Trong vòng chưa đầy 1 tháng, địa bàn Hà Nội đã liên tiếp xảy ra 3 vụ cháy liên quan đến các quán karaoke. Ngày 31/8 xảy ra vụ cháy quán karaoke trên phố Vũ Tông Phan (quận Thanh Xuân) thiêu rụi tầng 3, tầng 4 của quán. Ngày 17/9, lại một vụ cháy lớn tại quán karaoke trên đường Nguyễn Khang khiến hàng chục người tháo chạy, ngọn lửa lan mạnh từ tầng 2 tới tầng 7 toà nhà. Mới đây, tối 19/9 hoả hoạn lại xảy ra tại một quán hát tại huyện Đông Anh.
Hà Nội hiện có rất nhiều quán karaoke, tập trung tại một số khu vực thuộc quận Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng… hầu hết được chuyển đổi công năng từ nhà ở sang quán karaoke, xây theo kiểu hình ống, không có lối thoát nạn.
Nguy hiểm hơn, những quán karaoke đa phần trưng biển quảng cáo rất lớn, bịt kín toàn bộ cửa sổ toà nhà. Ghi nhận trên đường Xã Đàn (quận Đống Đa), tính cả đường ngách có trên dưới 10 quán karaoke. Có quán bao phủ toàn bộ mặt tiền 5 tầng là đèn LED trang trí, có quán lắp đặt màn hình khổng lồ để thu hút khách. Theo tiết lộ của một chủ quán karaoke, kinh phí đầu tư cho một bộ đèn LED lớn như vậy trung bình khoảng 500 triệu đồng.
“Xu thế hiện nay, các quán hát càng hiện đại, bảng quảng cáo càng phải “hầm hố” để thu hút khách”, một chủ quán cho hay. Về vấn đề PCCC, chủ quán cho biết, Cảnh sát PCCC có hướng dẫn kỹ thuật thoát nạn và chữa cháy, tuy nhiên nhân viên quán thay đổi liên tục nên chính anh này cũng không nhớ nhân viên nào đã được tập huấn.
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, hầu hết các quán karaoke đều thiết kế bít kín bằng vật liệu cách âm: như mút, xốp… rất dễ cháy. Khi cháy, ngọn lửa lan rất nhanh, còn sinh khí độc gây nguy hiểm đến tính mạng. Bên cạnh đó, theo Luật Nhà ở, sử dụng nhà dân sinh để kinh doanh buôn bán là vi phạm luật, mất an toàn trong phòng chống cháy nổ.
Đại diện Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) Hà Nội cho biết, đa số những biển quảng cáo lắp trên những quán karaoke đều không được phép. Đối với tiêu chuẩn Sở VH-TT cấp: Biển quảng cáo khống chế chiều cao 2m, chiều ngang bằng chiều ngang của công trình. Nếu tổng diện tích trên 20 m2 thì cần phải xin giấy phép xây dựng.
Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND phường Yên Hòa cho biết, quán Karaoke trên đường Nguyễn Khang chưa hoàn thiện đầy đủ hồ sơ kinh doanh, thời điểm xảy ra cháy quán này đang kinh doanh “chui”. Đại tá Lê Chí Cao, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 3 (Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội) cho biết thêm, quán có 7 tầng, 1 tầng lửng và 11 phòng hát. Ngôi nhà vốn là nhà ở chuyển công năng, dạng ống nên thiết kế không đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC như: lối thoát nạn, ngăn cháy lan… do đó chưa được chứng nhận điều kiện an toàn PCCC.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Trung tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy (Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội) cho biết, trường hợp quán karaoke không đáp ứng được điều kiện PCCC không phải cá biệt. Đa phần các quán chưa có thẩm duyệt PCCC.
Hoạt động thẩm duyệt PCCC cho các cơ sở kinh doanh karaoke cũng hạn chế do hầu hết đây là những nhà ở rồi chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng. Thiết kế theo kiểu nhà ống, chỉ có 1 lối thoát ở tầng trệt, các phòng đều có vật liệu dễ cháy… nên khi phát hỏa rất nguy hiểm. Đơn cử như trường hợp cháy tại quán Karaoke trên đường Nguyễn Khang, ngôi nhà vốn là nhà ở, hầu hết các tầng đều là kính, lại được “bọc” bởi một tấm biển quảng cáo kéo dài 4 tầng nhà. Khi xảy ra hỏa hoạn, biển quảng cáo cháy tạo sức ép lửa làm vỡ kính cửa sổ lan vào các phòng hát. Lực lượng PCCC rất vất vả khi tiếp cận đám cháy, do kết cấu của biển quảng cáo là vật liệu chịu lực, rất khó phá vỡ.