Họa sĩ, nhà thơ cả đời đi 'guốc mộc' Lê Huy Quang qua đời

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Họa sĩ, nhà thơ Lê Huy Quang đột ngột qua đời đêm 21/8. Ông rời cõi tạm ở tuổi 80. Không chỉ vẽ, làm thơ, viết báo, NSND Lê Huy Quang có niềm đam mê bất tận với sân khấu. 

Hội nhạc sĩ Việt Nam vừa thông báo tin buồn: Họa sĩ, nhà thơ Lê Huy Quang đột ngột qua đời đêm 21/8. Ông là Thư ký tòa soạn của Tạp chí âm nhạc Việt Nam (Hội Nhạc sĩ Việt Nam).

NSND Lê Huy Quang sinh năm 1944 tại Thạch Hà, Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp lớp Trung cấp và Cao đẳng Mỹ thuật trường Nghệ thuật Hà Nội khóa 1966-1973. NSND Lê Huy Quang tốt nghiệp Đại học Sân khấu - Điện ảnh năm 1982.

Họa sĩ, nhà thơ cả đời đi 'guốc mộc' Lê Huy Quang qua đời ảnh 1

NSND Lê Huy Quang đột ngột qua đời ở tuổi 80.

Từ năm 1976, ông làm báo tại Tạp chí Sân khấu, đồng thời trở thành họa sĩ thiết kế mỹ thuật Nhà hát Tuồng Việt Nam. Ông đảm nhiệm vai trò thiết kế mỹ thuật cho hơn 300 vở diễn cho các đơn vị nghệ thuật sân khấu trong cả nước.

Nhà phê bình Đặng Trường Lưu từng nói về tranh của họa sĩ Lê Huy Quang: "Qua những tác phẩm hội họa… cũng đủ cho ta nhận ra một bản lĩnh riêng, một mảnh hồn riêng Lê Huy Quang đằm thắm và bình thản trước ồn ào cởi mở, có khi thái quá của đời sống nghệ thuật hiện nay".

Bên cạnh mỹ thuật, NSND Lê Huy Quang khẳng định tài năng ở lĩnh vực thơ ca. 108 bài thơ, tập hợp sáng tác của ông từ năm 1968-2008 được đặt tên Phải khác. Cái tên bày tỏ quan điểm sống, quan niệm nghệ thuật của ông.

NSND Lê Huy Quang đạt nhiều giải thưởng về hội họa, bìa sách, đồ họa, trang trí sân khấu và thơ. Ông nổi tiếng với những tác phẩm thơ như Ảo ảnh đồng quê, Ký ức tuổi thơ, Phố sau mưa...

Đặc biệt, ông sở hữu hơn 20 Huy chương Vàng, Bạc tại các Hội diễn sân khấu toàn quốc. Tại Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp năm 2010, NSND Lê Huy Quang đoạt giải Họa sĩ xuất sắc nhất cho thiết kế mỹ thuật của vở Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ (Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế)

Họa sĩ, nhà thơ cả đời đi 'guốc mộc' Lê Huy Quang qua đời ảnh 2

Nhà thơ, họa sĩ Lê Huy Quang quan niệm làm nghệ thuật phải tạo ra sự khác biệt.

Nhà thơ, họa sĩ Lê Huy Quang được nhớ đến với phong cách suốt đời chỉ đi guốc mộc, đeo nhẫn bạc, vòng bạc. Ông thường thích mặc hai màu đỏ đen.

Nhận tin NSND Lê Huy Quang qua đời, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều sững sờ. "Hình ảnh nhà thơ Lê Huy Quang hiện ra với mái tóc dài và đi đôi guốc mộc kể cả những ngày giá lạnh của mùa đông. Và nhà thơ đi guốc mộc rất nhà quê ấy lại là một người phá phách trong thơ ca từ những năm đầu tiên của đổi mới", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng người khen Lê Huy Quang cũng đông và người phê phán ông cũng không ít. Nhưng ông chẳng để ý gì, cứ "thủng thẳng đi qua đời sống này bằng một đôi guốc mộc và rồi đi thẳng tới thiên đường".

Cha của NSND Lê Huy Quang là một nghệ nhân tuồng cổ. Mẹ ông cũng theo chồng đi cùng các gánh hát. Tiếp nối truyền thống yêu nghệ thuật của gia đình, ba anh em họa sĩ Lê Huy Quang trở thành những tên tuổi trong làng nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Anh cả Lê Huy Hòa là họa sĩ xuất sắc của khóa Mỹ thuật kháng chiến được đào tạo tại chiến khu Việt Bắc năm xưa, được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012.

Người em út của NSND Lê Huy Quang là Lê Huy Hạnh - vốn là một người lính chiến trường Lào, Tây Nguyên. Sau này, ông là họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà thơ của Hội Văn học nghệ thuật Đà Nẵng.

MỚI - NÓNG
Hà Nội chuẩn bị đón thêm mưa lớn dịp cuối tuần
Hà Nội chuẩn bị đón thêm mưa lớn dịp cuối tuần
TPO - Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 24h qua khu vực Miền Bắc, Thủ đô Hà Nội có diễn biến giảm mưa gián đoạn. Mưa lớn xuất hiện chủ yếu về đêm, trời mát mẻ với nhiệt độ thấp nhất từ 23-26 độ C. Dự báo khoảng từ 11/5 khu vực lại đón một đợt không khí lạnh yếu gây mưa diện rộng.
Điều chưa biết về di sản tư liệu cửu đỉnh Hoàng cung Huế vừa được UNESCO ghi danh
Điều chưa biết về di sản tư liệu cửu đỉnh Hoàng cung Huế vừa được UNESCO ghi danh
TPO - Những bản đúc trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế là bộ sưu tập gồm 9 đỉnh đồng hay còn gọi là cửu đỉnh, do vua Minh Mạng cho đúc năm 1835. Các chuyên gia nhấn mạnh những bản khắc này được coi là "Địa dư chí lược" của Việt Nam đầu thế kỷ 19 được ghi bằng ngôn ngữ tạo hình với hàng trăm họa tiết được chạm nổi tinh xảo.