hoàng Chương mến mộ có làm thơ tặng mà hai câu cuối đầy ngạo khí. “Cắm Dùng cha đẻ Trương Vô Kỵ. Sìn Phoóng con nuôi Đại Ỷ Ty”. Sìn Phoóng là “tiền phong”, cách đọc của mấy “xếnh xáng” Tàu ở lâu trên đất Việt. Nói chung, văn dịch của cả ông Hàn và ông Phụng đều đã tới cảnh giới thượng thừa, vừa hoang đường vừa tàn bạo. Đây chính là hai phẩm tính tiêu biểu của văn chương kiếm hiệp.
Có một điều khá lạ, tuy thích đọc truyện võ hiệp nhưng ở ta rất hiếm người sáng tác. Gần như duy nhất chỉ có cụ Phan Sào Nam từng viết “Trùng Quang tâm sử”, phảng phất khí vị hành hiệp chương hồi nhưng lại bằng chữ Hán. Có lẽ các tác giả nội khi đã biết chữ thì hay làm thơ, sau đấy gom thi phẩm để phấn đấu vào các văn đoàn. Cực kỳ ít những người phóng khoáng chịu chen bút tới rừng võ. Vì thế, cho dù võ lâm Việt có khá nhiều chân chính “nhất lưu cao thủ”, nhưng họ chỉ tồn tại ở truyền khẩu giai thoại, tên tuổi dần úa theo năm tháng thành mờ nhạt. Đấy là chưa kể truyện kiếm hiệp Tàu vốn thành danh sớm, ào ạt tràn vào ta bắt nạt. Đến mức mà nhà văn tiền bối Phạm Cao Củng, một chuyên gia đầu ngành về kiếm hiệp hơn tám chục năm trước đã phải tủi thân nghĩ. “Tại sao mình không viết một truyện kiếm hiệp Tàu, rồi tuy là truyện mới sáng tác, cũng cứ đề là chuyện dịch”. (Hồi ký Phạm Cao Củng-NXB Hội Nhà Văn, trang 58). Bộ “Giang Đông tam hiệp” hay bộ “Lục kiếm đồng” do ông giả vờ dịch được “ngạo nghễ ra mắt độc giả suốt từ Bắc vào Nam, bán nhiều hơn hẳn những bộ truyện dịch chính cống”. Tờ “Tiểu thuyết nhật báo”, chủ yếu in truyện kiếm hiệp của dịch giả Văn Tuyền (bút danh của Phạm Cao Củng) bán ba xu một số thành công phi thường. Thuật ngữ “chuyện ba xu” là từ đó mà ra.
Có thể nói tiểu thuyết võ hiệp là một thứ tiểu thuyết duy nhất mà khi đọc người ta luôn sợ hết. Sau khi Sài Gòn giải phóng, chuyện “chưởng” đủ loại, vũ bão tràn ra Bắc. Khắp các vỉa hè Hà Nội thường thấy cái cảnh, một trung niên hay một thanh niên nào đó, tóc tai bơ phờ mắt mọng đỏ vì mất ngủ, đang vùi đầu nốt vào cuốn sách có bìa màu sặc sỡ vẽ một cặp nam nữ múa kiếm mặc võ phục cổ trang. Hoặc truyện đấy là thuê, hoặc truyện đấy là mượn, rất hiếm người sở hữu được một bộ “chưởng” hoàn chỉnh tử tế. Bọn họ vừa đọc vừa thỉnh thoảng lấy tay nhấp nhấp những tờ còn lại. Quái quỉ, sao mà nó hết nhanh thế. Thật khác xa cái kiểu đọc bây giờ, người ta chỉ nhanh nhanh chóng chóng sốt ruột muốn đọc cho xong.
Chuyện kiếm hiệp mà hay thì đương nhiên phải ly kỳ. Nào là trắc trở giành giật võ công bí kíp, nào là ân oán mê muội lẫn lộn ái tình. Đại hiệp hay đại đạo đều tuyệt đỉnh thông minh, nữ hiệp hay nữ ma đều phức tạp đa mưu lắm kế. Xem các đại cao thủ của Cổ Long phá án thì hồi hộp hơn hẳn những phim “Ắc sần” Holywood. Tình tiết tinh tế, câu chữ thâm hậu. Người tốt người xấu hoang mang mờ mờ trộn suốt vào nhau, chỉ đến trang cuối cùng mới vỡ òa chính tà minh bạch. Đọc Kim Dung, nhiều độc giả đàn ông phát rồ hạnh phúc sẵn sàng “tẩu hỏa nhập ma” quên đi nhiều thứ vớ vẩn ở đời thường. Điều quan trọng nhất với họ là trong ba đêm Lệnh Hồ công tử có lĩnh hội xong Độc Cô cửu kiếm được không, và Trương giáo chủ trong khoảng khắc ngắn ngủi, liệu có luyện nổi Càn Khôn nã di đại pháp. Vô phúc cho tay vợ nào đúng vào thời điểm sinh tử ấy, lại sai chồng đi đón con tan học. Bảo đảm xoong chảo sẽ bay tứ tung, mặt mũi gia đình rất dễ tan nát giống hệt như cảnh Âu Dương Tây Độc định cướp Cửu Âm chân kinh bị Vương Trùng Dương giả chết phóng cho một nhát “nhất dương chỉ”. Còn các nhân vật của Cổ Long lại rất khác. Cổ đại hiệp sắc sảo uyên thâm chuyển tải những tinh hoa của dòng trinh thám Âu Mỹ tái tạo vào các cô lếch xông tiểu thuyết mà ông quen gọi là hệ liệt. Người đọc say mê khi thấy chất ga lăng của hiệp sĩ Tây được kết hợp rất nhuyễn với cái thâm trầm nội tâm của quân tử Tàu. Sự sâu sắc của thám tử Poirot, sự linh lợi của vua ăn cắp Arsene Lupin, sự hào hoa của James Bond 007 được “Đông hóa” một cách tuyệt vời trong hiệp đạo Sở Lưu Hương, trong lãng tử Lục Tiểu Phụng, trong đại kiếm khách Tây môn Xuy Tuyết. Thật là một lối vung bút ra chiêu tân kỳ mà trước ông chưa thấy có ai, sau ông lại càng không thấy. Nhân vật anh hùng của Cổ Long tất thảy đều bi tráng cao thượng. Họ luôn sẵn sàng làm những việc nghĩa mà chính họ đều biết là nguy hại cho bản thân, nhưng không thể không làm. Một điểm đáng nói nữa, văn chương Cổ Long rất u mặc, đọc ông tự thấy nao nao buồn rồi cay đắng bật cười.
Tết con Trâu đang chầm chậm đến, bất chấp đại dịch “cô vi” thập diện mai phục. Nhiều phố cổ như đứng yên trong màn mưa phùn luênh loang mùi men bàng bạc ấm nồng tửu khí, ai ai mặt cũng náo nức đào hoa tương ánh hồng. Cảnh sắc tiêu tao diễm lệ ở thời khắc yên bình tràn ngập chính khí. Trên ban công có giàn hoa giấy qua cánh cửa sổ khép hờ, thấp thoáng một thiếu phụ kiêu sa ôn nhu ngồi xem phim “Thiên Long bát bộ”.
Cũng lâu rồi những lúc bâng khuâng Tết, người Hà Nội đã mất dần thói quen đọc sách.