HOA HỌC TRÒ hành trình đến với bạn đọc của tuổi mới lớn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 15/10/1991, tờ Hoa Học Trò ra mắt bạn đọc. Trên trang 2 in bài “Hoa Học Trò đơm nụ đầu” như một lời chào với câu kết: “HOA HỌC TRÒ đơm nụ đầu tiên vì bạn, cho bạn - HOA HỌC TRÒ là chính bạn. Hãy làm phong phú chính mình, tự nâng mình lên qua từng trang viết. Xin đừng ngại ngùng với “cái thuở ban đầu” đầy bỡ ngỡ và ai nỡ trách những nụ đầu mùa. Hãy để vườn hoa ấy sum suê ngát hương nở rộ muôn sắc muôn màu. Hỡi bạn thân yêu, cổng vườn đã mở”.

Tìm lại tuổi thơ qua trang báo

Số báo Hoa Học Trò đầu tiên in 20 trang cả bìa, khổ 19x27cm. Bìa màu là hình ảnh của Lan Hương, đại biểu Cháu ngoan Bác Hồ tỉnh Tuyên Quang (ảnh của Hoài Linh). Số báo đầu tiên có giá bán ưu đãi là 600 đồng, về sau tăng lên 700 đồng.

HOA HỌC TRÒ hành trình đến với bạn đọc của tuổi mới lớn  ảnh 1

Từ bên phải sang: Trang Hạ (trưởng Hội bút Hương Đầu Mùa), Đông Nhi (Tây Nguyên), nhà báo Nguyễn Như Mai, Phạm Thanh Thủy (Hải Phòng), Nguyễn Phan Hưng

Có thể xem đó là định hướng phong cách Hoa Học Trò. Không còn là anh phụ trách nói với các em thiếu nhi, bạn đọc từ khách thể trở thành chủ thể của tờ báo. Các trang mục bày ra như “lót ổ cho chim vào đẻ trứng”. Đó là Trang nhật ký để ngỏ, sáng tác Hương đầu mùa, Tâm tình tuổi mới lớn, Học trò bình thơ học trò, Nhịp cầu tuổi hoa, Văn phòng Di vu của anh Chánh Văn...

Từ số 1 đến số 4, nội dung và hình thức của tờ báo đã được định hình. Qua trang báo Hoa Học Trò, nhiều nhà văn, nhà thơ cũng tìm lại cảm hứng sáng tác cho lứa tuổi chính mình đã trải qua như Trần Mạnh Hảo, Trần Hoài Dương, Định Hải, Phạm Đức, Võ Xuân Hà...

HOA HỌC TRÒ hành trình đến với bạn đọc của tuổi mới lớn  ảnh 2

Bài thơ Tuổi thơ được nhạc sĩ Văn Cao viết tay đăng trên Hoa Học Trò số 2

Trên số báo thứ 2, nhạc sĩ Văn Cao ưu ái tặng bài thơ viết tay Tuổi thơ cho báo. Nhạc sĩ Trần Hoàn sáng tác ca khúc Tuổi mười sáu mừng Xuân tuổi Hoa (số 4). Như một hiệu ứng, các bài viết, sáng tác của các em ùa về báo. Hằng ngày, bưu điện chuyển đến hàng bao tải thư từ bạn đọc gửi về. Và như thế, chính các em đã chiếm lĩnh hầu hết các trang báo. Hoa Học Trò lan tỏa đến các trường học, rộ lên phong trào báo tường Hoa Học Trò trường mình, Hoa Học Trò lớp mình.

Đến với bạn đọc

HOA HỌC TRÒ hành trình đến với bạn đọc của tuổi mới lớn  ảnh 3

Bìa số báo Hoa Học Trò đầu tiên ra mắt ngày 15/10/1991

Với định hướng “Hoa Học Trò là của bạn”, trước hết phải xác định được đối tượng bạn đọc là ai, Ban Biên tập báo nghiên cứu và tham vấn các chuyên gia đầu ngành. Nhà sư phạm tâm lý Phạm Hoàng Gia đưa ra một định nghĩa rất hay: Tuổi mới lớn là tuổi thay áo nhân cách. Ngay khi báo ra cũng là lúc đội ngũ thực hiện lên đường tìm hiểu bạn đọc tiếp nhận như thế nào.

Hai nhà báo Nguyễn Như Mai và Đoàn Công Huynh lên xe máy đèo nhau trực chỉ đến Thành Nam, “đột nhập” vào Trường phổ thông Lê Hồng Phong gặp gỡ đối thoại với một lớp chuyên văn. Sau khi báo ra số 2, cả một đoàn báo Hoa lên Tuyên Quang, giao lưu với học sinh thành Tuyên và học sinh Trường dân tộc nội trú Hà Tuyên.

Khi chuẩn bị ra báo Hoa, nhiều ý kiến cho rằng, may ra báo cũng chỉ chiếm lĩnh thị phần phía Bắc vì phương Nam đã có Mực Tím và rất nhiều dạng báo chí cho tuổi học trò rồi, vả lại “khẩu vị” người đọc trong Nam khác ngoài Bắc. Đầu năm 1992, khi công việc tòa soạn đã tạm ổn, Tổng Biên tập Phong Doanh dẫn đầu một đoàn xuyên Việt để “quảng bá” cho tờ báo, thu thập báo tường các trường mang về dự thi, đồng thời phát hiện và “lôi kéo” các cây bút năng khiếu khắp mọi miền.

