Niềm vui của lao động Việt Nam khi trở về nước ngày 26-2. Ảnh: Hữu Cẩm. |
Đến thời điểm này, Nhà nước đã chi gần 100 tỷ đồng để giải cứu lao động từ Libya về nước. Trong đó, chủ yếu chi cho việc thuê máy bay và 1 triệu đồng hỗ trợ lao động khi họ về đến Việt Nam. Không có lao động Việt Nam nào bị thương do bạo loạn.
292 lao động bị mắc kẹt sẽ về trong vài ngày tới
Hiện còn 292 lao động Việt Nam đang mắc bị kẹt tại trại tị nạn Algeria, việc giải cứu họ thế nào, thưa ông?
Lãnh đạo Cục vẫn thường xuyên liên lạc với họ. Hôm qua, Đại sứ Việt Nam tại Algeria đã đến nơi lao động đang mắc kẹt để hỗ trợ thức ăn, nước uống. Địa điểm lao động mắc kẹt tại khu vực biên giới giữa Libya, Algeria và Tunisia.
Khó khăn lúc này là máy bay của Vietnam Airlines không được hạ cánh xuống sân bay của Algeria để đón lao động. Vì thế, chúng tôi đã phối hợp với Vietnam Airlines thuê một máy bay của Algeria chuẩn bị đưa số lao động này về nước.
Còn hơn 1.000 lao động đang trên đường về nước bằng tàu thuỷ thì sao?
Chúng tôi vẫn liên lạc thường xuyên với họ. Tàu chở số lao động này từ Libya dự kiến sẽ cập cảng Hải Phòng ngày 21-3.
Việc giải quyết chế độ, chính sách hỗ trợ cho những lao động về nước đã thực hiện đến đâu, thưa ông?
Chúng tôi đã thống kê được toàn bộ số lao động này, từ thời gian làm việc, đến mức thu nhập... Trong tuần tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình phương án hỗ trợ lao động lên Chính phủ, xem xét trên tinh thần chia sẻ giữa ba bên (Nhà nước, doanh nghiệp, người lao động) vì đây là rủi ro ngoài ý muốn.
Chính sách hỗ trợ sẽ được ưu tiên cho lao động huyện nghèo và số lao động làm việc tại Libya chưa đến một năm. Trong đó, sẽ phân ra nhiều bậc như: lao động mới sang; lao động làm việc từ 2-3 tháng; lao động làm việc 4-6 tháng... Căn cứ vào từng loại đối tượng sẽ có chính sách hỗ trợ khác nhau.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh. |
Nhiều bài học
Có bài học nào cần rút kinh nghiệm từ việc đưa lao động về nước không, thưa ông?
Sau sự cố Libya, chúng tôi rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Các kinh nghiệm sẽ được ghi rõ trong nội dung phương án trình Chính phủ trong tuần tới.
Đặc biệt là các bài học về quy trình xử lý sự cố lao động ở nước ngoài, giải cứu lao động thế nào, lo chuyện ăn, ở cho lao động... Tất cả các vấn đề liên quan giải cứu cũng như hỗ trợ lao động sẽ được công bố rộng rãi.
Chúng ta có nên bổ sung gì vào chính sách XKLĐ hay không, để khi có sự cố tương tự xảy ra, các cơ quan cũng như doanh nghiệp và người lao động cứ theo quy trình có sẵn mà làm?
Phải nói rằng, việc giải cứu lao động ở Libya về nước khác với việc giải cứu lao động Việt Nam ở I-rắc về nước trước đây, nên để xây dựng một quy trình chung là rất khó, nhưng chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu.
Phong Cầm
Theo tin từ Bộ LĐ-TB&XH, 8h sáng nay (12-3), ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cùng đại diện Cty Vinaconexmex sẽ đáp chuyến bay của Vietnam Airlines sang Angieria đón 292 lao động Việt Nam. |