Hộ vệ rừng săng lẻ

Hộ vệ rừng săng lẻ
TP - Có được rừng săng lẻ (xã Tam Đình huyện Tương Dương, Nghệ An) ngày hôm nay nhờ một phần công lao đóng góp không nhỏ của ông Vi Chính Nghĩa - Người được dân nơi đây yêu mến gọi là thần hộ rừng...
Hộ vệ rừng săng lẻ ảnh 1
"Thần hộ rừng" dạo bước rừng săng lẻ

Rừng săng lẻ Tương Dương vào những năm đầu của thập kỉ 90 (thế  kỉ trước ) bị lâm tặc tàn phá ào ạt. Kiểm lâm và chính quyền huyện Tương Dương dùng nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng không ngăn nổi.

Tận mắt chứng kiến máu săng lẻ chảy hàng ngày, ông Vi Chính Nghĩa (cán bộ huyện về hưu) viết đơn gửi lên huyện tình nguyện được giữ rừng. Nhiều người cười bảo, rừng săng lẻ rộng gần 100 ha huyện phối hợp với nhiều lực lượng ngăn chặn mà chẳng ăn thua huống chi ông già sức vóc kề miệng lỗ. Kẻ thì nói ông giữ rừng với ý đồ kiếm chác.

Mặc, ông năm lần bảy lượt đi  bộ hơn 30 km lên huyện nằng nặc đòi được giữ rừng. Cán bộ huyện yêu cầu ông trình bày phương án.

Ông nói: “Tui lớn lên với rừng, Tui hiểu rừng và con người nơi đây. Tui không trình bày rườm rà. Tôi nói làm được là làm được. Tui năm nay 40 năm tuổi Đảng xin thề với rừng tui sẽ giữ được rừng". 

Thấy thái độ kiên quyết của ông, cuối cùng, họ đồng ý. Bà vợ ông than vắn, thở dài: "Ông về hưu, nghỉ cho khỏe, việc gì mà ôm rơm cho xót bụng. Nếu bọn chặt phá rừng hắn thù đòm cho một phát thì mần răng". Mặc, chí ông đã quyết không ai ngăn cản được. Ông chọn địa điểm dễ quan sát để làm lán bắt đầu cho cuộc chiến.

Phân loại lâm tặc

"Tui phân lâm tặc ra làm hai loại", ông Nghĩa kể. "Loại thứ nhất, lâm tặc là bà con mình. Họ đói nên chặt bán để kiếm cái ăn. Tui phải đi các làng bản, trực tiếp đến từng hộ gia đình, trường học tuyên truyền cho bà con, cho các cháu hiểu chặt phá rừng là vi phạm pháp luật. Chặt phá rừng là tự giết mình, làm cho thiên tai lũ, bão tìm đến...

Hộ vệ rừng săng lẻ ảnh 2 Ông về hưu, nghỉ cho khỏe, việc gì mà ôm rơm cho xót bụng. Nếu bọn chặt phá rừng hắn thù đòm cho một phát thì mần răngHộ vệ rừng săng lẻ ảnh 3

Tui nói một ngày họ không hiểu thì nói ngày này qua ngày khác. Muốn bà con nghe thì mình phải làm gương. Vợ con tui thiếu củi thì đi mua chứ không lấy của rừng một cái gì cả.

Tui cũng nói với bà con là tôi tình nguyện bảo vệ rừng không lương. Vậy là, với lâm tặc này, tôi giải quyết tương đối thuận lợi trong một thời gian ngắn.

Loại thứ hai là người từ vùng khác đến bỏ tiền ra thuê người trên này chặt. Loại này rất  hung hãn, mang theo cả vũ khí nóng để chống trả khi mình ngăn cản. Tôi  giữ rừng nhưng chẳng có thứ vũ khí gì để tự vệ".

Ông cởi áo cho tôi xem ở lưng, bụng và tay, chân có rất nhiều vết sẹo to nhỏ.  Đó là chứng tích mà bọn lâm tặc để lại trên người ông. Thì ra không những ông Nghĩa dùng văn để bảo vệ rừng mà ông còn giỏi dùng võ nữa.

Ông Vi Đình Tơn nhà ở gần rừng săng lẻ kể: "Lúc đầu ai cũng tưởng ông già rồi chẳng mần ăn chi được, nhưng ông ấy khỏe thật lại có võ nữa. Tui chứng kiến một mình ông Nghĩa tay không đánh nhau với năm thằng thanh niên ngay tại bìa rừng khi chúng vào chặt săng lẻ.

Chúng đang chặt, ông Nghĩa chạy đến bắt dừng lại để lập biên bản, thì một tên trong bọn chúng cầm cây gậy lớn đánh vào sau gáy ông.

Ông phất tay, bắt lấy gậy giật về phía mình rồi thuận chân đá cho nó một phát vào chỗ hiểm ngã lăn quay. Mấy thằng còn lại xông vô ông cho nằm quay lơ hết".