HOA HỌC TRÒ hành trình đến với bạn đọc của tuổi mới lớn  ảnh 4

Hội báo mừng Hoa Học Trò tròn 1 tuổi

Cả đoàn bảy người gồm cả phóng viên Thiếu niên Tiền phong ngồi chật chiếc xe Uaz. Từ Nha Trang trở đi, các phóng viên báo Đội tách ra, trong đoàn chỉ còn Tổng Biên tập Phong Doanh, Nguyễn Như Mai và phóng viên ảnh Hoài Linh. Đến địa phương nào thì đoàn liên hệ với Tỉnh Đoàn hoặc các hội văn nghệ địa phương, đồng thời trực tiếp vào trường tiếp xúc với học trò.

Tại Nha Trang, đoàn tìm được hai cây bút học trò Trần Đức Hạnh (Mây Tím) và Thanh Hà sau này là thành viên Hội bút Hương Đầu Mùa. Đặc biệt, truy lùng được Lê Đức Dương, lập ban đại diện của báo ở Nha Trang. Tại Trường THPT Lê Quý Đôn TPHCM - một trường chuyên của thành phố, đoàn có cuộc tọa đàm với các em yêu văn học với sự tham dự của nhà văn Nguyễn Quang Sáng và giáo viên/nhà văn Trần Đồng Minh. Tại TPHCM, đoàn lôi kéo được các cây bút sáng giá như Châu Giang và Dương Thụy (sau này Châu Giang trở thành nhóm trưởng Hội bút Hương Đầu Mùa phương Nam). Tòa soạn phân công nhà báo Phạm Công Luận đặc trách biên tập và viết bài cho Hoa Học Trò.

Tại Cần Thơ, đoàn liên tục đến các trường giao lưu tưng bừng và tìm thấy “cây thơ” Lê Thị Thanh Tâm. Khi trở về, đoàn vòng qua Tây Nguyên, lên xứ hoa Đà Lạt đến giao lưu với các bạn trường Thăng Long, Bùi Thị Xuân, “tóm được” nhóm bút Mimosa của “nữ sĩ” Xuân Hương xinh đẹp, người trùng tên với bà chúa thơ Nôm.

Chuyến đi cũng giúp phóng viên ảnh Hoài Linh thực hiện được bộ ảnh hoa khôi của các trường, được sử dụng làm ảnh bìa hàng chục tháng trời không hết. Đi đến đâu, đoàn đều gửi bài về đăng trên Hoa Học Trò. Những bài viết về trường đào tạo tiếp viên hàng không, trường dạy y học dân tộc, trường học sinh khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, trường dân tộc nội trú Tây Nguyên, trường học bình dân xóa mù chữ ban đêm của các em Pleiku… đã mang đến diện mạo của một tờ báo đại diện cho tuổi mới lớn trên khắp cả nước.

Chiếc xe Uaz chất ngất kềnh càng chở hàng trăm tờ báo tường đủ loại, đủ mọi hình thức. Đó là nguồn bài vở và tác giả vô cùng phong phú để sau đó đoàn công tác chấm trao giải “Hoa Học Trò trường mình, Hoa Học Trò lớp mình”. Ngày hội kỷ niệm 1 năm báo Hoa, các báo tường này được đem ra trưng bày vô cùng độc đáo.

Nhiều cây bút học trò được phát hiện, mời cộng tác trong chuyến “tuyển cộng tác viên” xuyên Việt này đã trở thành nòng cốt của Hội bút Hương Đầu Mùa - một “câu lạc bộ” mở quy tụ những cây bút tuổi học trò, phát triển nở rộ suốt một thập kỷ, cho ra đời nhiều tác phẩm văn học và loạt ấn phẩm cùng tên trưởng thành cùng bạn đọc Hoa Học Trò. Đến tận bây giờ, truyền thống chiêu mộ tài năng học trò để viết về chính đời sống học trò vẫn tiếp tục được những người làm báo Hoa phát triển.

Sau gần 70 năm lại về cùng “một nhà”

Chuyện là, ngay từ khi ra đời (16/11/1953), báo Tiền Phong đã được Trung ương Đoàn giao nhiệm vụ cùng Ban Thiếu nhi trung ương chuẩn bị ra một ấn phẩm dành cho thiếu nhi.

Tháng 5/1954, tại Bản Dõn (xã Thanh La, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) chủ nhiệm báo Tiền Phong Nguyễn Lam, cho mời nhạc sĩ Phong Nhã đến giao nhiệm vụ này. Anh Phong Nhã vốn hoạt động trong phong trào hướng đạo sinh và phụ trách thiếu nhi của Thành đoàn Hà Nội, bấy giờ đang là phó ban Thiếu nhi Trung ương. Nhận trọng trách mới, nhạc sĩ Phong Nhã đến gặp các văn nghệ sĩ mời cộng tác. Bài vở sau khi biên tập được họa sĩ Tôn Đức Lượng trình bày. Ma-ket và bài vở được thư ký tòa soạn Nguyễn Thanh Dương thông qua, trước khi đưa đến chủ nhiệm Nguyễn Lam duyệt.

Ngày 1/6/1954, tờ phụ san đặc biệt Tiền Phong Thiếu Nhi ra mắt bạn đọc. Báo vẻn vẹn có 4 trang khổ 19x27cm. Trang nhất in trang trọng thư Bác Hồ gửi các cháu nhi đồng nhân ngày quốc tế thiếu nhi 1/6. Đó chính là ngày khai sinh của báo Thiếu niên Tiền phong. Và cũng là nguồn cội của các báo Nhi đồng, Hoa Học Trò và Sinh Viên Việt Nam sau này.

MỚI - NÓNG