Sau trận đấu đó, bọn lâm tặc gờm ông, nạn phá rừng săng lẻ cũng giảm. Nhưng rừng săng lẻ như miếng mồi ngon, bọn lâm tặc vẫn không chịu buông tha. Chúng  gửi thư đe dọa khủng bố nhà ông bằng mìn.

Hộ vệ rừng săng lẻ ảnh 4
Rừng săng lẻ ở xã Tam Đình -Tương Dương, cạnh quốc lộ 7A

Ông nói: "Chính nghĩa không bao giờ sợ phi nghĩa. Ta còn sống thì đừng đứa nào đụng vào rừng săng lẻ". Tuy ông giỏi võ nhưng đơn thương độc mã, có lần ông bị chúng đánh cho ngất lịm nằm trong rừng, may có người đi bắt ong tìm thấy cõng về đưa đi cấp cứu". 

20 năm giữ rừng, trên chục bận, ông đánh nhau với lâm tặc. Còn ông có chiêu nữa là lấy dân làm gốc, nhờ dân phát hiện để báo với nhà chức trách đến bắt...

Đó là  đối phó với giặc rừng. Còn giặc hỏa ông ngày đêm phải tuần tra để đề phòng hỏa hoạn. Ông lên kiểm lâm xin tài liệu hướng dẫn bà con làm đường băng cản lửa khi đốt nương, làm rẫy và những biện pháp phòng chống cháy rừng.

Vợ ông góp chuyện: "Mùa bà con đốt rẫy là ông ấy đêm không hề chợp mắt, cầm đèn đi tuần tra suốt đêm. Tui nhiều khi phát ghen với rừng. Tui nói. Ông không bỏ rừng săng lẻ thì tui bỏ ông".

Ông Văn Bá Kí nguyên Giám đốc lâm trường Tương Dương  phát biểu: "Ông Vi Chính Nghĩa đã làm được điều ngỡ như không tưởng. Nạn tàn phá rừng săng lẻ thực sự chấm dứt trong một thời gian ngắn.  Ông được tất cả cán bộ và nhân dân Tương Dương yêu mến gọi bằng cái tên "Thần hộ rừng săng lẻ".

Thần hộ rừng

Chúng tôi đến nhà ông Nghĩa vào ngày đầu hạ. Nhà ông chỉ là một túp lều tranh nhỏ bé ở bìa rừng săng lẻ. Đồ đạc trong nhà ông chẳng có gì  đáng giá ngoài chiếc ti vi đen trắng và chiếc radio cũ kĩ. Có lẽ gia tài lớn nhất của ông là những tấm huân chương, giấy khen, bằng khen của các cấp treo đầy trên vách.

Năm nay ông 89 tuổi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn và minh mẫn. Ông ngồi trước mặt chúng tôi, mái tóc bạc phơ, tay chân nhăn nheo vì thời gian chạm khắc nhưng vẫn gân guốc như rễ cây lim cây táu.

Ông trầm buồn: "Ta già rồi, cái chân nó mỏi, không đi lại được, nên xin huyện cho nghỉ từ tháng 3 năm 2008. Gắn bó với nó hơn 20 năm mà nghỉ cũng nhớ". 

Anh Vi Tuấn người giữ rừng thay ông Nghĩa cho chúng tôi biết: "Bác Nghĩa nghỉ giữ rừng nhưng vẫn cùng tôi đi tuần. Tôi chưa từng thấy ai yêu rừng và một lòng vì rừng như bác ấy".

Anh Vi Thắng, trưởng bản Quang Thịnh cho biết: "Bác Nghĩa không chỉ là thần hộ rừng mà còn là ông tiên của bản làng. Những ai xích mích với nhau hay gặp rắc rối gì đến bác nhờ giúp là mọi việc êm đẹp! Chúng tôi mong bác sống thật lâu để làm cây cổ thụ tỏa bóng mát che chở cho bản làng".

Tương Dương rừng bạt ngàn sao bác không nói với  các anh trên huyện hỗ trợ làm cho ngôi nhà gỗ chắc chắn? Ông cười hiền lành: “Mình có sao thì dùng vậy, lấy của rừng, của nhà nước làm gì".

Ông ước muốn khi chết đi được chôn trong rừng săng lẻ để  hồn ông hòa vào rừng, vào từng cây săng lẻ, để ông trở thành thần hộ rừng.

Rừng săng Lẻ diện tích hơn 70 ha. Khu rừng này được đưa vào diện quản lý từ năm 1964, vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp tự nhiên.

Cây săng Lẻ thuộc họ Bằng Lăng, tên khoa học là Lagerstroemiatomentsa Presl.

Phần lớn săng lẻ ở đây cao từ 30 - 40m. Thân cây thẳng suốt, màu nâu trắng, lá đơn nguyên, hình trứng phủ lông nâu vàng, màu hoa tím thường nở vào mùa hè.

MỚI - NÓNG